Ngày 13/6, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam công bố giá sách giáo khoa lớp 4, 8, 11 của bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo”. Công ty Cổ phần đầu tư và xuất bản giáo dục Việt Nam (VEPIC) cũng đưa ra giá bộ “Cánh Diều”. Đây là ba bộ sách được Bộ Giáo dục và Đào tạo thẩm định, để các trường học lựa chọn, giảng dạy từ năm học 2023-2024.
Sách giáo khoa lớp 4 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” gồm 13 đầu sách, có giá dao động từ 9.000 – 21.000 đồng/cuốn; tổng cộng 186.000 đồng. Bộ “Chân trời sáng tạo” có 15 đầu sách, từ 9.000 – 22.000 đồng/cuốn; tổng giá là 182.000 đồng (chưa bao gồm sách tiếng Anh).
Bộ “Cánh Diều” có giá 230.000 đồng/13 đầu sách (chưa gồm sách tiếng Anh).
Giá sách giáo khoa lớp 4 của NXB Giáo dục Việt Nam. (Nguồn: nxbgd.vn)
Sách giáo khoa lớp 8 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” gồm 13 đầu sách, có giá dao động từ 10.000 – 27.000 đồng/cuốn; tổng giá 212.000 đồng. Bộ “Chân trời sáng tạo” gồm 14 đầu sách, có giá dao động từ 9.000 – 25.000 đồng/cuốn; tổng giá là 186.000 đồng (chưa bao gồm sách tiếng Anh).
Bộ “Cánh Diều” có giá 268.000 đồng/13 đầu sách (chưa gồm sách tiếng Anh).
Giá sách giáo khoa lớp 8 của NXB Giáo dục Việt Nam. (Nguồn: nxbgd.vn)
Sách giáo khoa lớp 11 bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” và “Chân trời sáng tạo” đều gồm 15 đầu sách giáo khoa và 12 sách chuyên đề Toán, Văn, Vật lý, Sinh học, Tin học, Công nghệ, Âm nhạc… với giá lần lượt khoảng 350.000 đồng/bộ và 390.000 đồng/bộ.
Bộ “Cánh Diều” có giá 370.000 đồng/15 đầu sách (chưa gồm sách tiếng Anh).
Giá sách giáo khoa lớp 11 của NXB Giáo dục Việt Nam. (Nguồn: nxbgd.vn)
Sách lớp 4 đang sử dụng có 9 đầu sách, có giá 87.000 đồng/bộ. Theo đó, giá sách mới cao hơn khoảng 3 lần, với số đầu sách tăng thêm chủ yếu ở các môn Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm.
Tương tự, sách giáo khoa lớp 8 và lớp 11 mới cũng có giá cao hơn từ 2 – 3 lần so với bộ sách cũ.
Hơn một năm trước, tháng 5/2022, lý giải về việc giá các bộ sách giáo khoa mới cao hơn sách cũ, Nhà xuất bản Giáo dục đưa ra lý do từ số đầu sách đến khổ sách, nguồn vốn, nhuận bút, chi phí maketing…
Cụ thể, về nguồn vốn, việc biên soạn, xuất bản sách mới được thực hiện bằng nguồn vốn của doanh nghiệp (doanh nghiệp tự đầu tư và vay ngân hàng). Với sách cũ, toàn bộ chi phí tổ chức bản thảo được chi trả bằng ngân sách nhà nước và vốn vay Ngân hàng thế giới; Nhà xuất bản Giáo dục chỉ trả chi phí bản thảo cho việc tái bản. Chi phí bản thảo sách hiện hành được cho là chỉ bằng khoảng 1/10 bản thảo sách mới.
Nhuận bút của sách giáo khoa mới cao hơn so với sách hiện hành và phát sinh trong chế độ đãi ngộ do cơ chế cạnh tranh để tìm và giữ tác giả giỏi.
- ĐBQH: ‘Để UBND chọn SGK, NXB chỉ cần vận động 63 tỉnh thành’
Về khổ in, sách mới có khổ 19 x 26,5 cm, lớn hơn 1,23 lần sách hiện hành (17 x 24cm). Việc này được cho là để đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục theo mô hình phát triển năng lực, thông qua hình ảnh hóa nội dung… Do khổ in lớn nên chi phí in tăng 23%.
Ngoài ra, còn có chi phí marketing, khi có nhiều nhà xuất bản cùng tham gia xuất bản sách giáo khoa trong môi trường cạnh tranh, kéo theo chi phí cho các hoạt động triển khai thị trường (marketing) như giới thiệu, cung cấp sách mẫu; truyền thông… Giá của sách giáo khoa hiện hành không phải phân bổ các chi phí này.
Trong bảng giá năm nay, Công ty VEPIC cũng nêu sách “Cánh Diều” được in trên giấy chất lượng tốt nhất, màu sắc sống động, độ sắc nét cao bảo vệ thị lực học sinh, áp dụng công nghệ hiện đại để chống giả.
Sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018 dự kiến sẽ được phát hành từ ngày 15/6/2023.
Nguyễn Quân