Mức chi phí thực tế để có tấm bằng tiến sỹ ở Việt Nam tùy theo ngành, ngành hot như kinh tế hơn 1 tỷ đồng, kém hot thì vài trăm triệu.
Đó là những thông tin được Tiền Phong đưa qua lời kể của một số nghiên cứu sinh (NCS).
Theo các NCS, nếu tính theo mức học phí qui định thì tổng chi phí cho một nghiên cứu sinh chỉ khoảng 50 triệu đồng, bằng 1/10- 1/20 so với chi phí thực tế.
Căn cứ thông báo về “Mức thu học phí đối với Nghiên cứu sinh và học viên Cao học năm học 2015 – 2016” do Học viện Khoa học Xã hội ban hành ngày 4/12/2015, học phí dành cho NCS là 1.525.000 đồng/ tháng/ học viên. Như vậy, học phí 1 năm là 15.250.000 đồng/ học viên, tổng cộng 3 năm nghiên cứu là 45.750.000 đồng.
Thế nhưng, để có được một tấm bằng tiến sỹ, không chỉ có học phí mà còn vô vàn các khoản chi tiêu phát sinh khác. Tuy nhiên, những năm gần đây, giá cả cũng đã hạ sốt hơn vì có nhiều trường chiêu sinh NCS.
Một giảng viên một trường đại học lớn ở Hà Nội kể: “Hôm trước tôi có nói chuyện với mấy đứa ngành kinh tế. Tôi hỏi chúng nó dạo này học TS kinh tế giá cả thế nào. Bọn chúng bảo, hạ giá rồi. Từ ngày trường đại học Nông nghiệp mở đào tạo TS Kinh tế nên hạ giá chỉ vài trăm triệu khi bảo vệ thôi”.
Khi hỏi về chi phí cụ thể, một người khác làm NCS ngành kinh tế cho biết, dường như không có mức chính thức vì còn nhiều khoản chi phí khác ngoài tiền bảo vệ luận án.
Thông thường, ai làm NCS mà là người của các trường đại học hoặc viện nghiên cứu thì thường cố xin để trở thành đề tài cấp Bộ để bù đắp kinh phí.
Tính sơ sơ, để trở thành tiến sỹ, theo qui định, một NCS phải có 3 chuyên đề, 2 hội thảo, 2 lần bảo vệ.
Bây giờ, một cái hội thảo mở rộng đã tốn khoảng 50 triệu đồng. Ngoài chi phí bảo vệ luận án, một NCS cũng phải lo chi phí cho Hội đồng chấm luận án.
Một hội đồng có 5-7 người với 2 hội đồng. Đó là chưa kể luận án Tiến sỹ còn phải trải qua một hội đồng phản biện kín.
Một tiến sỹ kể: “Hồi tôi bảo vệ, có một thầy ở TPHCM, tôi phải sáng bay vào gửi luận án và kinh phí cho thầy, chiều bay ra luôn. Chưa kể phải xin ý kiến của tối thiểu 20 người nữa. Nhiều khi còn bị gợi ý thuê người chụp ảnh, mua hoa...”
Đối với làm NCS ở nước ngoài, nếu không có học bổng mà học ở Anh hay Mỹ thì khoảng 1,5 tỷ- 2 tỷ/ năm, tùy trường. Thời gian học Tiến sỹ ở đây trung bình 4 năm. Còn học ở Thụy Điển hay Đức không mất học phí, nhưng mất tiền ăn ở, bảo hiểm, chừng 500 triệu/ năm, nhưng đầu vào và đầu ra cực kỳ khắt khe.
Ở Việt Nam, theo lời một tiến sỹ kinh tế kể: “Hồi tôi thi đầu vào NCS buồn cười lắm, chỉ tiêu 10 mà có 9 người thi, thế nên môn tiếng Anh được dặn là nếu không trả lời được thì phải chép lại câu hỏi để có lý do cho 5, thế mà có ông Hiệu phó ngồi sau mình còn không biết chép thế nào cứ phải chép từ bài mình ra”.
Bây giờ thì NCS không phải thi như thế nữa, mà nhà trường cho nợ đầu vào, khi nào trả xong chứng chỉ ngoại ngữ thì lấy bằng. Thậm chí, nhiều trường học viên chỉ cần đóng 2 triệu đồng thì điểm cao ngất ngưởng, còn không thì trượt.
Trong khi đó, ngày 24/4, trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - Quyền vụ trưởng Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Hiện nay, Cục Thông tin Khoa học và Công nghệ quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ đã thống kê ở Việt Nam đang có hơn 24.000 tiến sĩ.
Bộ GD&ĐT thống kê (năm 2015) có khoảng 15.000 tiến sĩ (bao gồm cả các giáo sư, phó giáo sư) công tác tại các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng".
Bên cạnh đó, trước câu chuyện chất lượng đào tạo tiến sĩ tại Học viện khoa học xã hội, theo bà Phụng, cảm giác bất an đối với chất lượng đào tạo tiến sĩ là ở cả hệ thống chứ không phải riêng trường nào.
Việt Nam tụt hậu 50 năm so với Thái Lan về công bố khoa học Theo thống kê Viện thông tin khoa học (ISI), trong 15 năm qua (1996-2011) Việt Nam mới có 13.172 ấn phẩm khoa học công bố trên các tập san quốc tế có bình duyệt, bằng khoảng một phần năm của Thái Lan (69.637), một phần sáu của Malaysia (75.530), và một phần mười của Singapore (126.881). Trong khi đó, Việt Nam hiện nay có khoảng 9.000 GS và PGS, 24.000 tiến sĩ và hơn 100.000 thạc sĩ mà số ấn phẩm khoa học của cả nước trong vòng 15 năm qua chưa bằng 1/5 số công bố của trường ĐH Tokyo và một nửa của trường ĐH quốc gia Singapore. |
Sơn Ca (Tổng hợp)