Các cơ quan chức năng huyện Đức Trọng - Lâm Đồng phối hợp xác minh làm rõ nguồn gốc số gỗ mà Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng đã phát hiện tại nhà của ông Nguyễn Văn Nhẫn, Trưởng ban Quản lý rừng phòng hộ Đại Ninh.
Trước đó, ngày 1/8, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng nhận được tin báo có gỗ quý cất giấu tại nhà ông Nhẫn ở xã Phú Hội, huyện Đức Trọng. Khi tiến hành kiểm tra, Hạt phát hiện 6 khúc gỗ lớn nghi là gỗ thông đỏ tại nhà Trưởng ban.
Thời điểm kiểm tra, ông Nhẫn không có ở nhà, Hạt yêu cầu gia đình xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc số gỗ. Tuy nhiên, vợ ông Nhẫn đã không hợp tác, “mời” đoàn ra ngoài rồi đóng cổng nói bận chở con đi học.
Hạt Kiểm lâm Đức Trọng nhiều lần gọi điện thoại cho ông Nhẫn nhưng ông này không nghe máy.
Do đó, đến tận chiều tối 3/8, Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng mới có buổi làm việc và lập biên bản hiện trường việc phát hiện gỗ tự nhiên tại nhà ông Nhẫn.
Trong biên bản, Hạt Kiểm lâm Đức Trọng khẳng định 6 khúc gỗ (đường kính từ 25 - 29 cm, dài từ 81 - 91 cm) phát hiện trong nhà ông Nhẫn chính là gỗ thông đỏ, loài cây nguy cấp, quý hiếm có tên trong sách đỏ, thuộc nhóm 1A đang được bảo vệ nghiệm ngặt vì có nguy cơ tuyệt chủng.
Kiểm lâm kiểm tra số gỗ thông đỏ trong nhà ông Nhẫn
Ông Nhẫn giải thích số gỗ này do người bạn làm ở một công ty trong khu công nghiệp Phú Hội (huyện Đức Trọng) tặng, có nguồn gốc rõ ràng là mua từ gỗ tịch thu của cơ quan nhà nước ở thành phố Đà Lạt nên ông mang về để ở nhà, tính đưa đi đục làm tượng trưng bày chơi nhưng do bận quá chưa kịp làm.
Tuy nhiên, qua kiểm tra, ghi nhận của kiểm lâm 6 khúc gỗ này không có dấu búa của cơ quan chức năng.
Hiện trường còn có 1 khúc gỗ đã xẻ thành phẩm, đường kính khoảng 60cm, dày 15cm, dài khoảng 2,5m, một số khúc gỗ gõ đỏ...
Đáng lưu ý, trong khi nhà ông Nhẫn có chứa gỗ thông đỏ hiện chưa rõ nguồn gốc thì cánh rừng thông đỏ hiếm hoi thuộc sự quản lý của Ban Quản lý rừng Đại Ninh, nơi ông Nhẫn làm Trưởng ban liên tục bị xâm hại.
Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đức Trọng, tháng 4-2017, có 1 cây thông đỏ ở khu vực núi Voi (huyện Đức Trọng) bị chặt hạ trái phép và đang được điều tra.
Đầu tháng 8 này, Hạt lại phải lập hồ sơ để điều tra xử lý 1 vụ cưa hạ thông đỏ tại núi Voi. Cây thông cổ thụ này được xác định đã bị cưa hạ cách đây vài tháng, có đường kính gốc trên dưới 100cm với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại gần 6,4m3, trong đó khoảng 3,6m3 đã bị lấy đi khỏi hiện trường.
Nguồn: Báo Tiền Phong