Đó là thông tin được Chủ tịch UBND Nguyễn Đức Chung công bố sáng 24-2, tại buổi làm việc với Học viện Quân y, Bệnh viện 103 nhân kỷ niệm Ngày thầy thuốc Việt Nam.
Theo ông Chung, tới đây Hà Nội sẽ nhập nhiều xe hút bụi, quét rác tự động để thay thế cho việc phun nước rửa đường, điều này khiến cho Hà Nội tiết kiệm khoảng 70 tỷ đồng/năm…
Tại cuộc làm việc, ông Chung cho hay Hà Nội đang tập trung cải tạo môi trường, chất lượng sống cho người dân, biến Hà Nội thành một thành phố đáng sống.
Trong đó, Hà Nội đang triển khai kế hoạch làm sạch môi trường nước của hàng trăm hồ, tiến hành trồng 1 triệu cây xanh, lập các trạm quan trắc không khí tại các điểm nút giao thông, tăng cường công tác vệ sinh môi trường…
"Từ đầu năm 2016 đến nay Hà Nội đã trồng được khoảng 230 nghìn cây xanh (trong kế hoạch trồng 1 triệu cây xanh giai đoạn 2016-2021), trong đó năm 2016 Hà Nội trồng 200 nghìn cây, từ đầu năm 2017 đến nay trồng 30 nghìn cây", ông nói.
"Siêu xe quyét rác" của Hà Nội mới nhập về có hiệu quả, năng suất dọn rác cao, được người dân đánh giá là thân thiện với môi trường
Cũng theo ông Chung, đối với công tác vệ sinh môi trường, TP đang tiến hành thay đổi công nghệ quét rác, rửa đường, dọn vệ sinh đường phố từ thủ công sang cơ giới hoá.
Hiện Hà Nội đã nhập 50 xe quét rác mini của Đức chạy thí điểm trên các tuyến phố và phát huy hiệu quả rõ rệt, thân thiện với môi trường, được người dân đánh giá cao.
Dự kiến hết quý I năm 2017, Hà Nội sẽ nhập tổng cộng 140 xe dọn rác tự động.
“Mỗi xe dọn rác tự động hút được khoảng 1,5m3 bụi, rác/ ngày, năng suất làm việc trong một giờ tương đương với 12 công nhân quét rác.
Điều quan trọng nữa là nếu làm như vậy, mỗi năm Hà Nội không phải mất 70 tỷ đồng tưới nước, rửa đường”, ông chung nói.
Đối với việc làm sạch môi trường các hồ Hà Nội, đến nay TP đã cải tạo gần xong môi trường nước của 130 hồ trong nội thành bằng chất Redoxy 3C do Đức sản xuất.
Dự kiến sau quý I năm 2017, Hà Nội sẽ triển khai làm sạch các hồ ở khu vực ngoại thành.
Liên quan đến vấn đề ô nhiễm không khí, ông Chung cho hay hiện Hà Nội đã lắp đặt 12 trạm quan trắc theo dõi chất lượng không khí tại nhiều điểm nút giao thông có mật độ giao thông lớn.
Dự kiến năm 2017, Hà Nội sẽ lắp đặt 100 trạm quan trắc khác.
Nguồn: Báo điện tử Pháp Luật PLO.VN