Giá nguyên liệu sữa trên thế giới giảm đến 50% nhưng giá sữa trong nước vẫn ở mức rất cao. Ai sẽ bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong trường hợp này?
Từ cả tháng nay, nhờ giá nguyên liệu trên thị trường thế giới giảm mạnh nên giá nhiều loại hàng hóa thiết yếu trong nước liên tục giảm.
Tuy nhiên, hiện vẫn còn những mặt hàng “lội ngược” với xu hướng giá thế giới, khiến người tiêu dùng không khỏi bất bình. Trong đó nổi cộm nhất là mặt hàng sữa.
Chỉ tăng, không giảm
Theo giới kinh doanh nguyên liệu sữa, giá sữa bột nguyên kem hiện chỉ còn 3.400 USD/tấn; sữa bột gầy còn 2.800 USD- 3.000 USD/tấn. Nguyên liệu sữa bột béo với độ đạm cao hiện cũng chỉ còn 4.500 USD- 5.000 USD/tấn (giảm hơn 40%).
Tuy nhiên, giá các loại sữa trên thị trường trong nước hiện vẫn đứng ở mức rất cao. Ông Huỳnh Đồng Tuấn, quản lý siêu thị Citimart, cho biết đến thời điểm này vẫn chưa thấy hãng sữa nào có thông báo giảm giá. Ông Nguyễn Mười, chủ một đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông, quận 3- TPHCM, nói:
Giá sữa hiện đang ở mức cao nhất (loại sữa bột ngoại hộp nhỏ 400g giá từ 85.000 đồng- 159.000 đồng/hộp, loại lớn 900g từ 179.000 đồng- 400.000 đồng/hộp, tùy nhãn hiệu). Nếu tính từ đầu năm đến nay mặt hàng sữa bột đã tăng ít nhất 20.000 đồng/hộp 400g, tăng từ 40.000 đồng- 50.000 đồng/hộp 900g. Các loại sữa tươi, các sản phẩm chế biến từ sữa cũng đang ở mức rất cao.
Theo giới kinh doanh sữa, sự cố sữa nhiễm melamine vừa qua đã tác động mạnh đến sức tiêu thụ mặt hàng này (giảm đến 50% trong 2 tuần lễ đầu) nhưng các hãng sữa vẫn không giảm giá bán. Một số hãng đưa ra chương trình khuyến mãi tặng quà để kích cầu nên một số điểm bán có giảm giá nhẹ để cạnh tranh, nhưng gần đây khi thị trường phục hồi thì giá lại tăng như cũ.
“Kế hoạch cả năm”?
Đặt vấn đề vì sao giá sữa trên thị trường VN chưa giảm trong khi giá nguyên liệu giảm mạnh, hầu hết các đơn vị sản xuất cũng như phân phối đều né tránh hoặc giải thích chưa thỏa đáng.
Ông Trần Bảo Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Sữa VN (Vinamilk), cho rằng tuy giá nguyên liệu sữa trên thế giới có giảm nhưng hiện nay Vinamilk vẫn chưa thể giảm giá sản phẩm được do vỏ hộp thiếc tăng giá đến 50%, dầu bơ tăng trên 80%.
Ngoài ra, còn do tỉ giá USD, lương công nhân đều tăng. Còn theo đại diện hãng sữa Abbott thì sức tiêu thụ mặt hàng sữa của họ vẫn tốt nên chưa có kế hoạch điều chỉnh giá bán. Ông Trương Văn Toàn, Trưởng Phòng Pháp lý và Đối ngoại, Công ty Dutch Lady VN, giải thích: Dù giá nguyên liệu có giảm nhưng do kế hoạch, hợp đồng đều đã được duyệt cho cả năm nên không thể thay đổi được. Ông Toàn còn cho biết thêm từ nay đến cuối năm, thậm chí sang đầu năm sau, Dutch Lady VN vẫn chưa thay đổi chính sách về giá bán...
Tuy nhiên, lý do này không thuyết phục bởi trong nhiều tháng trước đó các hãng sữa liên tục tăng giá bán với lý do “giá nguyên liệu tăng cao”, tức là họ cũng đã “tự điều chỉnh” kế hoạch của mình...
Nhiều người am hiểu thị trường này cho rằng: Giá sữa khó có khả năng giảm mạnh vì đây là mặt hàng thiết yếu nên dù giá cao nhưng người tiêu dùng vẫn phải mua. Nắm rõ tâm lý này nên lâu nay các hãng sữa luôn tìm cách “phối hợp” đẩy giá sữa lên cao khi có cơ hội.
Nhiều trại nuôi bò sữa đóng cửa Các hộ chăn nuôi bò sữa ở huyện Củ Chi, Hóc Môn- TPHCM cho biết hiện nay các hãng sữa vẫn không chịu tăng giá thu mua sữa theo chỉ đạo của Bộ NN-PTNT cũng như UBND TPHCM. Giá thu mua sữa hiện nay chỉ ở mức từ 5.400 đồng- 7.300 đồng/kg. Với mức giá này, người nuôi bò sữa đang rơi vào tình trạng lỗ do giá thức ăn chăn nuôi vẫn còn ở mức cao: 131.000 đồng/bao thức ăn tổng hợp, cỏ 4.000 đồng/bó, hèm từ 800 đồng- 900 đồng/kg. Nhiều hộ chăn nuôi đã phải bán bò sữa với mức giá thấp, bỏ chuồng trống hoặc chuyển nghề vì không đủ bù đắp nổi chi phí. |
Theo Nguyễn Hải
Người Lao Động