Tình trạng ở nhiều chung cư hiện nay tại Hà Nội thường xuyên xảy ra việc thang máy gặp sự cố như: trôi tự do, mắc kẹt, sự cố điện… khiến hàng chục nghìn cư dân sợ hãi.
Ở lưng chừng trời và nỗi sợ hãi về thang máy
Nếu như tình trạng tắc nghẽn thang máy xảy ra thường xuyên đã trở thành chuyện “như cơm bữa” và cũng ít nhiều được cư dân các chung cư cao tầng tạm chấp nhận thì với những sự cố thang máy thường xuyên xảy ra như trôi tự do, mắc kẹt hay sự cố về điện thì lại khiến họ cảm thấy quá sức sợ hãi.
Sự phát triển nhanh chóng tại các khu đô thị như: Kim Văn – Kim Lũ, Linh Đàm, Đại Thanh, Dương Nội… ở Hà Nội đã giúp hàng triệu người giải quyết vấn đề về nhà ở.
Thế nhưng việc đảm bảo chất lượng, an toàn lại trở thành vấn đề cấp thiết đối với những cư dân đã và đang sinh sống tại nhiều tòa nhà cao trọc trời khi ngày càng nhiều tai nạn thang máy xảy ra.
Và thực tế cho thấy rất nhiều sự cố về thang máy đã xảy ra và khiến nhiều người như… đứng tim.
Mặc dù chưa ghi nhận sự cố thang máy nào gây thiệt hại về người nhưng những gì đã và đang diễn ra cũng đã khiến nhiều người sống ở chung cư không khỏi nơm nớp lo lắng.
Ghi nhận của chúng tôi tại một tòa nhà thuộc KĐT Kim Văn – Kim Lũ tối ngày 26/6 cho thấy có 3 trên 6 chiếc thang máy bị hỏng hóc.
Nguyên nhân là tòa nhà gặp sự cố bục đường ống nước trên tầng 21 khiến nước chảy lênh láng sàn và thang máy khiến 3 chiếc thang máy không thể hoạt động.
Thang máy gặp sự cố tối ngày 26/6 tại khu đô thị Kim Văn - Kim Lũ.
3 thang máy bị hỏng vì nước chảy lênh láng trên sàn và tràn vào thang máy.
Một chiếc thang máy phải đóng chặt cửa vì nước tràn vào.
Cũng tại khu đô thị này, cách đây không lâu tại một tòa nhà khác cũng đã xảy ra tình trạng thang máy gặp sự cố rơi tự do.
Trao đổi với chúng tôi, anh Lê Bình là người dân sống ở đây và chứng kiến sự việc cho biết: “Lúc đó tôi di chuyển thang máy từ tầng 40 xuống nhưng đến tầng thứ 16 bỗng nhiên thang có hiện tượng trôi tự do, lập tức tôi bấm dừng ở tầng 9 nhưng đến tầng 9 thang không dừng mà chỉ khựng lại ở tầng 8”.
Nói thêm về sự cố này, anh Bình không khỏi sợ hãi: “Trong thang máy không chỉ có tôi mà còn khoảng 4 người nữa, ai cũng cảm thấy việc thang có hiện tượng rơi tự do với tốc độ nhanh hơn bình thường nhiều. Một số người trong thang la hét, hoảng loạn nhưng rất may khi xuống đến tầng 8 lại hoạt động bình thường”.
Không chỉ có anh Bình gặp sự cố tại KĐT này mà nhiều cư dân khác cũng xác nhận với chúng tôi việc từng gặp sự cố thang máy rơi tự do.
Ở tầng 7 nhưng không dám đi thang máy vì lo
Thực tế cho thấy, không chỉ riêng những tòa nhà cao tầng giá rẻ gặp sự cố về thang máy mà đối với những tòa nhà chung cư cao tầng trung cấp đến cao cấp vẫn xảy ra sự cố.
Ngày 21/6 vừa qua, tại tòa chung cư CT01 –Euroland (KĐT Mỗ Lao – Hà Đông – Hà Nội) cũng đã xảy ra sự cố thang máy bị kẹt cửa không thể mở ra.
Cụ thể, vào khoảng 19 giờ tại sảnh tòa T2A xảy ra sự cố cả 3 thang máy đều không hoạt động, một số cư dân đang trong thang máy nhưng sử dụng các biện pháp kỹ thuật của thang máy nhưng đều bị vô hiệu hóa. Mãi sau 15 phút với sự hỗ trợ của cư dân bên ngoài thì cư dân bên trong thang máy mới được giải cứu.
Theo cư dân sinh sống tại tòa nhà này thì sự cố trên là vô cùng nghiêm trọng và đã yêu cầu phía ban quản lý tòa nhà rà soát lại an toàn thang máy, cũng như làm rõ nguyên nhân, hỗ trợ nếu xảy ra sự cố.
Trong một diễn biến khác, cũng tại một tòa chung cư thuộc quận Hà Đông từng xảy ra sự cố thang máy rơi tự do và khiến một số cư dân sợ “rợn tóc gáy”.
Trong số đó, một vài người dân đã đoạn tuyệt với việc di chuyển bằng thang máy.
Nói về điều này, cô Nguyễn Thị Thơm (60 tuổi) cho biết: “Hôm đó tôi cứ tưởng mình chết kia bởi khi đang di chuyển bằng thang máy thì thang có hiện tượng rơi tự do rồi đứng khựng lại ở tầng 1. Chưa dừng lại ở đó, khi thang đến tầng 1 lại không mở cửa ra mà phải có sự trợ giúp của người dân bên ngoài tôi mới thoát ra được”.
Một chung cư tại Đền Lừ phải dán tấm biển niệm phật cầu mong người dân không gặp sự cố về thang máy.
Một chiếc thang hàng bệ rạc khiến cư dân phát sợ.
Theo cô Thơm thì ngay sau khi gặp sự cố, dù gia đình cô Thơm giúp việc ở tầng 6A (tức tầng 7) nhưng không dám đi thang máy mà lựa chọn phương án đi thang bộ. Nói thêm về điều này, cô Thơm cho biết:“Leo lên leo xuống 7 tầng cũng mệt lắm nhưng còn hơn là đi thang máy mà nơm nớp lo sợ”.
Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Hữu Phú (Chuyên gia kỹ thuật một đơn vị cung cấp thang máy) cho biết: Tại Việt Nam hầu hết các đơn vị lắp đặt và bảo dưỡng có tên tuổi đều có bộ phận bảo trì sửa chữa 24/24 ở khắp các tỉnh thành, nên việc sửa chữa cứu hộ là rất nhanh chóng. Nhưng hiện nay do nhu cầu nhiều nên có rất nhiều đơn vị mới thành lập, chủ yếu là bán mới, bán thương mại, đội ngũ sửa chữa cứu hộ rất mỏng và chưa nhiều kinh nghiệm, nên việc bảo dưỡng, khắc phục sự cố nhiều khi bị bỏ ngỏ, gây khó khăn cho các hộ sinh sống trong những khu chung cư khi thang máy hỏng.
"Mặt khác các đơn vị sử dụng thang máy khá chủ quan việc bảo trì, khi hết chế độ bảo hành, khách hàng thường không quan tâm đến việc ký hợp đồng bảo trì, hoặc ký với những đơn vị, cá nhân không có chuyên môn, kinh nghiệm (để giảm chi phí). Chính vì vậy rủi ro hay tai nạn rình rập là chuyện dễ xảy ra!”,ông Phú nhấn mạnh.
Theo Lê Bảo / Trí Thức Trẻ