Đề xuất này không phù hợp phong tục và quan điểm giản dị của người Việt Nam, vì vậy không nên làm, nếu không sẽ thành lố bịch.

 

 

Hà Nội muốn có đại lộ danh vọng giống Mỹ: Học đòi? - 0

Đại lộ danh vọng Hollywood - Ảnh: dulichnuocmy

Tôn vinh lại để cho người đi lại giẫm lên

Ngày 21/1, Thể thao văn hóa đưa tin, một tuyến đường ghi danh cạnh Hồ Gươm đang được đề xuất thành lập để vinh danh những người có đóng góp lớn cho Hà Nội.

Ý tưởng này được đề xuất trong đồ án Đầu tư xây dựng cải tạo, chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm, do các đơn vị liên quan phối hợp với công ty Tư vấn AREP VILLE (Pháp) xây dựng.

Theo đó, nằm sát cạnh Hồ Gươm, phần vỉa hè phía Tây trục phố Đinh Tiên Hoàng kéo dài từ tháp Hòa Phong tới nghi môn đền Bà Kiệu được đề xuất xây dựng "tuyến đường ghi danh".

Cụ thể, trên vỉa hè này sẽ được lát đá và khắc tên những danh nhân, nghệ sĩ, nhà khoa học, nhà nghiên cứu...có đóng góp lớn cho sự phát triển của Hà Nội. Những người được ghi danh sẽ do Thành phố Hà Nội quyết định.

Hà Nội muốn có đại lộ danh vọng giống Mỹ: Học đòi? - 1

Tuyến phố Đinh Tiên Hoàng - Ảnh: baodatviet

Trước thông tin trên, trao đổi với Đất Việt, ngày 21/1, TS Phạm Sỹ Liêm - Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho biết:

"Về nguyên tắc muốn tôn vinh danh nhân thì phải có xem xét yếu tố truyền thống, khu vực hồ Hoàn Kiếm tôn vinh tri thức là có vì có tháp Bút, có đài Tiên, nhưng phải tạo không gian kiến trúc như thế nào, đặc biệt phải xem nhà ga C9 của tàu điện ngầm ở đây, nên phải cân đối vị trí cho thích hợp.

Tên tuổi là một vấn đề rất phức tạp, đặt tên phố còn rắc rối chứ không nói gì đến đề xuất này, tôi rất ngạc nhiên.

Tôi cũng không hiểu vì sao những ý tưởng kỳ lạ lại xuất hiện, giờ cũng chỉ có Mỹ có tuyến đường ngôi sao Hollywood, in tên các ngôi sao trên nền đá con đường.

Thế nhưng, phong tục Việt Nam ai để tên cho mọi người giẫm lên thì lại gọi là tôn vinh, phong tục của họ hoàn toàn khác người Việt Nam, chúng ta có truyền thống tôn vinh, ghi danh không hề phải như vậy".

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, nếu muốn làm thì phải dựng biển, mà dựng biển thì chúng ta đã có việc đặt tên danh nhân thành tên tuyến phố, cách làm này Việt Nam làm nhiều, còn các nước trên thế giới họ chủ yếu đặt bằng số.

"Tôi nghĩ đề xuất này không phù hợp phong tục và quan điểm giản dị của người Việt Nam, còn danh nhân thì ai công nhận, theo tiêu chí nào, chứ ai cũng thành danh nhân thì không chấp nhận được.

Còn khu vực từ tháp Hòa Phong đến đền bà Kiệu thì nó tượng trưng cho nét đẹp đặc trưng của thủ đô, nên làm gì thì cũng phải cân nhắc cẩn thận", ông Liêm cho hay.

Không phù hợp với quan điểm truyền thống người Việt

Trong khi đó, cũng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Phan Đăng Long - Nguyên Phó Trưởng ban tuyên giáo Thành ủy HN cho biết:

"Trong chuyện vinh danh những người danh nhân, những người được tôn trọng họ lại có ý thức khác về việc này, khi tên tuổi họ được quý trọng mà đặt lên trên đường cho mọi người dẫm đạp thì người ta coi đó là sự sỉ nhục. Thường thì các nhân vật về mặt phương Đông nói chung đều có quan niệm như vậy.

Như ở Trung Quốc có nhân vật Tần Cối là tể tướng dưới thời Nam Tống trong lịch sử Trung Quốc, ông thường bị hậu thế đánh giá là gian thần, Hán gian, cũng đã được làm bức tượng cho người đời đi qua, sỉ nhục vào.

Nhưng đối với Việt Nam, đặt tên ở đó rồi mọi người giẫm đạp lên trên là một sự coi thường, khinh bỉ, nên đừng làm trái với quan niệm của mình, mà chạy theo quan điểm của phương Tây.

Hay như ở châu Âu họ có thể xoa đầu nhau, còn ở Việt Nam hành động xoa đầu nhau chỉ dành cho người lớn tuổi dành cho người trẻ hơn, còn nếu cùng trang lứa mà xoa đầu nhau là thất lễ, vô lễ, coi thường nhau, nhưng đối với người châu Âu thì lại là bình thường.

Cho nên cái này phải xuất phát từ phông văn hóa, tập quán. Trong thời buổi giao lưu văn hóa cái gì đến nó sẽ tự đến, nhưng nếu cái gì đã là tiềm thức trong dân mà lại bắt chước thì nó sẽ thành thiếu hiểu biết, thậm chí lố bịch.

Đặt ví dụ lấy tên một người nào đó là tổ tiên, ông bà, những người có công đánh bại giặc ngoại xâm để tên dưới nền đường thì có khác nào coi thường họ, không ai vinh dự việc này.

Nói đến cái khác của văn hóa Việt Nam với Mỹ, ngay như họ không đặt tên đường phố bằng các danh nhân, còn chúng ta thì lại dùng tên của họ để đặt tên cho các tuyến phố, coi đó là sự tôn vinh, trân trọng, lúc nào con người cũng nhắc tới".

Mặt khác, theo ông Long, đây là tư duy tâm lý "học đòi", chuyện tiếp thu văn minh văn hóa của các nước là đáng khuyến khích nhưng phải cân nhắc, lựa chọn điều đó có phù hợp không, có nên tiếp thu không, hợp với ý thức của người dân Việt.

Vì thế không nên làm vì nó trái thuần phong mỹ tục, tốn kém mà lại không được người dân ủng hộ.

"Tôi thấy hiện nay chúng ta đang áp dụng việc đặt tên đường phố đó là một cách làm rất tốt, hiện đại, Hà Nội, các đô thị trên đất nước đều làm, thì làm sao phải làm thêm một tuyến đường rồi ghi tên họ lên rồi để mọi người dẫm đạp.

Hay ví dụ như Việt Nam đã học tập cách vinh danh của phương Tây là xây tượng đài các danh nhân ngoài trời, cái này không ai phản đối, nhưng có một số điểm không phù hợp như đặt bát hương đằng trước, cúng khấn.

Đó là quan điểm Tây - Ta lẫn lộn, không rõ về văn hóa.

Trong khi, ý thức đối với các công trình công cộng của người dân Việt Nam lại kém, di tích, bảo vật quốc gia còn vẽ bậy, nói gì đến tên dưới chân, cho nên rất khó phù hợp. Đừng cố gắng bắt chước một cách lố bịch", ông Long nói thẳng.

 

 

Châu An - Báo Đất Việt

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC