Tối 1/11, Hà Nội đã có 17 người thiệt mạng trong trận mưa lịch sử. Tuyến đê sông Hồng đã bị sạt mái, gần 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa, các hồ chứa đã tràn nước. Theo dự báo, miền Bắc tiếp tục mưa to trong hai ngày tới.
Theo UBND Hà Nội, có 4 người trong nội thành và 13 người các huyện ngoại thành đã bị chết. Nhiều người khác vẫn đang mất tích. Sở GD&ĐT đã có công văn khẩn cho học sinh nghỉ học vào thứ hai tới, sau khi có 3 em tử nạn khi đang tới trường.
Tại khu vực nội thành, mưa lớn đã chia cắt nhiều khu dân cư. Toàn thành phố có 26 điểm bị ngập dài 100 - 300 mét, sâu tới 1 mét. Mưa lớn đã gây ngập úng các nhiều trạm biến thế và đường dây, mất điện tại hàng loạt khu phố.
Mưa lớn kỷ lục chia cắt nội thành. Ảnh: Hoàng Hà. |
Nhiều công trình dân sinh như trường học, trạm y tế bị ngập úng. Các huyện Chương Mỹ, Mê Linh, Long Biên, Ứng Hòa phải sơ tán gần 1.500 hộ dân. Tuyến đê sông Hồng đã xảy ra sự cố sạt, trượt mái đê, bờ sông, nặng nhất là ở các huyện Mê Linh, Đan Phượng, 13.000 hộ dân ven đê ngập nhà cửa.
Các tuyến đê cấp 3, cấp 4, đê bối thuộc tuyến sông Tích, sông Bùi, sông Đáy, sông Nhuệ, sông Mỹ Hà, nhiều đoạn bị tràn bờ, sạt lở. Hầu hết các hồ chứa nước, mức nước đã dâng cao hơn ngưỡng tràn 1-2 mét.
Theo báo cáo nhanh của UBND Hà Nội, 50.000 ha cây trồng vụ đông úng ngập không thể thu hoạch. Diện tích thủy sản bị ngập khoảng 9.000 ha. Thiệt hại do trận mưa lớn này lên đến 3.000 tỷ đồng.
Di chuyển bằng phao tại khu Nam Đồng, quận Đống Đa. Ảnh: Tuấn Anh. |
Theo công ty Thoát nước Hà Nội, mực nước tại các sông, hồ đều ở mức rất cao, không còn khả năng điều hoà. Việc thoát nước trên toàn địa bàn Hà Nội phụ thuộc hoàn toàn vào trạm bơm Yên Sở. Tuy nhiên, đến sáng 1/11, mực nước trên kênh dẫn vào trạm bơm đã đạt cao độ tương đương với cao độ của sàn máy bơm.
Ngày 1/11, Hà Nội vẫn tiếp tục mưa to. Hà Đông đạt gần 700 mm (vượt kỷ lục năm 1960); Gia Lâm 523 mm. Đông Anh 513 mm; Chương Mỹ 555 mm. Khu vực nội thành lượng nước đạt 475 mm, vượt kỷ lục năm 1984.
Ông Bùi Văn Đức, Giám đốc Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 24 năm, thậm chí còn lớn hơn lượng mưa lịch sử năm 1984. Trận mưa này còn tiếp tục trong vòng 2 ngày nữa do ảnh hưởng của một bộ phận không khí lạnh tràn xuống miền Bắc. Khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to nhiều nơi, một số nơi mưa rất to.
Theo các chuyên gia, đây là trận mưa lớn bất thường, phức tạp, gây bất ngờ cho các cơ quan dự báo khí tượng thuỷ văn. Theo quy luật hàng năm, thời điểm này mùa mưa tại khu vực Bắc Bộ đã kết thúc.
Tại cuộc họp sáng 1/11, Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương đã yêu cầu các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai phương án phòng chống mưa lũ theo cấp báo động. Lũ sông Bưởi, sông Cả, sông Nhuệ, sông Đáy đang lên nhanh. Đặc biệt, đê sông Nhuệ đang có nguy cơ tràn khiến hàng trăm hộ dân ở Hà Nam phải sơ tán.
Đến tối 1/11, số chết và mất tích tại Hà Tĩnh là 17 người, Bắc Giang 3 người, Hòa Bình 2 người, Nghệ An 2 người, Thái Nguyên 2 người...