Foto: Cắt băng khánh thành công trình trùng tu dự án
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận, Fulda, Đức ngày 7/1 đã tổ chức Lễ bàn giao dự án bảo tồn, phục hồi một số công trình tại Điện Phụng Tiên, Đại Nội Huế kết hợp với đào tạo kỹ thuật chuyên sâu. Dự án do Bộ Ngoại giao Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ với tổng kinh phí thực hiện gần 4,3 tỷ đồng.
Điện Phụng Tiên được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 10 (năm1829). Đây là nơi thờ tự các Vua và Hoàng hậu của triều Nguyễn, từ vua Gia Long đến vua Khải Định. Đây cũng là nơi nữ giới trong Hoàng gia được phép tham dự các cuộc lễ tế và chăm sóc hương khói, thờ tự tổ tiên triều Nguyễn hàng ngày. Điện Phụng Tiên gồm 5 công trình chính là chính điện, Đông Tây Phối điện, Tả Hữu Tòng Viện. Lối vào Điện nổi bật với hệ thống kiến trúc tinh xảo như cổng, bình phong, bể cạn-non bộ…
Bình phong Phụng Tiên được trùng tu phục hồi
Sau hơn 1 năm thực hiện, các công trình Cổng, Bình Phong, Non bộ, Bể cạn đã được bảo tồn và phục hồi hoàn chỉnh. Những hoa văn, họa tiết được phục dựng tinh tế bằng "kỹ thuật fresco" (kỹ thuật vẽ màu trên nền vữa vôi còn ẩm ướt) duới sự quản lý, hướng dẫn và chia sẻ kinh nghiệm của chuyên gia bảo tồn Hiệp hội Bảo tồn Di sản Văn hóa Phi lợi nhuận, Fulda, Đức cùng các kỹ sư, kiến trúc sư, nghệ nhân của Huế.
Bên cạnh đó, dự án đào tạo kỹ thuật chuyên sâu cho 7 học viên, là những thợ kép, họa sĩ, kiến trúc sư, kỹ sư và thợ nề ngõa truyền thống được tuyển chọn từ các công ty tu bổ di tích tại Huế, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và các địa phương.
Ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích có đô Huế cho biết:
"Tiếp tục thành công của dự án này, Đại sứ CHLB Đức đã tuyên bố tiếp tục sẽ tài trợ cho Huế thêm một dự án nữa. Thứ 2 đội ngũ học viên vừa được được đào tạo sẽ trực tiếp triển khai dự án này. Đội ngũ thợ này được đào tạo rất bài bản cả về lý thuyết và cả về thực hành.
Cũng qua kinh nghiệm của dự án này, chúng tôi tiếp tục triển khai các dự án của Trung tâm phát huy năng lực, vai trò của đội ngũ học viên vừa đào tạo, áp dụng những điều họ vừa học được để thực hiện trong địa bàn khu di sản Huế./.
PV Lê Hiếu/VOV-Miền Trung