Doanh thu bán điện toàn Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) năm 2023 ước đạt 497.000 tỉ đồng, tăng 5,4% so với năm 2022.
Thông tin trên được ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc EVN cho biết tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024, diễn ra ngày 2-1.
Tổng giám đốc EVN báo cáo kết quả công tác tại hội nghị
Theo ông Tuấn, trong năm 2023, giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh tăng 2 lần, tuy nhiên không đủ bù đắp được chi phí sản xuất điện (do các thông số đầu vào vẫn duy trì ở mức cao) nên EVN tiếp tục bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp. Con số lỗ cụ thể chưa được EVN công bố.
Đối với các nguyên nhân chính làm tăng chi phí khâu sản xuất điện, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết giá nhiên liệu vẫn ở mức cao, mặc dù đã giảm so với năm 2022 nhưng giá nhiên liệu năm 2023 vẫn cao hơn nhiều so với các năm trước đây.
Cơ cấu huy động nguồn điện không thuận lợi do tình hình nước về các hồ thủy điện kém làm sản lượng thủy điện giảm, trong khi tăng huy động các nhà máy nhiệt điện than, dầu, năng lượng tái tạo có giá thành cao hơn giá thành thủy điện. Cùng với đó, chi phí mua điện trên thị trường điện cao, chi phí thanh toán tăng so với giá điện hợp đồng.
Theo Tổng giám đốc EVN, hiện EVN và các Tổng công ty phát điện chỉ chủ động được khoảng 37,5% nguồn điện; còn lại (62,5%) phụ thuộc vào PVN, TKV và nhà đầu tư bên ngoài (BOT, tư nhân). Như vậy, tỷ trọng mua điện của EVN hiện chiếm 80% chi phí giá thành, cao gấp đôi các nước, là bất cập trong tiêu thụ điện.
EVN bị lỗ sản xuất kinh doanh điện năm thứ 2 liên tiếp
EVN cũng nhìn nhận trong năm 2023, công tác quản lý và chỉ đạo điều hành cung ứng điện vẫn còn tồn tại, hạn chế, trong đó còn để xảy ra tình trạng thiếu điện và phải thực hiện tiết giảm điện một số địa phương khu vực miền Bắc trong các ngày đầu tháng 6.
Việc xảy ra tình trạng thiếu điện trong mùa khô vừa qua do xảy ra đồng thời nhiều yếu tố bất lợi, trong đó có cả các nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, dự phòng nguồn điện khu vực miền Bắc rất thấp; (Ảnh hưởng El Nino dẫn đến hạn hạn kéo dài lưu lượng nước về các hồ thủy điện giảm thấp đột ngột, đặc biệt tại khu vực miền Bắc; Nhu cầu phụ tải tăng cao; Nhiều nhà máy nhiệt điện than trên toàn hệ thống bị sự cố hoặc suy giảm công suất do nhiệt độ nước làm mát tăng cao...
Ngoài ra, còn có các nguyên nhân chủ quan như hạn chế trong việc phối hợp với các địa phương và các khách hàng sử dụng điện lớn trong việc điều chỉnh phụ tải; Công tác huy động nguồn điện và điều tiết các hồ thủy điện còn bất cập, chưa theo kịp các diễn biến thủy văn; Công tác chuẩn bị nhiên liệu than cho phát điện còn chưa tốt, nên trong các tháng cao điểm mùa khô nhu cầu phụ tải tăng cao đã xảy ra tình trạng thiếu than tại một số nhà máy nhiệt điện.
Đối với kế hoạch năm 2024, EVN cho biết dự báo sản lượng điện thương phẩm tối đa 269,3 tỉ kWh. EVN sẽ tập trung mọi nỗ lực đảm bảo cung ứng điện cho phát triển kinh tế xã hội của đất nước và đời sống nhân dân; đảm bảo tiến độ đầu tư các dự án nguồn điện và các dự án lưới điện theo đúng tiến độ được duyệt.
Lãnh đạo EVN cũng nhấn mạnh sẽ chỉ đạo các nhà máy điện chuẩn bị tốt công tác chuẩn bị sản xuất điện ngay từ đầu năm 2024, tuyệt đối không được để xảy ra tình trạng thiếu nhiên liệu (than, khí, dầu) cho phát điện đối với các nhà máy nhiệt điện và thiếu hụt nước các hồ thủy điện theo quy trình vận hành hồ chứa được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Ngoài ra, chủ động tích cực, kịp thời hơn nữa việc mua bán điện, nhất là năng lượng tái tạo theo quy luật thị trường và tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ. không để lãng phí nguồn lực xã hội.
Đến cuối năm 2023, tổng công suất đặt nguồn điện toàn hệ thống đạt 80.555 MW, tăng 2.800 MW so với năm 2022, trong đó tổng công suất các nguồn điện năng lượng tái tạo là 21.664 MW và chiếm tỷ trọng 27%. Quy mô hệ thống điện Việt Nam đứng đầu khu vực ASEAN về công suất nguồn điện.
Theo Minh Chiến
Người lao động