Đó là khi tổng giám đốc Honda Minoru Kato khẳng định rằng hiện nay doanh nghiệp Việt Nam chỉ cung ứng được bao bì ni-long, lốp cho hãng này.
Một doanh nghiệp chiếm hàng chục phần trăm tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, mà không thể nội địa hóa nổi con ốc xe máy. Thông tin khiến nhiều người bàng hoàng.
Tổng giám đốc Honda Minoru Kato
Chuyện con ốc xe máy, qua phát biểu của các chuyên gia, doanh nhân, chia ra hai luồng quan điểm trái ngược.
Một thể hiện sự chì chiết mỉa mai với mệnh đề khái quát “Việt Nam không làm nổi con ốc xe máy”; một thì nóng mặt, tìm cách chứng tỏ rằng trình độ kỹ thuật của Việt Nam không hề thua kém nhiều nước, và phân tích các nguyên nhân khác, như là cơ chế, vốn, hạ tầng.
“Việt Nam vẫn chưa làm nỗi con ốc xe máy” là một mệnh đề dễ gây tự ái. Nó khá quen thuộc trong những câu chuyện lịch sử của một nước nhỏ. Và trước sự tự ái, người ta có hai lựa chọn: chấp nhận sự hạ thấp như một thực tế, thậm chí tự chì chiết bản thân; hoặc là tìm ra nguyên nhân và thể hiện rằng tôi có thể làm được.
Mục tiêu tăng tỉ lệ nội địa hóa cho sản phẩm của Honda tại Việt Nam đều được cả hai phía đặt ra.
Honda sẽ thuận lợi và tiết kiệm chi phí khi không nhập linh kiện từ nước ngoài mà mua tại Việt Nam, còn doanh nghiệp Việt Nam lại có thêm việc để làm, cung cấp sản phẩm cho một tập đoàn to như Honda quả thật là cơ hội hiếm có.
Thấy ngon ăn vậy nhưng không ai nhào vào được, bao nhiêu năm qua doanh nghiệp trong nước chỉ kiếm chác loanh quanh mấy cái bao bì, in ấn, còn với sản phẩm đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao thì không làm nổi. Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú nhận định:
“Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chủ yếu tham gia vào công đoạn giá trị thấp, chưa có nhiều nhà cung cấp sản phẩm linh kiện công nghệ cao tham gia được vào chuỗi cung ứng của tập đoàn này”.
Honda vẫn kiên nhẫn chờ đợi và tìm nhiều cách hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam để có thể sản xuất được những linh kiện theo yêu cầu của họ. Tại triển lãm hội thảo vừa qua, có 250 doanh nghiệp tham gia, nắm bắt nhiều thông tin về nhu cầu được cung cấp sản phẩm từ phía Honda, nhưng liệu có doanh nghiệp nào đáp ứng được nhu cầu đó, hay cũng đến xem cho vui như những triển lãm trước.
Ông Minoru Kato, Tổng Giám đốc Honda Việt Nam khẳng định, họ luôn mong muốn các DN Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.
Dây chuyền sản xuất xe máy Honda
“Tuy nhiên, chúng tôi yêu cầu tiêu chuẩn sản phẩm rất cao, chúng tôi không thể bán sản phẩm chất lượng kém. Chính vì thế khởi đầu cho Honda bao giờ cũng rất khó khăn.
Các bạn có thể tham gia sản xuất từ cái nhỏ đến cái lớn và tôi nghĩ không khó để các DN Việt có thể hợp tác với cùng. Vấn đề là các DN thể hiện ý chí quyết tâm đến đâu” – ông Minoru Kato nói.
Theo đó, để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Honda, các DN cần đáp ứng được các điều kiện cơ bản như công nghệ, chất lượng, trách nhiệm, năng lực giao hàng, giá, môi trường, tài chính, luật…
Ví dụ, với một linh kiện cấp 2 là khuôn mẫu thì Honda yêu cầu độ chính xác đến phần nghìn, trong khi hầu hết các DN Việt Nam chỉ đảm bảo chính xác đến phần trăm.
Do vậy, các DN nước ta chủ yếu tham gia khâu lắp ráp – khâu tạo ra giá trị gia tăng thấp nhất trong cơ cấu chuỗi giá trị.
Ông Trần Việt Thanh – Thứ trưởng Bộ KHCN thông tin, phần lớn DN Việt Nam đang dùng công nghệ lạc hậu so với mức trung bình thế giới từ 2-3 thế hệ.
Trong đó, nhóm DN có trình độ tiên tiến chỉ 12% và chủ yếu là DN có vốn đầu tư nước ngoài; 88% còn lại thuộc trung bình, lạc hậu.
DN Việt Nam cũng chỉ mới đầu tư khoảng 0,5% doanh thu cho đổi mới công nghệ, trong khi Nhật Bản là 10%.
Theo bà Nguyễn Thị Tuyển, Phó phòng kinh doanh (Công ty Tabuchi Electric Việt Nam), DN ngành phụ trợ Việt Nam chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, sản phẩm làm ra có thể cạnh tranh về giá, nhưng công nghệ, chất lượng, chứng nhận môi trường… thì hầu như không đạt.
Ốc xe máy doanh nghiệp Việt vẫn chưa cung ứng được
Do đó, để trở thành đối tác cung ứng linh kiện cho các tập đoàn lớn như Samsung, Sony, Canon, Honda…, các DN Việt Nam hoặc là nhập sản phẩm từ nước ngoài, hoặc nhập máy móc về đổi mới công nghệ, nhưng nguồn nhập cũng chủ yếu là Trung Quốc.
Nghĩ mà đau óc, Honda đầu tư sản xuất xe máy tại Việt Nam, nhưng phải đi nhập linh kiện từ Nhật qua hoặc nhập từ các nước khác. Doanh nghiệp trong nước thất bại ngay chính trong sân nhà mình, không ai tranh, không ai giành, mà chỉ vì mình không làm được.
Nếu doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được linh kiện chất lượng cao và cạnh tranh được thì không chỉ bán cho Tập đoàn Honda mà còn nhiều đối tác khác là doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đang hoạt động tại Việt Nam, hoặc có thể mở rộng thị trường, xuất khẩu các linh kiện có chất lượng cao đi các thị trường khác trên thế giới. Nguyên nhân không làm được con ốc xe máy từ đâu, doanh nghiệp yếu kém hay trình độ quản lý yếu kém?
Chúng ta hô khẩu hiệu công nghiệp hóa, hiện đại hóa khan cổ mấy chục năm nay nhưng vẫn loay hoay đẻ chưa ra con ốc xe máy.
Tôi về nước , gặp gỡ nhiều người. Hóa ra ở nhà, không mấy ai còn thực sự quan tâm đến chuyện ốc xe máy. Sự tự ái sục sôi hình như đã trở thành câu chuyện đầu môi.
Nguồn: Người Việt xa xứ .