Hộ lý “ném” bệnh nhân ra đườngSau khi nghe địa phương trả lời anh Đương không có ĐKHKTT, đồng thời gia đình cũng trả lời không có khả năng nuôi dưỡng, hộ lý Hoàng Đình Tiến không báo cáo lãnh đạo bệnh viện, đã liều lĩnh chở Dương Văn Đương trong tình trạng bệnh tật ốm yếu, đói khát xuống An Dương, Hải Phòng và vứt bỏ tại gầm cầu vượt

Chiều tối 2/10/2008, tại khu cầu vượt QL5 ở thôn Phí Xá, xã Lê Dương, huyện An Dương, Hải Phòng, trước  sự chứng kiến của nhiều người dân, 2 nhân viên của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương đã có một hành xử trái với y đức: dừng xe ôtô chở rồi vứt bỏ một bệnh nhân mà họ đang điều trị ra đường để rũ trách nhiệm. Sự việc trên đã gây bức xúc lớn trong dư luận xã hội cho dù người bệnh này có một nhân thân hết sức đặc biệt.

Số phận của một người  tù trở về

Sáng 3/10/2008, cùng với đoàn cán bộ của phòng chức năng - Công an tỉnh Hải Dương, nhóm PV chúng tôi có mặt tại Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Ông Phạm Công Lạng, Giám đốc Bệnh viện tiếp chúng tôi trong một nỗi buồn sâu thẳm. Chính ông cũng không thể ngờ 2 nhân viên của mình - hộ lý Hoàng Đình Tiến, 55 tuổi và lái xe Nguyễn Văn Đôn lại có thể hành xử một cách bất nhân, kỳ quặc đến như vậy.

Theo yêu cầu, ông Lạng đã chuyển cho chúng tôi tập hồ sơ bệnh án của bệnh nhân bị ruồng bỏ trên. Đọc tập hồ sơ, tất cả chúng tôi đều không khỏi một phen ngỡ ngàng: trước khi trở thành bệnh nhân của bệnh viện, người bệnh nọ đã từng là một phạm nhân. Anh ta là Dương Văn Đương, 48 tuổi, ở thôn Tỉnh Thủy, xã An Hòa, huyện An Dương, TP Hải Phòng.

Vào năm 1980, trong khi các địa phương hết sức khó khăn về thiếu sức kéo nông nghiệp, tình hình trộm cắp trâu bò diễn ra khá nghiêm trọng, gây lo lắng cho nông dân.

Một lần, Dương Văn Đương đã cùng bố và em trai trộm cắp cả một đàn trâu và đã bị TAND Hải Phòng xử phạt tù chung thân. Năm 2006, do cải tạo tốt, Đương được đặc xá sau 26 năm học tập, lao động tích cực.

Ông Trương Văn Dũng, Trưởng Công an xã An Hòa cho biết, từ khi ở tù trở về, Đương làm nghề lao động tự do ở khu vực bờ sông, sức khỏe bình thường, không có biểu hiện tái phạm pháp luật. Song, quê nội không còn mấy ai là ruột thịt nên 1 năm sau, Dương Văn Đương biến đâu mất, ĐKNKTT chỉ là đăng ký "treo".

Ngay trong ngày, nhóm PV đã lần theo các mối quan hệ của nạn nhân và tìm ra quê ngoại của Đương ở  thôn Quảng Đạt, xã Ngũ Phúc, huyện Kim Thành, Hải Dương. Ban Công an xã ở đây cho hay, mẹ đẻ của Dương Văn Đương là bà Phạm Thị Ước, 73 tuổi. Khi chồng và 2 con trai phạm tội, bà đem theo người con út tên là Dương Văn Trường, trở về quê làm ăn sinh sống.

Năm 2006, Đương ra tù, bà Ước từng xin cho Đương được ĐKNKTT với mình, nhưng Công an xã khước từ với lý do Phạm Văn Đương không phải người địa phương. Đáng buồn hơn, khi cả cộng đồng đang tích cực tham gia cảm hoá, giáo dục người có quá khứ lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, thì Trưởng Công an xã Ngũ Phúc lại trả lời thẳng thừng với các phóng viên rằng giá anh Đương là người tốt thì chúng tôi nhận, nhưng anh ấy là người có tiền án, tiền sự, đi tù mới về nên chúng tôi không thể cho ĐKHKTT được. Tuy nhiên, Đương vẫn được Công an xã "chiếu cố" cho ở tạm trú với mẹ và em trai.

Một bệnh nhân bị đùn đẩy

Tháng 5/2008, Đương có dấu hiệu đổ bệnh tâm thần, thường xuyên cãi nhau với mẹ. 14/5/2008, Đương gây mất trật tự ở địa phương, UBND xã làm thủ tục hồ sơ đưa anh ta đi chữa bệnh bắt buộc, nhưng khi đến Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, bệnh viện này không nhận với lý do không có người chăm sóc và đã giới thiệu Đương lên Bệnh viện Tâm thần TW ở Thường Tín, Hà Tây.

Sau 2 tháng điều trị, 16/9/2008, Bệnh viện Tâm thần TW trả Đương về xã Ngũ Phúc. Vẫn Trưởng Công an xã Ngũ Phúc cho biết, ngay trong ngày hôm đó, Công an xã mời bà Ước đến trụ sở, nhưng bà Ước đã từ chối nuôi con và đã viết 1 lá đơn đề nghị UBND và Công an xã trả Dương Văn Đương về quê nội. Bệnh viện trả về, quê nội không còn người ruột thịt, gia đình và địa phương không thừa nhận, từ đó, Đương không biết đi đâu, về đâu.

Đến 27/9/2008, trong khi lang thang trên đường, con người vô gia cư này bị ngã xuống mương nước, có người trông thấy đã vớt lên và đưa đến cấp cứu ở Bệnh viện Đa khoa Hải Dương. Sau 2 ngày, Bệnh viện đa khoa thấy lại chuyển anh ta về Bệnh viện Tâm thần Hải Dương. Tại đây, Đương khai được họ tên và nơi ở.

Sau khi xác minh, 9h ngày 2/10/2008, Bệnh viện Tâm thần đã cử hộ lý Hoàng Đình Tiến và lái xe Nguyễn Văn Đôn đưa bệnh nhân Phạm Văn Đương về giao cho địa phương và gia đình.

Tại trụ sở UBND xã Ngũ Phúc, Kim Thành, Hải Dương, việc bàn giao không thành. Địa phương trả lời Đương không có ĐKHKTT, đồng thời gia đình cũng trả lời không có khả năng nuôi dưỡng.

11h cùng ngày, hộ lý Hoàng Đình Tiến không báo cáo lãnh đạo bệnh viện, đã liều lĩnh chở Dương Văn Đương trong tình trạng bệnh tật ốm yếu, đói khát xuống tận thôn Phí Xá, xã Lê Thiện, An Dương, Hải Phòng và vứt bỏ tại gầm cầu vượt.

Nhiều người dân địa phương và khách qua đường chứng kiến cảnh tượng này đã chăm sóc Đương và hết sức bất bình. Sau khi phối hợp với Công an tỉnh Hải Dương, xác định được chiếc xe cứu thương BKS 34B-0583 bỏ rơi bệnh nhân là của Bệnh viện Tâm thần Hải Dương, 16h15' cùng ngày phóng viên đã gọi điện thoại yêu cầu Giám đốc bệnh viện kiểm tra sự việc trên và cho xe quay lại đón người bệnh vô tội.

Sau 1 giờ đồng hồ, vẫn chiếc xe BKS 34B-0583 do Trưởng khoa 3 của bệnh viện Phạm Huy Vinh cùng lái xe đã quay lại, không cáng, không giường, vội vàng khênh bệnh nhân lên xe như bao hàng rồi đưa về. Nhận thấy thiếu sót, Bệnh viện Tâm thần đã tích cực chăm sóc bệnh nhân Dương Văn Đương. Đến nay, sức khoẻ Đương đã hồi phục.

Vụ việc trên đây là bài học sâu sắc đối với một bệnh viện đã nhiều năm được công nhận đơn vị xuất sắc.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Phạm Công Lạng ngậm ngùi: "Tập thể y, bác sĩ ở đây hết sức phản đối hành vi vô lương tâm của hộ lý Hoàng Đình Tiến. Lãnh đạo bệnh viện sẽ có hình thức kỷ luật thích đáng với người vi phạm.

Theo Quốc Phòng - Văn Thịnh
CAND.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC