Trong tuần vừa qua, chúng tôi đã nhận được rất nhiều phản hồi của quý vị độc giả phẫn nộ trước hiện tượng vặt lông sống những con chim hoang dã và buôn bán ngay giữa lòng Thủ đô. Phóng viên đã có cuộc trò chuyện với một độc giả đặc biệt: Giáo sư, Nhà Điểu học Võ Quý, người vừa nhận được danh hiệu Anh hùng môi trường năm 2008 do tạp chí Time bình chọn.
Cảm xúc của Giáo sư khi chứng kiến cảnh những con chim hoang dã bị vặt trụi lông và đem bán ở ngay giữa lòng thủ đô thời gian vừa qua ?
Tôi không những là người tham gia công tác bảo vệ thiên nhiên, mà còn nghiên cứu về các loài chim đã mấy chục năm nay nên tôi rất đau xót và không tán thành chút nào trước những hành động đó.
Thôi thì ngày xưa, trong chúng ta còn nhiều người nghèo khổ, thì việc bắt những con chim hoang dã để ăn thịt cũng có thể thông cảm được. Nhưng hiện nay không phải như thế nữa. Trình độ cũng đã khác, cuộc sống cũng đã khá lên và không đến nỗi là không có những con chim ấy thì người ta sẽ phải chết đói, cho nên việc ấy không thể chấp nhận được.
Giáo sư, nhà Điểu học Võ Quý - (Ảnh: Tuấn Hải) |
Những con chim hoang dã là một thành phần không thể thiếu của thiên nhiên, nó đưa lại cái đẹp cho thiên nhiên cho đất nước. Nó làm cho chúng ta luôn luôn sảng khoái, thế mà chúng ta lại bắt chúng để giết thịt là làm sao ? Đó là chưa nói đến lợi ích của nhiều loài chim đối với cuộc sống của chúng ta, từ việc bắt các loại côn trùng, những loài có hại. Việc làm đó là không nên và cần sớm được ngăn chặn.
Các loài chim đang bán ở Hà Nội hiện nay, đa số đó là chim di cư. Để tránh rét, nhiều loài chim từ Phương Bắc như Trung Quốc, Siberi, Nhật Bản…, bay dọc bờ biển, qua Việt Nam để chuyển dần xuông phía Nam đến tận châu Úc.
Vào mùa xuân năm sau, khi trời đã ấm áp, chúng lại bay trở về quê cũ. Theo các công ước quốc tế, chúng ta phải bảo vệ các loài chim di cư mà không được bắt, bẫy chúng như đã xảy ra ở Việt Nam hiện nay. Nói về mặt một con người, nhất lại là người thủ đô thì chúng ta phải hiểu, chúng ta đang xây dựng người dân thủ đô văn hóa, thanh lịch, quảng bá hình ảnh văn hóa không chỉ cho thủ đô mà còn cho cả dân tộc, thì cảnh tượng bắt chim hoang dã và giết thịt ngay trên đường phố là không nên chút nào.
Ở những địa điểm ấy, có không biết bao nhiêu người nước ngoài qua lại, họ sẽ nghĩ gì về chúng ta khi nhìn thấy những cảnh tượng đó. Tất cả mọi ấn tượng tốt đẹp về một thủ đô văn minh, thanh lịch mà chúng ta quảng bá, xây dựng bấy lâu nay sẽ không còn nữa. Cho nên làm thế nào đừng để hiện tượng đó xảy ra ở Thủ đô, nhất là chúng ta đang chuẩn bị kỉ niệm 1000 năm Thăng Long – đó là điều những người quản lý ở Thủ đô nên chú ý.
Cần phải cấm ngay những chuyện này, không thể để chúng tiếp tục tiếp diễn ở Thủ đô |
Ở quốc gia khác mà Giáo sư đã từng đi qua, có Thủ đô nào diễn ra ra hiện tượng đó không ?
Ở nước khác tôi chưa thấy bao giờ, kể cả một số nước nghèo ở vùng Đông Nam Á, châu Mỹ La tinh, nhất là ở Ấn Độ, người nghèo cũng nhiều, nhưng họ rất tôn trọng thiên nhiên.
Ở New Delhi, trên cây ở các dải phân cách đại lộ cũng có nhiều lòai chim làm tổ. Còn ở châu Âu, ở ngay giữa vườn nhà cũng có chim làm tổ. Có một lần tôi sang Đức, tôi thấy trong thành phố có một con sông nhỏ chảy qua và có nhiều vịt, lúc đầu tưởng là vịt trời đã được thuần hóa họ nuôi làm cảnh, nhưng khi hỏi ra thì đó là vịt thiên nhiên. Ý thức bảo vệ thiên nhiên đã thấm sâu vào mọi người, từ trẻ con đến người lớn và những loài chim trong thiên nhiên mới gần gũi với con người như thế. Tôi mong rằng rồi đây, ở Thủ đô chúng rồi cũng sẽ có nhiều loài chim trở lại làm tổ, sinh sống ở những nơi có nhiều cây cối, các công viên thì mới đúng là một thủ đô hòa bình như tên gọi.
Giáo sư có nghĩ rằng những người bán và cả những người mua là những người ít học ?
Những người bán có thể là những người dân nghèo ở ngoại thành hoặc ở các vùng quê nhưng dù là người nghèo có học hay ít học thì việc làm đó cũng không nên. Những người mua, những người tiêu thụ thì chắc chắn không phải là những người nghèo.
Hiện nay chúng ta chỉ thấy bán chim ở một vài nơi ngoài đường phố, có vẻ không đáng kể, nhưng chủ yếu nó được bán trong những nhà hàng lớn mà những người tiêu thụ chắc không phải dân nghèo. Tôi không nói là ai nhưng chắc là những người có tiền. Đây là một thói quen, không được văn minh, cần phải được xem xét lại.
Đứng cả về mặt văn hóa, luật pháp và đạo đức thì nay những việc làm đó đều không chấp nhận được. Về lâu dài, chúng ta cần coi việc tôn trọng thiên nhiên chính là đạo đức và trình độ văn hóa của con người văn minh..
Theo Giáo sư, trẻ em sẽ bị tác động như thế nào nếu phải chứng kiến những cảnh tượng hãi hùng như thế ?
Hiện nay trong các trường học các thầy cô giáo đang giáo dục cho các em phải tôn trọng, yêu mến thiên nhiên, bảo vệ các loài. Bố mẹ sẽ nói gì với các em khi các em nhìn thấy cảnh mua bán những chùm chim bị vặt sạch lông, giãy giụa vô vọng ngay ở đường phố.
Liệu những lời giảng dạy của thầy cô có còn có giá trị không? Chuyện mua bán mấy con chim tưởng chừng là chuyện nhỏ nhặt, nhưng thực ra là chuyện lớn về giáo dục đạo đức cho lớp trẻ của đất nước mà thủ đô phải là nơi được chú ý đúng mức.
Chúng ta nên làm gì để chấm dứt sự tồn tại của hiện trạng trên, thưa Giáo sư ?
Nếu như cương quyết, chúng ta hoàn toàn có thể cấm được. Nhưng về lâu dài vẫn phải nâng cao nhận thức và luật pháp cho mọi người, mọi tầng lớp nhân dân về bảo vệ thiên nhiên vì thiên nhiên là nền tảng của sự sống còn và phát triển của đất nước. Phải quan tâm hơn nữa đến cuộc sống của những người nghèo. Nếu đời sống của người dân khá hơn lên và được hưởng lợi từ việc bảo vệ thiên nhiên thì họ sẽ tự nguyện từ bỏ những hành động như đã nói trên. Đó mới là chuyện lâu dài chúng ta cần phải làm.
Ông nghĩ sao về hiện tượng người ta chở những con lợn đã bị mổ phanh bụng đi trong thành phố, bày bán những con chó thui ở hai bên lề đường ?
Tôi thấy thật là quá quắt, lẽ ra phải cấm từ lâu rồi. Kiểu làm ăn như thế không những không an toàn thực phẩm mà còn rất phản văn hóa, không đẹp một tí nào cả. Muốn có một thủ đô văn minh, thanh lịch thì những thứ đó phải bị loại bỏ.
Không chỉ có những hiện tượng đó, ngay giữa lòng Hà Nội, hiện nay vẫn còn tồn tại những thanh niên có thú vui xách súng hơi đi và tàn sát những con chim nhỏ xíu ?
Tôi cũng đã gặp nhiều người xách súng săn đi bắn chim, kích điện đi bắt ếch, bắt cá. Mỗi khi gặp họ, tôi đều khuyên họ không nên bắn chim trong thành phố như thế. Những khẩu súng hơi sản xuất ra để tập bắn bia, một kiểu chơi thể thao, chứ không phải để bắn chim.
Nếu không cấm, hình ảnh về một thành phố Hòa bình trong mắt bạn bè quốc tế sẽ bị những điều đó phá vỡ |
Ở nước ngoài nếu muốn săn bắn phải vào hội săn, có khu vực dành riêng cho săn bắn thể thao. Người săn phải trả tiền để được săn những lòai chim, thú được phép săn, với số lượng hạn chế và chỉ được săn trong thời gian nhất định trong năm. Họ không được săn bắn tự do ở ngoài các vùng săn và không bao giờ được săn bắn ngoài đường phố như ở Hà Nội.
Nhưng hình như ở những nước đó, hành động giết chóc động vật hoang dã cũng không được ủng hộ ?
Người dân ở các nước đó đã có thói quen từ lâu là không làm tổn thương đến các loài động vật hoang dã cũng như những loài mà chúng ta chăn nuôi để ăn thịt. Họ không mổ xẻ công khai như ta thường làm. Dù phải giết để lấy thịt nhưng không được phép làm cho con vật đau đớn kéo dài. Con vật tuy không biết nói, nhưng cũng có cảm xúc, đau đớn chẳng khác gì chúng ta.
Ngay cả những con vật trong sở thú của họ cũng được sống trong điều kiện tốt hơn ở ta rất nhiều ?
Tôi đã đi nhiều nước trên thế giới, từ nước lớn đến nước nhỏ ở nhiều châu lục. Hầu như ở các nước, sở thú là nơi có nhiều ý nghĩa lớn trong việc bảo vệ thiên nhiên và là địa chỉ văn hóa, giáo dục quan trọng, nhưng ở ta ý nghĩa đó chưa được thực hiện một cách đầy đủ.
Tại các vườn thú của họ, các con vật được sống gần như ở trong thiên nhiên, mà có khi còn tốt hơn trong thiên nhiên vì được chăm sóc chu đáo và không bị kẻ thù đe dọa. Người đến tham quan, thấy con vật được thoải mái, đầy đủ, có chỗ ăn, chỗ ngủ, chỗ chơi, còn ở ta con vật nuôi ở trong chuồng quá chật hẹp, thiếu không gian và điều kiện cho cuộc sống, chẳng khác gì bị tù đày nên con vật luôn giận dữ, vì thế ý nghĩa giáo dục về bảo vệ thiên nhiên kém, mà người tham quan chỉ biết được hình thể của con vật mà thôi..
Tôi đã chứng kiến cảnh những đứa trẻ lấy đất, đá ném vào chuồng nhốt con thú ở vườn thú Thủ Lệ. Thậm chí, có em còn cầm con dao sắc lẹm thò vào trong chuồng khỉ, để con khỉ cầm vào con dao đó và tuốt mạnh. Những đứa trẻ sung sướng trước cảnh tay con khỉ bị đứt và túa máu ra ngoài. Thật đau khổ cho con vật xấu số đó quá.
Giáo sư đã sống ở Hà Nội hơn 50 năm và đã có nhiều năm nghiên cứu thiên nhiên, môi trường nói chung và nghiên cứu sâu về loài chim nói riêng, ông thấy thiên nhiên Hà Nội sau rất nhiều năm như vậy biến đổi như thế nào ?
Hà Nội của chúng ta có những sự thay đổi quá lớn. Trong đó, có những cái thay đổi tốt nhưng có những cái thay đổi không tốt, nhất là thiên nhiên. Có nhiều sông hồ, nơi điều hòa nước mưa, đỡ ngập lụt, điều hòa khí hậu lại bị lấp đi thay vào đó là nhà cửa. Những dòng sông và nhiều hồ của Hà Nội đã bị ô nhiễm quá nặng. Cây xanh trong thành phố cũng ít đi so với ngày xưa.
Trước đây, vào mùa đông có rất nhiều sâm cầm, vịt trời ở Hồ Tây, ngỗng trời, sếu ở các vùng quanh Hà Nội. Cò, vạc, cốc đen sinh sống quanh năm trên hàng cây ở Lò Đúc… nhưng bây giờ đến con chim gáy, chim sẻ cũng còn hiếm. Người thì nhiều lên, xe nhiều lên nhưng không gian sống, cây xanh và ao hồ thì ít đi, nạn ô nhiễm ngày càng trầm trọng.
Không phải diện tích thủ đô rộng lớn, nhiêu nhà cao tầng, hàng hóa sang trọng .. mới là văn minh, mà cái quan trọng nhất phải là cách hành xử của con người với con người và với thiên nhiên. Làm sao để cho người nước ngoài đến Việt Nam thấy được một thủ đô có nền văn hóa lâu đời thực sự được thể hiện qua hành vi của từng người dân thủ đô mà không phải là nhà cao cửa rộng.
Ở Việt Nam có nhiều cái chưa tốt. Ta thường thấy nên quá quen mắt mà không thấy xấu, không thấy chướng tai gai mắt, nhưng người nước ngoài họ nhận thấy rất rõ mà không nói ra thôi. Hình như những người đứng đầu ít chú ý đến những việc đang xẩy ra hàng ngày, đến những vấn đề nhỏ nhưng có ý nghĩa văn hóa lớn của xã hội như chuyện những con chim bị vặt lông sống, giãy giụa trước mắt mọi người hay những con lợn bị mổ bụng chở rong trên đường phố và nhiều hành vi không đẹp mắt khác của người thủ đô.
Xin cảm ơn giáo sư!
Theo Tuấn Hải
VietTime.