Các sản phẩm đầu tiên dự kiến được bán ra tại thị trường Việt Nam là dòng xe sedan và SUV, đều được nhập khẩu nguyên chiếc. Trước đó, vào tháng 5/2023, một tuyên bố của chính phủ Việt Nam trích dẫn chủ tịch của BYD loan báo hãng xe này có kế hoạch mở rộng sang sản xuất và lắp ráp xe điện tại Việt Nam, theo Reuters.
Công ty của Trung Quốc hiện đang xây dựng một nhà máy trị giá 504 triệu USD ở Thái Lan, là thị trường lớn nhất bên ngoài Trung Quốc và dự kiến sẽ bắt đầu sản xuất trong năm nay.
Theo VnExpress, xe điện của BYD có thể được nhập khẩu từ Thái Lan vào Việt Nam để được hưởng thuế nhập khẩu bằng 0 áp dụng cho các nước Đông Nam Á.
BYD trở thành hãng bán xe điện lớn nhất thế giới năm 2023 khi bán được khoảng 3,02 triệu xe, tăng 61,9%. Chín mươi phần trăm doanh số bán hàng của BYD là ở Trung Quốc.
Theo nhận định của Reuters, sự hiện diện của BYD tại thị trường Việt Nam sẽ đặt ra thách thức trực tiếp cho VinFast, nhà sản xuất xe điện đầu tiên của Việt Nam.
Doanh số bán hàng của VinFast năm 2023 đã không đạt được mục tiêu đề ra, chỉ bán được gần 35.000 xe, thấp hơn mục tiêu 40.000 chiếc theo kế hoạch. Lý giải cho sự thất bại này, VinFast nói nguyên nhân là do việc triển khai sử dụng xe điện chậm chạp ở một số khu vực, tình trạng cạnh tranh gay gắt và kinh tế bất ổn, vẫn theo Reuters.
Mặc dù VinFast không đưa ra phân tích rõ ràng về doanh số bán hàng theo thị trường trong thông báo, nhưng khoảng 60% lượng xe phân phối trong quý 2 và quý 3 là dành cho Công ty Cổ phần Di chuyển Xanh và Thông minh (GSM), công ty chuyên về dịch vụ gọi xe taxi và xe ôm qua mạng thuê xe của Vinfast.
CEO của VinFast là tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng là người nắm đến 95% cổ phần của GSM.
Theo VnExpress/Reuters