Đôi bàn tay teo tóp yếu ớt, hai chân phát triển ngược về phía sau, xương sống bị rút cong, Thủy và Bốn từ khi sinh ra chưa một ngày biết ngồi và đi lại. Nhưng hai chị em vẫn tràn đầy nghị lực sống.
Đậu Thị Thủy (29 tuổi), Đậu Thị Bốn (25 tuổi) là con thứ 3 và thứ 5 trong gia đình có 6 chị em ở xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu, Nghệ An. Ngay từ khi lọt lòng, chân tay hai chị em đã bị co quắp, không thể đi lại. Mọi hoạt động đều cần đến sự giúp đỡ của người thân. May mắn là bộ não vẫn phát triển bình thường.
Hai chị em Thủy, Bốn bảo ban nhau học hành, tự đút cháo cho nhau và thư giãn bằng cách gấp hạc giấy. Ảnh: Nguyễn Á. |
Ngày sinh Thủy, vợ chồng bà Nguyễn Thị Kim đau thắt lòng. Hai đứa con đầu lòng vẫn bình thường, khỏe mạnh, nhưng đến thứ 3 thì nảy sinh vấn đề. "Dẫu gì cũng là giọt máu của mình. Cha mẹ nào nỡ bỏ con. Vợ chồng tôi cũng cắn răng, cố gắng nuôi dù cuộc sống vô cùng khó khăn", bà Kim nghẹn lời. Thế nhưng, nỗi đau chưa dừng lại. Đứa con gái thứ 5 sinh ra, cùng căn bệnh của chị gái, gieo thêm nỗi xót xa cho hai vợ chồng, gánh nặng nuôi con đã tăng lên gấp đôi.
"Chồng làm lái xe, tôi ở nhà làm ruộng. Thu nhập của gia đình chẳng được bao nhiêu, nhưng dành hết để lo thuốc men cho hai đứa con bị ốm đau quanh năm", bà Kim chia sẻ.
Những lúc cả nhà đi vắng, Thủy và Bốn được bố mẹ đặt trên một tấm phản gỗ thấp sát đất. Khi có nhu cầu cần thiết như vệ sinh hay uống nước thì cả 2 có thể tự đi bằng đầu và mông. Có những lúc, hai chị em đều phải chống chọi với những cơn đau đến tận xương tủy. Mãi đến khi qua tuổi 16, Thủy và Bốn mới bớt bệnh tật. Tuy thế, vào mùa lạnh hoặc khi trái gió trở trời, đau nhức lại dấy lên. Xương sống thì mỗi năm cong thêm một ít, gây thêm khó khăn trong sinh hoạt.
Thủy và Bốn luôn tự hào về gia đình hạnh phúc của mình. Ảnh: Nguyễn Á. |
Hơn nữa, tuy không phải là sinh đôi nhưng hoạt động cũng như bệnh tình của hai chị em đều giống nhau nên gây nhiều vất vả cho bố mẹ. Hiểu thế nên càng lớn, Thủy và Bốn đều cố gắng tự chăm sóc cho mình, quyết chiến đấu với số phận. Chỉ bằng đôi bàn tay yếu ớt, nhưng với nghị lực phi thường, hai chị em không ngừng tập luyện để có thể tự làm những việc nhỏ như: ăn uống, học chữ, đọc sách...
Không một ngày được đến trường nhưng bản tính ham học cùng ham muốn được biết chữ như bao đứa trẻ khác, từ năm 1994, cả hai chị em Thủy và Bốn đã tự mày mò và tập viết bằng những cuốn sách của trẻ con trong xóm. Vượt lên nghịch cảnh, kết quả của nhiều ngày "đánh vật" với con chữ là khả năng đọc và viết thành thạo của hai chị em.
Chưa hết, từ năm 2005, Thủy và Bốn còn tự tay đan những món đồ bằng len để có thêm thu nhập. Mỗi tháng, hai chị phụ bố mẹ khoảng 400.000 đến 800.000 đồng. Thời gian rảnh, hai chị em tiêu khiển bằng trò xếp hạc giấy. "Cuộc sống còn nhiều điều thú vị mà chúng tôi chưa được khám phá. Mỗi cánh hạc là một ước mơ, chúng tôi gửi gắm vào cuộc sống. Những lúc rãnh nằm gấp hạc, tôi thấy lòng nhẹ nhàng và thanh thản", Thủy tâm sự. Hai chị em cũng biết cách tạo tiếng cười để cha mẹ và mọi người trong gia đình được vui vẻ.
Thấy hai cô con gái ham học, gia đình và bà con hàng xóm hết lòng giúp đỡ, tạo điều kiện để Thủy và Bốn thực hiện ước mơ tiếp xúc với thế giới công nghệ, học thêm về vi tính. "Mặc cảm về bản thân ngày càng mất đi. Tôi nhận thấy rằng, mình rất hạnh phúc vì có một gia đình đầm ấm, luôn dành cho chúng tôi sự yêu thương, chăm sóc. Sắp tới, tôi sẽ đi học về công nghệ thông tin và cả ngoại ngữ để kiếm một công việc khác tốt hơn", Bốn tự tin nói.
Theo VNE.