Cái bả vinh hoa ở đời ít người không vướng phải, từ “ông hoàng nhạc sến” Ngọc Sơn cho đến ông Hiệu trưởng cao đẳng nghề Quảng Nam...

Thanh tra tỉnh Quảng Nam vừa thông báo kết luận về những sai phạm trong công tác quản lý, điều hành và tài chính xảy ra tại Trường cao đẳng nghề Quảng Nam, trong đó có sai phạm của ông Nguyễn Quyết Thắng- Hiệu trưởng nhà trường.

Qua quá trình thanh tra đã phát hiện trong năm hai năm học 2015 và 2016, ông Nguyễn Quyết Thắng - đã khai khống số lượng học viên để nhận thêm tiền từ ngân sách.

Cụ thể, năm 2015 chỉ tiêu đào tạo của trường là 541 học viên nhưng khi nộp danh sách để quyết toán ngân sách nhà nước, ông Thắng kê lên 673 người; có 132 học viên được kê khống, nhà trường nhận tiền ngân sách một tỷ đồng.

Năm học 2016, trường đào tạo 670 học viên nhưng hồ sơ quyết toán lên đến 991 người.

Số học viên kê khống 321 người, số tiền ngân sách chi về cho trường hơn 2,7 tỷ đồng. Cuối năm 2014, ông Thắng ký hợp đồng truyền thông giữa Trường cao đẳng nghề với một doanh nghiệp số tiền 19,8 triệu đồng để vinh danh “Nhà lãnh đạo xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước năm 2014”.

Hiệu trưởng mua danh và Giáo sư nhạc sến - 0

Ông Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam được vinh danh ''Nhà Lãnh đạo xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước năm 2014''. Ảnh: caodangngheqn.edu.vn

 

Hợp đồng nêu trên chỉ vinh danh cá nhân ông Thắng nhưng ông lấy tiền ngân sách hỗ trợ nhà trường để chi.

Tức là để đổi được danh hiệu “Nhà lãnh đạo xuất sắc” cho bản thân, ông Thắng đã chi ra gần 20 triệu đồng bằng tiền của nhà trường.

Trường hợp của ông Hiệu trưởng Nguyễn Quyết Thắng có lẽ cũng không phải là hiếm. Hàng năm, có hàng trăm cuộc trao giải thưởng, danh hiệu ùm xòe mà phần lớn là các cá nhân được trao giải đều bỏ tiền ra mua danh dưới hình thức “hỗ trợ tự nguyện” cho ban tổ chức. Để được một danh hiệu, ít thì 10 triệu, nhiều thì 30 triệu, 50 triệu còn tùy vào sự “danh giá” mà ban tổ chức nào càng tài vẽ ra thì giá càng cao.

Ông Hiệu trưởng này, có lẽ cũng hám danh như trường hợp của ca sĩ Ngọc Sơn đang gây xôn xao dư luận gần đây khi khoe tấm bằng khen trên có dòng chữ “Giáo sư âm nhạc” được Hội Nghệ nhân và thương hiệu VN trao tặng.

Hiệu trưởng mua danh và Giáo sư nhạc sến - 1

Lá đơn xin vào Hội Nghệ nhân và Thương hiệu của ca sĩ Ngọc Sơn

"Giáo sư âm nhạc” đã được xác định là một chức danh bịa đặt, bởi trong hệ thống học hàm giáo sư ở VN, không có ai được phong là Giáo sư âm nhạc cả. 

Nguyên do là chỉ duy nhất có ca sĩ Ngọc Sơn tự nghĩ ra chức danh đó cho mình, điền vào đơn xin vào Hội. Và tổ chức Hội này cũng ngây ngô (hay cố tình) bệ luôn cái chức danh đó lên bằng khen.

Đơn xin vào Hội Nghệ nhân và thương hiệu của Ngọc Sơn được gửi vào ngày 3/8 thì đến ngày 15/8, anh đã mau chóng nhận được bằng khen do đích thân ông Chủ tịch Hội ký.

Một quy trình khen tặng nhanh thần tốc không kém gì các vụ bổ nhiệm người thân, người nhà đúng quy trình ở ta.

Có người đã bình luận, thà rằng Ngọc Sơn cứ xưng là “ông hoàng nhạc sến” như từ trước tới nay thì cũng chẳng ai dám chê bai dè bỉu anh. Đằng này lại tham vọng nâng cấp lên thành “giáo sư”, mà là lại là “giáo sư nhạc sến” nên chuyện mới thành vỡ lở, bị thiên hạ chê cười.

Có người lại bảo, phong Giáo sư cho Ngọc Sơn là đúng, vì ít ra anh còn biết hát, biết nhảy múa, biết sáng tác nhiều ca khúc lay động giới nghe nhạc bình dân. Tóm lại là anh có chuyên môn.

Ngọc Sơn còn hơn vô khối những ông giáo sư tiến sĩ với nhiều chức danh nghe kêu choang choang nhưng thực sự chẳng có một công trình khoa học gì đóng góp cho đời. Nếu phân tích ở góc độ này kể ra cũng có lý.

Nhưng nói gì thì nói, chuyện ông hiệu trưởng bỏ tiền mua danh “Nhà lãnh đạo xuất sắc” hay Ngọc Sơn khoe bằng khen có ghi chức danh “Giáo sư âm nhạc” cũng là một sự phản chiếu cái tâm lý háo danh đến mê muội đang tồn tại trong xã hội ta. Việc hàng loạt các công ty truyền thông núp bóng các tổ chức đi bán danh hiệu dưới hình thức “hỗ trợ tự nguyện” đang khiến cho các chuẩn giá trị bị đảo lộn, làm rối ren đời sống.

Đừng xem đây là những chuyện đùa, đừng cười cợt cho qua. Bởi nếu không làm rõ trắng đen các trường hợp danh hiệu bỏ tiền ra mua này, rồi sẽ đến lúc chúng ta sẽ bị ngập chìm trong những hệ giá trị đảo điên, bất phân thật giả. Đó là một bi kịch thật sự.

 

Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC