Không phải những người học lực giỏi với điểm số cao chót vót mà thực tế những người học kém, điểm số trung bình mới trở thành triệu phú, thay đổi thế giới.
Không phải những người học lực giỏi với điểm số cao chót vót mà thực tế những người học kém, điểm số trung bình mới trở thành triệu phú, thay đổi thế giới.
Khi còn bé ta vẫn được nghe lời khuyên cố gắng học giỏi, tốt nghiệp bằng đẹp để rồi sau này ra trường đời kiếm được nhiều tiền hơn, ai cũng biết thực tế chẳng phải vậy.
Thật tuyệt mỗi khi là học sinh giỏi nhất lớp, thậm chí giỏi nhất trường, được cả nghìn người ngưỡng mộ và thầy cô yêu quý. Chúng ta vẫn thường được nói là khi còn đi học hãy cố gắng học giỏi lên để rồi sau này ra trường kiếm được nhiều tiền.
Những người học giỏi, tốt nghiệp bằng đẹp khi ra trường luôn có những dấu mốc thành công đáng kể, họ làm việc cho những công ty, tổ chức lớn và có nguồn thu nhập khiến nhiều người thèm muốn.
Thật là một cuộc sống đáng mơ ước, phần thưởng xứng đáng cho những người chăm chỉ.
Nhưng!
Trong số này có bao nhiêu người có khả năng thay đổi thế giới? Làm cả thế giới bất ngờ?
Hay đơn giản là vào top những người giàu nhất nước/hành tinh.
Nghiên cứu mới đây của trường Đại học Boston là:
Chẳng có ai cả! thực tế những người học kém, điểm số trung bình mới trở thành triệu phú, thay đổi thế giới.
Thống kê của Đại học Boston với 700 triệu phú, tỷ phú Mỹ, họ thấy rằng điểm trung bình thời đi học của những người này chỉ ở mức trung bình.
Tất nhiên, không quá kém nhưng cũng chẳng giỏi chút nào, thành tích học tập của họ hầu như ai cũng có thể làm được (nếu có chút cố gắng).
"Có những người học giỏi nào sau này thay đổi thế giới, vận hành thế giới hay khiến cả thế giới bất ngờ? Câu trả lời dễ thôi: KHÔNG", Eric Barker, tác giả cuốn sách "sủa nhầm cây" nói khi đọc về nghiên cứu của trường Đại học Boston.
Barker cho rằng những sinh viên tốt nghiệp điểm cao dễ thành công ngoài trường đời, thế nhưng có rất ít trong số này tiến tới những ước mơ, thành công vĩ đại như nhiều người mong muốn.
Ngược lại, những sinh viên ngỗ nghịch, có kết quả học tập không cao lại có cơ hội làm giàu tốt hơn trong tương lai.
Theo Barker, có 2 lý do chủ yếu giải thích vấn đề trên.
1. "Trường học vinh danh những học sinh học, làm như một cái máy. Trường đời vinh danh những người làm chẳng giống ai"
Karen Arnold, nghiên cứu sinh tại Đại học Boston cho hay: "Thực tế là trường học thưởng điểm số cao cho những học sinh theo khuôn mẫu, học và làm việc như cái máy, những người luôn biết nghe lời và làm theo hệ thống".
Những học sinh ưu tú biết mình cần phải làm gì, chuẩn bị những gì để làm hài lòng thầy cô. Họ biết rằng thầy cô sẽ vui nếu như họ làm bài tập tốt, học tập chăm chỉ, tuân thủ đúng những gì nhà trường đề ra. Quan trọng hơn tất cả, họ làm điều đó một cách thường xuyên nhất.
Thế nhưng, hãy nhìn những người giàu có, thành công, thứ làm cho họ giàu có. Nó không tới từ sự giập khuôn, từ những thứ có sẵn.
Lấy ví dụ như Bill Gates đi, ông khai sáng kỉ nguyên máy tính cá nhân trong thời đại máy tính chỉ dành cho tổ chức hay chính phủ, ông làm điều đi ngược với lối tư duy bấy giờ và đem lại giải pháp chẳng ai nghĩ đến.
Barker gọi đây là lối tư duy thoáng (out-of-the-box), nếu cứ theo tư duy cũ và làm theo những gì được bảo, cả đời cũng chẳng giàu có, thành công.
"Trong trường học, những quy tắc rất rõ ràng. Trong trường đời, chẳng có quy tắc nào cả. Chính vì thế những người không tuân thủ quy tắc luôn là người có lợi thế hơn, họ chủ động hơn với mọi thứ", Barker nói.
2. "Trường học vinh danh những người biết mọi thứ trong khi trường đời thưởng cho những đam mê và những thứ rất riêng"
Barker giải thích, nếu như bạn thích một môn nào đó trong quá trình học, toán chẳng hạn, bạn không thể dành toàn bộ thời gian chỉ để học nó. Tới một thời điểm nhất định, bạn sẽ phải chuyển sang học cả những môn khác để chuẩn bị cho kì thi, được lên lớp.
Trường học vinh danh những người như thế, những người biết nhiều thứ nhưng chẳng chuyên sâu vào thứ gì. Họ tìm kiếm một người giỏi toàn diện, lờ mờ mỗi thứ một chút chứ không tuyên dương những cá nhân xuất sắc ở một lĩnh vực duy nhất.
Thế nhưng, trong thực tế, ở trường đời nếu cái gì cũng biết nông nông thì chỉ ngồi trà đá chém gió được thôi chứ chẳng làm đâu được.
Mỗi người cần biết rất rõ về một lĩnh vực nhất định, để toả sáng trong công việc, phát huy hết mình với những gì đã biết trong khi đó những kiến thức ngoài công việc ấy không còn quan trọng nữa.
Đây cũng là vấn đề với những học sinh thông minh, họ học rất tốt một lĩnh vực và muốn chuyên tâm vào lĩnh vực đó.
Thế nhưng những môn học khác khiến họ quay cuồng, chính vì lý do đó họ cho rằng hệ thống giáo dục đang quá thiên vị khi không tạo cơ hội cho những người thông minh được theo đuổi thứ họ thật sự đam mê.
Cuối buổi trò chuyện, Barker nói rằng:
"Những học sinh ưu tú sau khi ra trường thường trở thành những miếng ghép trong một bộ máy, người hỗ trợ cả hệ thống hoạt động. Thế nhưng, họ không phải là người điều khiển máy hay thậm chí là người sáng tạo nên cỗ máy ấy".
Kết
Những người học giỏi trong trường luôn là những người có tính cầu toàn cao, họ muốn làm hài lòng thầy cô, gia đình nên luôn o ép bản thân theo những quy tắc có sẵn.
Chính sự cầu toàn ấy khiến họ ngại va chạm, khó có cơ hội phát triển nhiều ở trường đời.
Trong một thế giới mà sự khác biệt, đột phá được đề cao, những người thành công là những người giải được các câu đố phức tạp, chẳng ai cần những người giập khuôn biết học thuộc lòng và làm những bài tập định sẵn.
Đây là thế giới của sự phá cách, của những người biết đối mặt với thử thách và làm những thứ chẳng ai dám làm.
Nguồn: TRÍ THỨC TRẺ