Hướng dẫn viên luôn căn dặn du khách nước ngoài nên trả giá giảm 50% khi mua hàng trong chợ Bến Thành, nhưng nhiều khi, hạ giá một nửa vẫn bị "hố".

700.000 đồng ba đôi vớ 

KiKi, YouTuber người Nhật Bản thông thạo tiếng Việt, mới đây đăng lên mạng xã hội nhiều video về trải nghiệm đi chợ Bến Thành mua sắm đồ. Trong đó, anh đối mặt với nạn hét giá khủng khiếp, lên gấp 10 lần so với giá đồng ý bán cuối cùng.

Khi ghé vào một sạp thời trang, KiKi hỏi mua 3 đôi vớ màu đen.

Người phụ nữ bán hàng ngồi trên đống quần áo, trước mặt là những chồng vớ và nói một đôi 250.000 đồng, nhân ba giảm còn 700.000 đồng. Anh thảng thốt hỏi đi hỏi lại người bán, có phải thật sự 700.000 đồng cho ba đôi vớ không rõ nhãn hiệu.

1 Du Khach Bo Chay Vi Bi Het Gia Gan Trieu Dong 3 Doi Vo Trong Cho Ben Thanh

Người bán hàng trong chợ Bến Thành ra giá 3 đôi với 700.000 đồng - CMH

Ngay sau đó, KiKi sử dụng tiếng Việt và câu chuyện đi đến hồi gay cấn. "700.000 đồng thì đắt quá", anh nói và ghi chú thích trên video rằng muốn "chuồn" đi ngay.

Người bán kéo tay anh lại, hỏi muốn giá bao nhiêu thì cứ trả. "60.000 đồng thôi!", anh trả lời. Nghe vậy, người bán giảm xuống còn 150.000 đồng cho ba đôi. Tuy nhiên, khi Kiki quả quyết quay đi thì người bán đồng ý với giá 60.000 đồng.

"Trốn thôi", anh viết trên video và vội vã đi như chạy khỏi sạp. "Chỗ vừa rồi ghê quá, định bán giá gấp 10 lần luôn", anh nói tiếp. Sau đó, anh mua quần áo thể thao ở sạp khác, vừa lên tiếng đã bị người bán kéo vào bên trong.

Chiếc áo phông và quần sọc, người bán báo giá 550.000 đồng, anh trả hai cái 300.000 đồng và sau một hồi "giằng co", người bán đồng ý 350.000 đồng. Trước đó, anh mua chiếc ba lô 1,4 triệu sau khi bị hét giá 2,8 triệu đồng... KiKi cho rằng, mình không biết trả giá khi đi chợ Bến Thành.

"Giá thực tế không phải một nửa đâu mà là 1 phần 10 cũng có. Chợ Bến Thành là chợ dành cho khách du lịch nên mới xảy ra những chuyện như thế này, còn những chợ khác không như vậy. Ở chợ khác họ không kéo khách như vậy đâu, đừng hiểu nhầm nha", anh chia sẻ trong video.

2 Du Khach Bo Chay Vi Bi Het Gia Gan Trieu Dong 3 Doi Vo Trong Cho Ben Thanh

Chợ Bến Thành bán nhiều sản phẩm lưu niệm thủ công, được du khách nước ngoài quan tâm - NTT

Trên nhiều diễn đàn du lịch lớn dành cho du khách nước ngoài, đề tài làm thế nào để mua hàng đúng giá và trả giá đúng cách được nhiều du khách hưởng ứng. Du khách cho rằng, chợ Bến Thành cung cấp nhiều thứ cho người nước ngoài và người dân địa phương hiếm khi mua sắm ở nơi này vì họ biết giá cả rất cao so với thị trường. 

"Thứ nhất, nên giao dịch bằng tiền Việt Nam. Thứ hai, luôn để người bán đưa ra giá trước. Sau đó, bạn giảm giá từ 50 - 60% và tiếp tục điều chỉnh giá sao cho cân bằng, hài hòa với người bán. Thứ ba, bạn hãy bỏ đi nếu người bán không khớp được giá của bạn. Đừng lo lắng, nếu thấy giá hợp lý, người bán sẽ gọi bạn quay lại ngay khi bạn vừa xoay đi", một du khách từ Malaysia tư vấn.

Cú sốc văn hóa

Anh Trần Phong, hướng dẫn viên du lịch tiếng Anh nhiều năm kinh nghiệm, cho biết chợ Bến Thành là điểm đến "không thể bỏ qua" của du khách quốc tế khi đến TP.HCM.

Bởi, khu chợ này thể hiện muôn mặt của đời sống văn hóa người Việt. Tại đây, du khách có thể khám phá chợ cá tươi sống, hàng rau xanh, hàng ăn uống với đầy đủ các món từ ngọt đến mặn, đặc biệt, học cách trả giá sao cho đúng cũng là trải nghiệm mà ở nhiều quốc gia tới nay không còn tồn tại cách buôn bán này... 

"Quan trọng là hướng dẫn viên cần thông báo cho du khách của mình trước về việc trả giá khi vào chợ, để họ không bị sốc văn hóa. Tôi từng đưa nhiều đoàn khách vào chợ Bến Thành, và luôn luôn căn dặn trước mọi thứ. Du khách nào muốn trải nghiệm có thể mua sắm, trả giá để hiểu văn hóa buôn bán địa phương. Nếu có bị 'hố' cũng phải chấp nhận vì đó là một phần của du lịch. Tuy nhiên, ngày nay, du khách đến chợ Bến Thành không nhiều người mua hàng, vì họ đã biết người bán bên trong hét giá cao. Họ vào để dạo chơi nhưng lại mua hàng lưu niệm ở các cửa hàng bên ngoài, nơi sản phẩm được niêm yết và không bị nói thách", anh chia sẻ.

Anh Phong cũng cho rằng, cách buôn bán ở bên trong chợ Bến Thành càng ngày càng không bền vững. "Việc hét giá quá cao, gấp 5 - 10 lần không còn đem lại cho du khách trải nghiệm nữa mà là sự sợ hãi. Tiếng xấu thường đồn xa và du khách sẽ sợ mua hàng trong chợ này, khiến cả điểm đến bị ảnh hưởng", anh Phong nói thêm.

3 Du Khach Bo Chay Vi Bi Het Gia Gan Trieu Dong 3 Doi Vo Trong Cho Ben Thanh

Chợ Bến Thành được xây dựng năm 1912, có 4 cửa chính ở 4 con đường, từ lâu là điểm đến tham quan của du khách nước ngoài - NTT

Theo bà Huỳnh Đoan Thùy, chuyên gia du lịch, hét giá là tâm lý của người bán khi biết du khách chỉ đến TP.HCM du lịch một lần. Thế nhưng, những người hét giá lại không nghĩ đến việc hét giá sẽ khiến điểm đến mang tiếng xấu.

"Những video của YouTuber người Nhật Bản là ví dụ xấu cho hình ảnh của điểm đến chợ Bến Thành. Vì chợ Bến Thành không chỉ đơn thuần là chợ truyền thống mà còn là điểm du lịch, nên Sở Công thương và Sở Du lịch phải phối hợp chấn chỉnh.

Các sạp cần niêm yết giá công khai. Nếu sạp nào hét giá mà có du khách phản ánh thì sở phải cử người xuống lập biên bản, đưa vào danh sách đen, vi phạm nhiều lần có thể xử phạt hoặc đóng cửa sạp... Bên trong chợ cần có đường dây nóng để du khách phản ánh", bà Thùy phát biểu. 

Vũng Tàu cương quyết dẹp nạn "chặt chém" du khách

Điểm đến Vũng Tàu một thời bị du khách "bỏ qua" vì nạn "chặt chém". Từ năm 2015 trở đi, trước và trong những ngày lễ, UBND TP.Vũng Tàu đã lập các đoàn kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh du lịch. Nếu bị phát hiện sai phạm hay "bẫy" du khách để lấy giá cao hơn so với quy định hoặc đăng ký, thành phố sẽ đưa cơ sở vào "danh sách đen". Trường hợp có dấu hiệu lừa đào, chính quyền địa phương sẽ chuyển sang cơ quan công an để điều tra, truy tố.

Nhờ vậy, những năm gần đây, Vũng Tàu không còn mang tiếng xấu, trở thành điểm đến thân thiện với du khách. 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC