Dù các cửa hàng bán đồ ở "bển" ít quảng cáo rùm beng, thậm chí không cần biển hiệu nhưng khách vẫn lui tới đều đều vì chuộng sản phẩm ngoại xách tay.
Các cửa hàng xách tay rải rác khắp nơi ở Hà Nội, tập trung đông nhất ở đường Nguyễn Sơn, quận Long Biên, gần sân bay Gia Lâm. Nhiều cửa hàng còn không có biển hiệu nhưng khách vẫn ra vào nườm nượp do người nọ truyền tai người kia.
Sản phẩm xách tay đa dạng mọi thể loại, từ thông dụng như quần áo, túi xách đến dao kéo, đũa bát, kem đánh răng và cả... nhau thai cừu. Nói đến hàng Nhật, người sành mua sắm nghĩ ngay đến mỹ phẩm, với các sản phẩm có nguồn gốc từ thiên nhiên. Hàng Nhật còn nổi tiếng với sữa, bỉm cho trẻ em. Nhiều bà mẹ dù xót tiền nhưng vẫn cố lùng mua bằng được sữa Wakado, Meiji hay bỉm Goon, Unicharm cho con. Ngoài ra, ai muốn mua thực phẩm chức năng như viên nhau thai cừu thì đến shop bán đồ xách tay từ Australia, tìm rượu hay chocolate thì có sản phẩm từ Scotland và Bỉ.
Tâm lý sợ bị đụng hàng là lý do khiến nhiều người tìm đến hàng xách tay. "Thời bây giờ đồ công sở đi đến đâu cũng thấy giống nhau. Có khi mặc một bộ đồ, đi một quãng đường mà thấy đến dăm bộ hao hao", Minh Thảo, nhân viên một công ty truyền thông ở Hà Nội chia sẻ khi vừa mua về chiếc váy công sở xách tay may từ chất liệu jeans.
Đến bộ đũa bát mà Thanh, một tín đồ khác, cũng phải đi từ nhà ở Cầu Giấy sang Long Biên lùng mua bằng được hàng Hàn Quốc, chỉ để đổi lấy vài lời trầm trồ xuýt xoa của khách khi đến ăn cơm nhà. Cũng là một lọ sữa tắm Pamolive trông như mua ngoài siêu thị nhưng cô tự hào nói: "Hàng nhập từ Pháp đấy, thơm hơn hẳn".
Bên cạnh đó, nhiều người cho biết họ chuộng hàng xách tay vì chất lượng hơn hẳn hàng nội, thậm chí cả hàng ngoại bán chính hãng tại Việt Nam. Hiện nay, thị trường Việt Nam đã xuất hiện nhiều thương hiệu thời trang quốc tế tên tuổi. Tuy nhiên, những người sành sỏi cho biết đối với một số thương hiệu tầm trung, hàng bán tại Việt Nam có chất lượng khác so với hàng nguồn gốc Âu, Mỹ. "Cũng là cái túi da, nhưng sản phẩm xách tay về sờ mềm tay hơn hẳn mà không bị nhẽo. Túi hiệu ở Việt Nam nhiều cái dùng chỉ một tháng là phần kim loại ở khuy, móc hay quai xách xám xỉn, bay màu", cô Ngà giải thích.
Cô Ngà - chủ shop hàng xách tay bán từ quần áo, giày dép túi xách, mỹ phẩm, kính mắt, nằm trong một con ngõ nhỏ của Hà Nội. Hàng xuất xứ từ Pháp và về Việt Nam thông qua các tiếp viên hàng không. "Do không bị đánh thuế nên giá cả mềm hơn", bà chủ giải thích. Những người như cô Ngà thuận lợi ở chỗ có người nhà ở nước ngoài và những người này hiểu biết nhất định về sản phẩm. Do đó, cô chỉ cần chờ người thân đi chọn hàng hộ, đóng gói, rồi gửi về, cứ hơn chục ngày lại có đợt hàng mới.
Trong khi đó, cô Hạnh, chủ cửa hàng xách tay Thái Lan trên đường Thái Thịnh thì phải sang tận Bangkok lấy hàng vì ông anh trai bên đó đã 69 tuổi, không biết chọn đồ. Đến mùa đắt hàng, có khi chỉ nửa tháng là cô đi lấy hàng một lần, không thì tháng rưỡi, hai tháng. Mỗi chuyến sang Bangkok, hai vợ chồng khệ nệ vừa xách vừa kéo lê gần 100 kg hành lý. Số hàng còn lại có bao nhiêu thì chuyển phát về, khoảng 5, 6 ngày thì đến Hà Nội. "Sở dĩ cô chọn Thái Lan vì hiện nay rất nhiều người Việt chuộng loại hàng này, nhất là tầng lớp trung tuổi. Hơn nữa có người nhà bên đó nên mỗi lần đi sang có nơi ăn chốn ở đàng hoàng", cô cho biết.
Tuy nhiên, hàng xách tay có nhiều mặt hạn chế mà các tín đồ vẫn phải chấp nhận. Hầu hết các sản phẩm, nhất là quần áo, đồ trang điểm là hàng lỗi mốt hoặc gần "hết đát". Ở nước ngoài có nhiều đợt sale off mạnh tay, có khi đến 70%. Thời gian này, chủ hàng tranh thủ đi gom một loạt những món khá khẩm nhất rồi chuyển về Việt Nam.
Còn đối với các mặt hàng khác như thực phẩm, sữa, hóa mỹ phẩm, điện thoại, máy tính xách tay, chất lượng hàng không được ai chứng nhận ngoài lời quảng cáo của người bán. Thành thử người dùng phải tự kiểm định rồi truyền tai nhau kinh nghiệm nên mua chỗ này, tránh xa chỗ kia. Cách đây không lâu, các bà mẹ hoang mang khi trên mạng có thông tin xuất hiện sữa Meiji của Nhật và S26 của Australia giả, xuất xứ từ Đài Loan. Tuy nhiên, vì là hàng xách tay nên các bà mẹ chẳng biết hỏi ai, vừa cho con uống sữa vừa lo ngay ngáy.
Theo VNE.