Gia đình 4 người tại Hà Nội bỗng xuất hiện đến hàng trăm tổn thương hạt cơm ở chân gây đau đớn khi đi lại.

Khoảng một năm trước, anh Nam (tên nhân vật đã được thay đổi), 40 tuổi, sống tại Hà Nội thấy bàn chân xuất hiện 1-2 nốt sần như bị chai.

Theo thời gian, các nốt này ngày càng to ra và xuất hiện thêm những nốt mới. Do chủ quan, anh Nam tự mua thuốc về đắp (được người bạn quảng cáo là axit, bôi vào sẽ bong những hạt này).

Tuy nhiên, sau khi đắp thuốc, tình trạng bệnh không khỏi mà tại vị trí đắp còn bị loét, chảy dịch và xuất hiện nhiều tổn thương mới.

Hiện tại, chân phải của anh Nam xuất hiện gần 50 nốt tổn thương hạt cơm. Gần đây, vợ và 2 con của anh cũng xuất hiện những tổn thương tương tự ở lòng bàn chân, bàn tay.

1 Ha Noi Ca Nha Noi Chi Chit Hat Com O Chan Vi Di Chung Dep

Tổn thương hạt cơm của bệnh nhân (Ảnh: Bác sĩ cung cấp).

Mỗi lần đi lại cảm thấy rất đau và khó chịu nên cả gia đình anh quyết định đi khám.

Trực tiếp thăm khám, ThS.BSCKII Nguyễn Tiến Thành, thành viên Hội Da liễu Việt Nam cho biết, các bệnh nhân xuất hiện rất nhiều tổn thương hạt cơm ở lòng bàn chân, bàn tay.

Riêng anh Nam có đến gần 100 tổn thương hạt cơm lòng bàn tay và lòng bàn chân, là trường hợp bị nặng nhất. Vợ và 2 con của anh có các tổn thương nhỏ và ít hơn.

Theo BS Thành, mụn hạt cơm hay còn gọi là bệnh hạt cơm là bệnh da liễu thường gặp. Bệnh có nguyên nhân do virus HPV (Human Papilloma Virus) trên bề mặt da.

Virus này có đến hơn 100 type, mỗi type gây bệnh sẽ liên quan tới một vùng da và một tổ chức riêng biệt (Hạt cơm thường type 2, 4, 27, 29; hạt cơm lòng bàn chân, bàn tay type 1, 2; sùi mào gà type 6, 11,16,18…).

"Bệnh có tính chất lây lan. Không những có thể lan rộng trên cùng một cơ thể mà còn có thể lây từ người này sang người khác, có thể lây trực tiếp qua con đường tiếp xúc qua da hoặc các con đường gián tiếp như đi cùng giày, dép, găng tay…", BS Thành cho biết.

Với trường hợp của gia đình anh Nam, theo chuyên gia này, việc đi chung dép đã khiến bệnh lây lan cho cả gia đình.

Sau khoảng 2 tuần điều trị theo phác đồ, gần như các tổn thương hạt cơm lòng bàn tay và chân đã sạch hoàn toàn và không xuất hiện thêm các tổn thương mới trong tất cả các thành viên trong gia đình.

Theo BS Thành bệnh hạt cơm nếu phát hiện sớm điều trị rất đơn giản, hiệu quả và khả năng tái phát rất thấp. Tuy nhiên, không phải bệnh nhân nào cũng hiểu và làm tốt điều này.

Người dân thường tự điều trị bằng các phương pháp dân gian: xát lá cây, chữa mẹo: đi đám, đắp tỏi… và chỉ khi tổn thương lan tràn mới đi khám bác sĩ.

Nếu trên da bạn có tổn thương nghĩ đến bệnh hạt cơm, BS Tiến Thành đưa ra một số lời khuyên để phòng bệnh lây nhiễm:

- Luôn giữ cho da được sạch sẽ bằng cách rửa tay và tắm giặt thường xuyên.

- Không cào cấu hay có tác động ngoại lực lên trên các mụn hạt cơm để tránh tổn thương lây lan.

- Không dùng chung đồ dùng cá nhân với người mắc bệnh như quần áo, giày dép, tất, khăn tắm, bàn chải đánh răng.

- Giữ chân khô, nếu bàn chân đổ mồ hôi nhiều cần đi tất hút ẩm và giặt sạch tất, phơi khô để loại bỏ virus.

- Tránh đi lại bằng chân trần trên các bề mặt ẩm ướt như nền đất và luôn vệ sinh chân trước khi đi ngủ…

"Đặc biệt khi có các tổn thương nghi ngờ là mụn cóc hay hạt cơm dù ở bất kỳ vị trí nào trên cơ thể, chúng ta nên đến thăm khám trực tiếp với bác sĩ để được điều trị sớm.

Không nên mua các sản phẩm thuốc bôi, thuốc chấm mụn cóc được quảng cáo trên các trang mạng xã hội tránh xảy ra các biến chứng loét, chảy máu, nhiễm trùng", BS Thành cho hay.

Nguồn: Báo điện tử Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC