Huế phát hiện côn trùng nghi bọ xít hút máu ngườiNgày 29/6, chị Trần Thị Thu Sương ở đường Nguyễn Trãi, phường Tây Lộc, thành phố Huế, trong khi đang nghỉ trưa đã phát hiện 2 con côn trùng có hình dạng giống loài bọ xít hút máu người mà báo chí phản ánh đang bám ở vai phải chích đốt máu.

Hai vết đốt trên vai phải chị Sương cách nhau khoảng 2 cm; có cảm giác đau, sưng, ngứa và có dấu hiệu phù nề chung quanh vết đốt. Khi phát hiện, chị đã đánh chết 1 con; bắt 1 con nhốt vào lọ nhựa, đồng thời gọi điện đến các cơ quan liên quan xin tư vấn.

Sáng 1/7/2010, Trung tâm Phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tiếp cận với gia đình, khảo sát tình hình và thu thập con côn trùng hút máu bị bắt giữ, xử lý ban đầu, làm tiêu bản gửi ra Viện Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng - Côn trùng tại Hà Nội để xác định thành phần loài và khả năng vai trò truyền bệnh.

PGS. TS Nguyễn Văn Châu, chuyên gia về Côn trùng học & Bệnh lý học đầu ngành tại Viện này, sẽ tiến hành kiểm tra các mẫu tiêu bản bọ xít tại Huế và sẽ có kết quả cuối cùng vào cuối ngày hôm nay (2/7).

Theo thầy thuốc ưu tú, Bs Nguyễn Võ Hinh, GĐ Trung tâm phòng chống Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TT-Huế cho biết, 2 con bọ xít cắn chị Sương có hình dạng rất giống với loài bọ xít hút máu người được cho là xuất hiện tại Hà Nội.

Theo Bs Hinh, loại bọ xít hút máu người chỉ xuất hiện tại châu Mỹ là chính. Tuy nhiên, loại bọ xít này có tốc độ phát triển và di chuyển không nhanh nên dịch không thể bùng phát nhanh chóng. Vì vậy, người dân không nên hoang mang.

“Người dân khi ngủ phải bỏ màn kín, nếu phát hiện bọ xít, điều đầu tiên là tắt đèn. Sau đó dùng đèn pin soi vào kẽ tủ hay kẽ giường - là nơi bọ xít thường ẩn nấp. Bắt những con trưởng thành cùng với trứng, sau đó giết bằng tay hoặc bỏ vào bao nylon rồi thiêu cháy là được”, Bs Hinh khuyến cáo.

Theo DT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC