Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, vấn đề gian lận thi cử là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận.
Theo nhiều đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật, để sớm xử lý nghiêm minh và công khai, minh bạch vụ việc.
Ngày 31.5, . Ảnh: QH
Trong phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về tình hình kinh tế - xã hội năm 2018 và những tháng đầu năm 2019, vấn đề gian lận thi cử là một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận. Theo nhiều đại biểu, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an và các địa phương cần nhìn thẳng vào sự thật, để sớm xử lý nghiêm minh và công khai, minh bạch vụ việc.
Thí sinh học thật bị “cướp” mất tương lai
Đại biểu Nguyễn Mai Bộ (Đoàn An Giang) phát biểu, hiện cơ quan chức năng mới chỉ đi vào giải quyết những trường hợp được nâng điểm mà chưa có hành động nào đối với những thí sinh đã bị tuột mất cơ hội bởi sự cố gian lận này.
“Tôi đề nghị Bộ trưởng GDĐT và các trường đã loại số thí sinh gian lận phải có giải pháp để công nhận, bù lại cho những thí sinh bị mất cơ hội. Chúng ta đã có trong tay số lượng bị loại, thì hoàn toàn có thể tính được những thí sinh có nguyện vọng vào các trường này mà bị đánh trượt. Cần phải có giải pháp để bảo đảm sự công bằng cho những thí sinh học thật, thi thật” - ĐB Bộ nhấn mạnh.
Còn Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) đã chỉ thẳng gian lận thi cử là “cướp mất tương lai của các cháu học thật và thi thật”. Đặc biệt, sự việc lại được thực hiện có tổ chức, với sự tiếp tay của những người có quyền, có tiền trong và ngoài ngành giáo dục. Ông đề nghị Bộ GDĐT nhìn vào sự thật, đánh giá đúng và trúng thực chất những vấn đề tồn tại, để có những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt hơn.
Trả lời Lao Động bên hành lang Quốc hội ngày 31.5, đại biểu Nguyễn Đắc Quỳnh - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La - cho biết, ông cũng bức xúc về vụ việc gian lận thi cử. Ông cho biết, từ khi sự việc xảy ra, quan điểm của ông và Tỉnh ủy Sơn La là xử lý không có vùng cấm, không có vùng trống. Ông cũng gọi hành vi gian lận là “ăn cắp cơ hội của người khác” và khẳng định sẽ chỉ đạo để vụ việc sớm được làm sáng tỏ, minh bạch.
Xem xét lại phương thức thi “hai trong một”
Đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung (Thái Bình) cho rằng, ngoài địa phương, có trách nhiệm của Bộ GDĐT và đề nghị cần đánh giá lại kỳ thi “hai chung”.
“Theo tôi, tích hợp hai kỳ thi và hai mục đích hoàn toàn khác nhau sẽ còn xảy ra hệ lụy khó lường. Riêng kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, đây là một quá trình học trải qua nhiều năm, khối lượng kiến thức lớn, nhiều môn. Nếu chỉ thi vài môn để tốt nghiệp sẽ không đủ đánh giá được cả quá trình học. Trong khi kỳ thi được giao cho địa phương tổ chức, dù giảm gánh nặng cho gia đình thí sinh, nhưng lại gây nên sự hoài nghi trong dư luận về một kỳ thi công bằng” - bà Dung nói và đề nghị việc tuyển sinh bậc đại học nên để cho các trường đại học làm và giao việc thi tốt nghiệp cho địa phương hoặc không cần thi.
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) thì đặt vấn đề, hiện Sơn La đã có kết luận ban đầu về vụ gian lận thi cử, còn Hòa Bình, Hà Giang thì sao, trong khi kỳ thi THPT quốc gia 2019 đang đến rất gần.
ĐB kiến nghị: “Cơ quan chức năng, các địa phương nên đốc thúc, chỉ đạo sát sao hơn nữa, cần sớm công khai, minh bạch thông tin. Ngoài ra cần xem xét trách nhiệm người đứng đầu, trưởng ban chỉ đạo thi ở địa phương đã làm hết trách nhiệm chưa khi để xảy ra sự cố. Cần nhìn vào sự thật là hệ lụy, nỗi đau mà gian lận thi cử gây ra để xử lý đúng người, đúng tội. Việc xử lý nghiêm những đối tượng liên quan trong vụ gian lận điểm thi năm 2018 sẽ là cách răn đe và ngăn chặn được tiêu cực trong những mùa thi sau”.
Giáo dục vẫn chạy theo bệnh thành tích
Ngoài vấn đề gian lận thi cử, các đại biểu Quốc hội cũng chỉ ra những mặt còn tồn tại trong giáo dục, như bệnh thành tích, đạo đức thầy-trò, bạo lực học đường. “Không phải bệnh thành tích thì là gì, khi mà một lớp học có 43 học sinh thì có tới 42 học sinh giỏi, chỉ có 1 học sinh loại khá. Còn bao nhiêu trường hợp tương tự như vậy? Theo tôi là có rất nhiều nếu chúng ta tiến hành một cuộc khảo sát. Ngành giáo dục bây giờ tìm được một học sinh yếu kém khó như mò kim đáy bể” - Đại biểu Thái Trường Giang (Đoàn Cà Mau) nói.
Bộ trưởng GDĐT Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm trước Quốc hội
Báo cáo trước Quốc hội ngày 31.5, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm, thiếu sót. Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, công tác đổi mới thi, kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục là một trong nhiều nhiệm vụ phải thực hiện, khắc phục tình trạng một năm có 3 kỳ thi liền kề (tốt nghiệp THPT, Cao đẳng, Đại học) rất nặng nề. Chính phủ ban hành chương trình hành động, giao Bộ GDĐT xây dựng đề án với lộ trình đổi mới thi hướng tới một kỳ thi chung để xét công nhận tốt nghiệp THPT và làm cơ sở xét tuyển vào ĐH, CĐ. Bộ đã thực hiện chỉ đạo này và qua việc tổ chức thi đã giảm được áp lực.
Đề cập việc gian lận thi tại Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2018 gây bức xúc, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, qua rà soát nguyên nhân thì phía Bộ GDĐT cũng như cá nhân là người đứng đầu ngành xin nhận trách nhiệm, thiếu sót.
Do phần mềm thi trắc nghiệm còn lỗ hổng kỹ thuật nên bị kẻ xấu lợi dụng làm sai lệch kết quả thi; công tác quán triệt quy chế thi chưa được hướng dẫn tốt ở một số địa phương; công tác thanh kiểm tra chưa thực sự sâu sát ở một số khâu.
Cũng theo ông Phùng Xuân Nhạ, địa phương theo phân cấp cũng chưa thực hiện đủ trách nhiệm, trong đó có việc lựa chọn cán bộ tham gia chưa đáp ứng yêu cầu, thậm chí chính những người này chủ động thông đồng, kết nối với nhau để thực hiện nâng khống điểm.
“Chúng tôi tổ chức kiểm điểm rút kinh nghiệm trong toàn ngành. Bộ Công an đã khởi tố và đang xử lý đối tượng liên quan. Địa phương cũng sẽ xử lý. Quan điểm là xử lý nghiêm khắc, cho ra khỏi ngành những cá nhân vi phạm” - Bộ trưởng Nhạ khẳng định.
ĐẶNG CHUNG
Nguồn: Báo Lao động