Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung (thứ 3 trái sang), Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc (thứ 4 trái sang) và các đại biểu tham quan một số hạng mục của nhà máy.
Nhà máy Nước mặt Sông Đuống, thuộc Tập đoàn AquaOne - dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc - đã khánh thành giai đoạn 1. Tại buổi lễ khánh thành, Chủ tịch HĐQT Nhà máy Nước mặt Sông Đuống - bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên*) cho biết, đây là dự án có ý nghĩa rất quan trọng của Hà Nội, nhằm đáp ứng nguồn nước sạch đủ tiêu chuẩn, phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân; đồng thời là công trình kỷ niệm 60 năm Giải phỏng Thủ Đô.
Theo bà Đỗ Thị Kim Liên, sau giai đoạn 1, Nhà máy Nước mặt Sông Đuống đảm bảo đủ cung cấp nguồn nước sạch cho 1/3 dân số Hà Nội (khoảng 3 triệu dân) tại nhiều xã, phường trên địa bàn thành phố Hà Nội. Không chỉ có vậy, nhà nước còn cung cấp cho một số vùng phụ cận như Bắc Ninh, Hưng Yên… và dần thay thế nguồn nước ngầm đang có nguy cơ ô nhiễm.
(*) Bà Đỗ Thị Kim Liên (Shark Liên) là một nữ doanh nhân, hiện đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT) Tập đoàn AquaOne, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần nước mặt Sông Đuống, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Nước Xuân Mai - Hoà Bình, Chủ tịch Quỹ Môi trường xanh Việt Nam (Green Vietnam Fund), kiêm Hiệu trưởng trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM).
Shark Liên được biết đến là người phụ nữ rất chú tâm vào các hoạt động xã hội, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Bà từng nhận thư khen từ Chính phủ Nam Phi vì những cống hiến không ngừng trong việc hỗ trợ và quảng bá hình ảnh đất nước Nam Phi tại Việt Nam.
Việc thành lập Quỹ Môi trường xanh Việt Nam nhằm mục tiêu cụ thể hoá các hoạt động bảo vệ môi trường của bà, song song với hoạt động xử lý và cung cấp nước sinh hoạt sạch cho người dân.
Ngoài ra, bà Liên đồng thời rất quan tâm đến các hoạt động thiện nguyện. Trong hơn 10 năm qua, bà đã dành hàng trăm tỷ đồng cho hoạt động này, đặc biệt là xây dựng trường học; cưu mang, chăm sóc các cụ già và truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ.
Theo thiết kế, các tuyến ống dẫn nước từ nhà máy nước sạch này tới khu vực dân cư phải vượt qua 3 con sông, trong đó 2 sông lớn là sông Hồng và sông Đuống, bằng phương pháp đánh chìm qua sông. Đây là một trong những hạng mục thi công quan trọng của giai đoạn 1 dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống.
Hiện tại, đây là công trình đầu tiên tại Việt Nam thực hiện kỹ thuật đánh chìm đường ống cỡ lớn và với quy mô lớn nhất, đoạn đánh chìm qua lòng sông Đuống có chiều dài trên 200 m và qua lòng sông Hồng dài trên 500 m.
Toàn bộ quá trình thi công được tiến hành hết sức cẩn trọng, chính xác, bảo đảm trong mọi điều kiện và địa hình, đường ống không thể bị vỡ hoặc rò rỉ.
Chia sẻ về quá trình xây dựng và vận hành Nhà máy Nước mặt sông Đuống sau khi hoàn thành giai đoạn 1, ông Đỗ Văn Định - Giám đốc dự án Nhà máy Nước mặt sông Đuống cho biết, tính đến thời điểm hiện tại, nhà máy đã hoàn thành giai đoạn 1 và cung cấp nước sạch cho hàng triệu người dân Hà Nội, cũng như một số vùng lân cận.
Trong quá trình xây dựng và vận hành, nhà máy đã đạt được nhiều kỷ lục và được người dân đánh giá cao. Chỉ sau 56 ngày, toàn bộ 42.000 m cọc BTCT đã được hạ vào lòng đất tạo nền móng vững chắc cho các hạng mục công nghệ.
Các đại biểu tới tham dự lễ khánh thành và thăm quan nhà máy |
Về vấn đề an toàn, trong suốt giai đoạn triển khai phân kỳ 2, Nhà máy Nước mặt sông Đuống đã thực hiện hơn 76.000 ngày công, với số giờ được đánh giá thiếu an toàn là 7 giờ. Toàn bộ giai đoạn thi công không phát sinh một sự cố có thể ghi nhận nào về tai nạn (không cháy nổ, không thương tật, không chết người).
Kỷ lục tiếp theo được ông Đỗ Văn Định chia sẻ là công tác giải phóng mặt bằng, giải tỏa 64,2 ha, bao gồm 61,5 ha cho khu vực nhà máy và 2,7 ha cho khu vực công trình thu trong thời gian ngắn kỷ lục chỉ hơn 4 tháng.
“Về lắp đặt tuyến ống, 60 km tuyến ống trong thời gian ngắn và đường ống lớn nhất Việt Nam hiện nay với đường kính là 0,8 m đến 1,8 m” – ông Đỗ Văn Định nói.
Về kiểm soát chất lượng và tiến độ, trong quá trình xây dựng và vận hành, Nhà máy Nước mặt sông Đuống áp dụng các tiêu chuẩn với chuẩn mực cao nhất cho toàn bộ công tác kiểm soát chất lượng; xây dựng kế hoạch chi tiết và kiểm soát tiến độ một cách nghiêm ngặt, đồng thời huy động nhân lực, thiết bị kịp thời trong suốt tiến trình phát triển dự án phù hợp với các điều kiện thời tiết khác nhau.
Đặc biệt, từ khi hoàn thành phân kỳ 1 (tháng 10/2018 ) và đi vào hoạt động với công suất 150.000 m3/ngày đêm, Nhà máy Nước mặt sông Đuống luôn vận hành ổn định, liên tục cùng 3 hệ thống truyền dẫn.
Việc vận hành một nhà máy nước quy mô thường sẽ phải tốn rất nhiều nhân lực, tuy nhiên với Nhà máy Nước mặt sông Đuống đội ngũ vận hành toàn bộ nhà máy chỉ gồm 20 kỹ sư, cán bộ kỹ thuật người Việt. Quy trình sản xuất nước được tự động hoá hoàn toàn, kiểm soát tuyệt đối toàn bộ các khâu từ lấy nước thô đến truyền dẫn tại điểm giao nhận nước sạch tới khách hàng theo thời gian thực.
Ông Định cũng khẳng định chắc chắn tại lễ khánh thành:
“Nếu Thủ đô Hà Nội cần thêm nguồn cung nước sạch và chất lượng thì cứ sau mỗi 12 tháng Nhà máy Nước mặt sông Đuống sẽ có thể đưa thêm một nguồn cung ổn định 150.000 m3/ngày đêm. Cao hơn nữa, cứ sau mỗi 18 tháng chúng tôi sẽ đảm bảo hoàn tất các dây chuyền công nghệ sản suất thêm 300.000 m3/ngày đêm.
Sau 5 - 7 năm nữa, vấn đề cung cấp, truyền dẫn và sử dụng nước sạch cho mọi người dân Thủ đô sẽ không còn là các đề tài nóng bỏng trên các trang báo thường ngày hay trên các bản tin truyền hình”./.
Nguồn: thoibaotaichinhvietnam.vn