Hà Nội sẽ vay lại 98,35 triệu USD thuộc phần vốn vay nước ngoài để vận hành kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. 

42 1 Ha Noi Muon Vay Lai Hon 2300 Ty Dong Cho Duong Sat Cat Linh Ha Dong

Theo báo Người Lao Động, tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông được phê duyệt đầu tư từ năm 2008, có tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng (khoảng 868 triệu USD), trong đó hơn 13.000 tỷ đồng (669 triệu USD) vay của Trung Quốc, phần vốn đối ứng của Việt Nam hơn 4.000 tỷ đồng (198 triệu USD).

Trong cơ chế tài chính được duyệt, chi phí xây dựng kết cấu hạ tầng của dự án có giá trị hơn 577 triệu USD.

Phần chi phí liên quan trực tiếp đến việc khai thác, vận hành kinh doanh tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông hơn 98 triệu USD (hơn 2.300 tỷ đồng).

42 2 Ha Noi Muon Vay Lai Hon 2300 Ty Dong Cho Duong Sat Cat Linh Ha Dong

Tàu đường sắt Cát Linh-Hà Đông trong một lần chạy thử mới đây. (Ảnh: NLĐ) 

Lãnh đạo Hà Nội cho biết, số tiền hơn 98 triệu USD này là kinh phí chi cho các hạng mục như hệ thống kiểm soát vé tự động, hệ thống thiết bị công nghệ bảo dưỡng đoàn tàu, mua sắm đầu máy-toa xe, đào tạo và chuyển giao công nghệ.

Phương án vay lại hơn 98 triệu USD đã được Trung ương đồng ý ủy quyền cho Ban Quản lý dự án Đường sắt ký kết thỏa thuận. Số tiền này được dùng để giải ngân các hạng mục liên quan tới việc khai thác, vận hành kinh doanh vận tải tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông.

Lãi suất cho vay lại là 4%/năm tính trên số dư nợ vay lại. Trường hợp không trả nợ đúng hạn bất kỳ khoản nợ nào bao gồm gốc, lãi, phí và các chi phí liên quan khác, bên vay phải trả lãi phạt chậm trả bằng 150% lãi suất cho vay lại, áp dụng cho số ngày quá hạn.

Theo lãnh đạo Hà Nội, việc vay lại dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông không làm vượt hạn mức vay nợ của TP. Hà Nội bảo đảm thanh toán nợ vay đầy đủ, đúng hạn.

42 3 Ha Noi Muon Vay Lai Hon 2300 Ty Dong Cho Duong Sat Cat Linh Ha Dong

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể. (Ảnh cắt từ clip)

Trước đó, trả lời chất vấn QH ngày 5/6, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho hay, đây là dự án đường sắt đầu tiên của quốc gia, liên quan đến sinh mạng của hành khách, do đó để vận hành thương mại thì tư vấn phải chứng nhận được an toàn hệ thống, theo báo Vietnamnet.

Ông Thể nói cần 800 người được đào tạo kỹ để vận hành tuyến đường sắt này. “Đội ngũ 800 người này phải am hiểu thuần thục thì chúng ta mới vận hành thương mại, chứ vận hành mà xảy ra sự cố thì rất nghiêm trọng”, ông Thể nêu.

Cho đến nay, điều dư luận và người dân Hà Nội quan tâm là bao giờ tuyến đường sắt này đi vào chở khách vẫn bị bỏ ngỏ câu trả lời.

Hoàng Kỳ (Tổng hợp)

 

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC