Những người lớn tuổi trong đám tiệc thì lắc đầu ngao ngán còn giới trẻ thì hào hứng nô nức.
Những động tác trong trò chơi được cho là dung tục và rất phản cảm trong một xã hội tri thức. Giáo dục ở đây được hiểu theo tất cả, gia đình, nhà trường, xã hội và sự quản lí…
Đôi trai gái trong trò chơi(ảnh cắt từ clip)
Vì sao giới trẻ lại thích những trò như thế, điều này có lẽ nguyên nhân vẫn là xuất phát từ nền giáo dục hiện tại. Một nền giáo dục định hướng dường như không được chú trọng cho những bài giảng về đạo đức và nhân cách làm người hoặc có cũng chỉ là qua loa mà thôi.
Nhiều người cho rằng đây là sự thất bại của giáo dục, sự thất bại đó nằm trong sự thất bại chung về tất cả các mặt, các khía cạnh trong lĩnh vực kinh tế và các vấn đề xã hội, nó được soi chiếu trên mọi tiêu chí và mọi khía cạnh.
Nếu xét trên bất cứ một triết lý giáo dục nào, nền giáo dục của Việt Nam cũng là một thảm họa.
Một trong những trò chơi được cho là phản cảm
Một nền giáo dục thành công là một nền giáo dục kích hoạt được tính ham học hỏi, tinh thần ham hiểu biết của từng cá nhân và toàn xã hội. Ngược lại, sự thất bại của một nền giáo dục thể hiện ở việc triệt tiêu nhu cầu học hỏi, nhu cầu tự trau dồi kiến thức của mọi cá nhân và xã hội.
Dưới góc độ này, Việt Nam là một điển hình cho việc triệt tiêu động lực, nhu cầu hiểu biết và tự trau dồi kiến thức của cá nhân.
Giới trẻ Việt Nam và tình trạng sa sút về mặt đạo đức, lý tưởng sống
Ở Việt Nam từ nhiều năm nay sự xuống cấp về mặt đạo đức xã hội đã lan rộng cả nước. Trước sự xuống cấp chung đó, không ngạc nhiên khi một bộ phận giới trẻ bây giờ có những lời nói, hành vi khiến người lớn nhiều khi phải choáng.
Có một dạo báo chí Việt Nam liên tiếp đưa tin về các trường hợp học sinh đánh nhau, đặc biệt là nữ sinh. Nếu vào google gõ mấy chữ “nữ sinh đánh nhau” sẽ cho ra hàng loạt kết quả, kể cả những video clip do chính các em đánh nhau và quay lại, tung lên mạng hoặc do các em khác quay.
Các em đánh nhau dã man không khác gì đòn thù, rồi còn lột áo để làm nhục trước đám đông.
Dư luận còn phẫn nộ hơn nữa khi có những video clip cho thấy trong khi các em đánh nhau, những em khác đứng ngoài thản nhiên nhìn, không can ngăn, thậm chí còn cổ vũ. Hiện tượng này cho đến nay vẫn tiếp tục xảy ra.
Giáo dục đã không làm tròn chức năng của mình
Những nguyên nhân khiến giáo dục đã làm hỏng nhiều thế hệ ?
“Phụ huynh xem bằng cấp của con như trang sức, học sinh đối phó, sinh viên sư phạm không yêu nghề, cán bộ quản lý không đúng năng lực…”, cô giáo Tô Thụy Diễm Quyên chỉ ra nguyên nhân đang kéo lùi sự phát triển của giáo dục Việt Nam.
Vẫn còn nhiều lý do nhưng 10 lý do này là những điều có thể khắc phục được, cần có tiếng nói chung và sự hợp tác của cả những người trong cuộc lẫn phụ huynh.
- Giáo viên không thích học tập và phát triển chuyên môn vì lương không tăng theo trình độ và năng lực mà tăng theo thâm niên. Cơ chế đánh đồng năng lực khiến người giỏi mất dần nhu cầu phát triển.
- Giáo viên giỏi nhưng lương không đủ sống nên phải ra ngoài kiếm ăn. Vì thế không còn sức để học tập và đầu tư cho phát triển chuyên môn, ngoại trừ việc sưu tầm đề thi để đi dạy thêm. Trong lớp thì dạy qua loa vì có tâm sức đâu mà đầu tư, có đầu tư cũng vẫn bị đánh đồng với người không đầu tư.
-
Các chương trình bồi dưỡng thường xuyên không phù hợp giáo dục hiện đại và cách tiếp cận lỗi thời nên kém tác dụng. 99% giáo viên phát triển năng lực bằng kênh duy nhất đó là đi tập huấn và bồi dưỡng thường xuyên. Giáo viên gọi đó là “đi chép phạt”.
-
Quá nhiều cán bộ quản lý không đủ năng lực, không trọng dụng đúng người đúng việc, không chú trọng phát triển đội ngũ, không biết nhìn nhận, không chấp nhận sự phản biện và vì thế khó phát triển.
-
Nhiều người không yêu nghề nhưng vẫn vào nghề giáo vì không thể thi vào đâu khác. Sinh viên giỏi hiếm khi vào sư phạm, đầu vào của nghề giáo lẽ ra phải tinh hoa nhất thì lại không hút được người tài do nghề không hứa hẹn. Họ thiếu chữ Tâm lẫn năng lực sư phạm nên đã làm hỏng hình ảnh người thầy dẫn đến mất lòng tin của xã hội.
-
Phụ huynh xem việc học và bằng cấp của con như trang sức của mình nên ép con học ngày học đêm để hơn con người khác. Họ không biết con mình thuộc trí thông minh dạng nào, năng lực tốt nhất là gì, mục tiêu ra sao mà chỉ cần điểm số do đó không quan tâm chất lượng giáo dục thực sự mà chỉ quan tâm bằng cấp và giấy khen.
-
Những người giỏi không chịu nổi cách làm việc áp đặt và quan liêu của đại đa số cán bộ quản lý nên giáo dục không hút được nhân tài.
-
Học sinh không được dạy cách học tập chủ động mà chỉ học đối phó. Học sinh không xác định được mục đích việc học mà chỉ học để thực hiện mong muốn của bố mẹ và bố mẹ nào cũng mong con mình là bác sĩ, kỹ sư. Thực lực những người trẻ thiếu kỹ năng, dư bằng cấp là một biểu hiện lệch lạc của giáo dục, không chỉ là lỗi của giáo dục mà còn là lỗi của cả phụ huynh.
-
Chương trình giảng dạy thiếu khoa học. Không dễ gì mà giáo viên được phép sáng tạo bởi sự quy chụp của những người đi thanh tra thường dùng chiếc mũ “sai quy chế” hoặc “sách giáo khoa là pháp lệnh”. Sách giáo khoa của Việt Nam nặng về lý thuyết và kém về ứng dụng.
-
Nhiều cuộc thi không thực tế mà chỉ như sân khấu và tất cả cùng diễn để lấy thành tích. Cách đánh giá giáo viên giỏi không dựa vào kết quả sản phẩm giáo dục là học sinh mà chỉ dựa vào những gì giáo viên “diễn” trong một tiết dạy đã chuẩn bị công phu. Cách đánh giá học sinh cũng chỉ đánh giá được khả năng ghi nhớ thông tin, tức là bậc thấp nhất của nhận thức và tư duy. Những phương pháp rèn luyện và đánh giá được kỹ năng thì chưa có thang điểm chính thức, do đó bị xem nhẹ.
Theo Người Việt xa xứ