Mặc dù công tác khắc phục hậu quả đang được tiến hành, nhưng đến chiều ngày 3-11-2008 vẫn chưa thể xác định chính xác mức độ thiệt hại về tài sản tại chung cư C6 khu Mỹ Đình 1. Trong khi đó, những người dân của hai khối nhà thuộc chung cư nói trên đang rất bức xúc bởi sự cố này đã từng được chính họ cảnh báo, nhưng không được đơn vị quản lý quan tâm đúng mức.
Lời nhắc nhở bị lãng quên
Trước khi sự cố nước ngập tràn tầng hầm để xe của chung cư C6 diễn ra, chúng tôi đã có bài phản ánh về một loạt sự cố liên quan đến thiết kế và thi công của tòa nhà này. Cụ thể là tại tầng hầm để xe có nhiều thiết kế chưa hợp lý như đường ống dẫn ga, hệ thống máy phát điện và phòng cháy chữa cháy…
Điều đặc biệt nhất là trước khi toàn bộ tầng hầm bị ngập nước khiến hàng chục ôtô, xe máy trị giá hàng chục tỷ đã bị nước nhấn chìm trong ngày 31-10-2008 thì trước đó ngày 25-8-2008 Ban Quản trị nhà C6 đã có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị - Bộ Quốc phòng để đề cập tới vấn đề này.
Ông Phạm Trung Dũng - Phó ban Quản trị nhà C6 cho biết: Ngay từ hồi tháng 7, một sự cố ngập nước tương tự đã diễn ra tại đây. Sau một trận mưa to, toàn bộ tầng hầm để xe của cả hai khối 1 và 2 thuộc tòa nhà C6 đã bị nước mưa tràn vào ngập sâu tới nửa mét.
Rất may, trận mưa chỉ diễn ra trong thời gian ngắn nên mức độ thiệt hại không đáng kể. Tuy nhiên ngay sau đó chúng tôi đã phản ánh về tình trạng thoát nước của tầng hầm khu nhà không đảm bảo với lãnh đạo công ty để họ có biện pháp khắc phục cũng như ngăn chặn sự việc có thể tái diễn.
Để chứng minh, ông Dũng đưa ra một biên bản làm việc với Công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị do ông Đặng Đình Dùng - Phó Giám đốc ký. Cũng tại biên bản này, phía lãnh đạo công ty đã cam kết khắc phục bằng cách khai thông lại đường ga, cống thoát nước nhằm khắc phục việc để nước tràn vào hầm để xe.
Ông Dũng gay gắt: Mặc dù biên bản đã thống nhất như vậy, nhưng chúng tôi không hiểu tại sao sự cố này vẫn tái diễn với mức độ nghiêm trọng hơn gấp hàng chục lần.
Một vấn đề khác liên quan đến việc để xảy ra tai nạn vừa qua là cách xử lý sự cố của nhân viên bảo vệ tòa nhà. Bên cạnh đó cũng cần nói thêm là toàn bộ hệ thống báo động của chung cư cao tầng này đã không hoạt động.
Bởi khi nước bắt đầu tràn vào hầm, chỉ cần người bảo vệ ấn chuông cảnh báo là người dân sẽ lập tức xuống để sơ tán phương tiện. Tuy nhiên, do hệ thống không hoạt động hoặc do nhân viên không làm động tác cấp báo nên người dân đã không biết, dẫn đến không có người xuống đưa phương tiện ra ngoài.
Chưa thống nhất được cách giải quyết
Cho đến cuối buổi chiều ngày 3-11, phần lớn số ôtô bị ngâm nước tại chung cư C6 vẫn đang nằm im tại hiện trường đợi cơ quan điều tra khám nghiệm. Đa số là những ôtô khá đắt tiền.
Chị Nguyễn Thị Thủy, trú tại phòng 1606 có 1 xe ôtô Camry và 3 chiếc xe máy gồm SH 150i, Spacy 125, Force 125 chua chát nói: Ngoại trừ chiếc ôtô của tôi bị ngập một nửa nhưng đã đẩy ra kịp thì số xe máy đang phải đưa đi sửa toàn bộ vì bị “ngâm” nước 2 ngày.
Theo thông tin ban đầu từ phía hãng sửa chữa, gia đình chúng tôi phải chi riêng cho xe máy gần 100 triệu đồng. Tương tự, chị Thiều Thị Bình trú tại phòng 1307 có 1 xe ôtô Lexus RX350 trị giá gần 110 nghìn USD và 1 xe máy Spacy nói: Chiếc xe của tôi đã bị hỏng toàn bộ hệ thống điện, điện tử và nội thất.
Người dân tự sửa chữa xe máy bị ngập nước |
Anh Nguyễn Văn Hiệp, trú tại phòng 1703, chủ nhân của 2 chiếc Merceder C200 và Mitsubishi Jolie thì cay đắng hơn: Gia đình tôi đã mời đại diện của Bảo hiểm Pjico và hãng xe tới đánh giá thiệt hại. Theo nhận định của chuyên gia hãng xe thì toàn bộ cả hai chiếc xe này đều phải thay thế toàn bộ.
Giá thành sửa chữa sẽ theo khung giá của hãng quy định. Tuy nhiên, đến nay xe của tôi vẫn nằm im tại hiện trường bởi phía cơ quan chủ quản tòa nhà vẫn chưa thống nhất được phương án đền bù cho người dân.
Được biết hiện nay, chung cư C6 mới được khắc phục về hệ thống điện cho người dân đảm bảo sinh hoạt. Ông Nguyễn Đức Quyền - Trưởng ban Quản trị tòa nhà nói: Ngày hôm qua, Cảnh sát PCCC có điều động 1 xe bơm nước đến để phục vụ nước sinh hoạt cho người dân. Bên cạnh đó hệ thống thang máy vẫn tê liệt, người dân buộc phải leo cầu thang bộ từ tầng 1 đến… tầng 19.
Khi phóng viên đặt câu hỏi về trách nhiệm của mình đối với những sự cố vừa qua, thì ông Đỗ Văn Vinh - Giám đốc Xí nghiệp Quản lý nhà và đô thị số 1 - đơn vị trực tiếp chịu trách nhiệm về tòa nhà C6 từ chối phát ngôn vì chưa được sự đồng ý của cơ quan cấp trên. Ông Vinh khẳng định: Chỉ khi nào có chỉ thị từ cấp trên thì ông mới trả lời về vụ việc này.
UBNDTP Hà NộI chỉ thị: Tập trung rà soát khiếm khuyết các công trình xây dựng Mưa lớn kéo dài tại thành phố Hà Nội đã gây tác động xấu đến các công trình xây dựng, đặc biệt đối với các công trình đang ở giai đoạn thi công phần ngầm. Ngày 3-11, UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND các quận, huyện, TP Hà Đông, TP Sơn Tây và các sở, ban, ngành thuộc TP, các chủ đầu tư, các Ban quản lý dự án, các chủ quản lý sử dụng công trình xây dựng khẩn trương tổ chức kiểm tra, đánh giá mức độ ảnh hưởng của đợt mưa, ngập úng kéo dài đến chất lượng các công trình xây dựng. Tổ chức thực hiện ngay các biện pháp nhằm khắc phục hậu quả của ảnh hưởng này: Đối với các công trình xây dựng đang thi công phần ngầm, các công trình hạ tầng kỹ thuật như hệ thống thoát nước, hầm đường bộ… các nhà thầu phải có biện pháp thi công phù hợp nhằm ngăn chặn sự sụt lở đất thành hố đào, phải đặt biển báo, rào ngăn cảnh báo khu vực nguy hiểm. Tập trung, rà soát để phát hiện các khiếm khuyết của công trình xây dựng bộc lộ sau đợt mưa, úng ngập kéo dài: Đối với các công trình nhà cao tầng có tầng hầm, các đơn vị quản lý sử dụng phải tổ chức kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các máy móc, thiết bị đảm bảo việc bơm tiêu nước trong các tầng hầm, các tình huống về an toàn sử dụng điện, công tác đảm bảo PCCC trong tầng hầm (đặc biệt với tình huống các xe ôtô, xe gắn máy để trong tầng hầm nhà chung cư bị chảy tràn xăng do ngập nước)… Thanh Tùng |
Theo Nguyễn Long
An Ninh Thủ Đô