Từ tháng 3/2022, Việt Nam chính thức mở cửa du lịch sau thời gian "tạm đóng cửa" vì đại dịch, qua đó tạo điều kiện để khách quốc tế quay trở lại.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ Covid-19 khiến tổng lượng khách quốc tế tới Việt Nam trong năm 2022 chỉ đạt khoảng 3,6 triệu lượt. Trong khi thời điểm năm 2019 trước khi đại dịch xảy ra, khách nước ngoài đạt 18 triệu lượt.
Sonya, là một trong những nữ du khách dành nhiều tình cảm với Việt Nam (Ảnh: Sonya Firsova).
Và mới đây, Tổng cục Thống kê vừa phát hành niên giám thống kê 2022 với các số liệu liên quan tới tất cả các ngành nghề, lĩnh vực trong xã hội. Trong đó, nhiều số liệu liên quan tới ngành du lịch gây bất ngờ.
Đáng chú ý, du khách chi tiêu nhiều nhất khi tới Việt Nam du lịch không phải là nhóm khách đến từ Mỹ, châu Âu, hay các nước "giàu có" ở châu Á, mà lại là du khách của Philippines.
Cụ thể, khách đến từ quốc gia Đông Nam Á này đã tăng gấp đôi chi phí du lịch Việt Nam, từ mức 1.124 USD (năm 2017) lên mức 2.257 USD (năm 2019).
Trong khi đó, theo nguồn tin từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong tháng 6/2023, Việt Nam đón 975.010 khách quốc tế, tăng 6,4% so với tháng 5/2023. Trong đó, Philippines cũng là một trong các thị trường có lượng khách tăng so với cùng kỳ tháng trước (tăng 10%).
Khách Hàn Quốc mặc áo dài truyền thống, đội nón lá Việt Nam (Ảnh: Vietnamtourism).
Ở danh sách các nước chi tiêu nhiều, du khách Bỉ đứng vị trí thứ 2, chi tiêu trung bình 1.995 USD; du khách Mỹ (1.709 USD); du khách Australia (1.416 USD); du khách Đan Mạch (1.383 USD); du khách Na Uy (1.346 USD); du khách Hà Lan (1.317 USD); du khách Canada (1.315 USD); du khách Anh (1.212 USD); du khách Đức (1.283 USD).
Ở chiều ngược lại, trong danh sách của bảng thống kê, du khách Lào thuộc nhóm "chi tiêu ít nhất" với bình quân khoảng 343 USD/người. Danh sách này còn có du khách Nhật Bản (972 USD); Malaysia (900 USD); Trung Quốc (884 USD); Thái Lan (846 USD); Hàn Quốc (838 USD).
Bảng thống kê cũng đưa ra chi tiết các hạng mục chi tiêu của du khách trong thời gian ở Việt Nam, gồm tiền thuê phòng, chi phí ăn uống, đi lại, tham quan, mua sắm, dịch vụ y tế và một vài chi phí khác.
Trong đó, trung bình tiền thuê phòng khoảng 347 USD (năm 2019), thấp hơn trung bình năm 2017 là 360 USD; chi phí ăn uống năm 2019 là 251 USD so với năm 2017 là 263 USD; chi phí di chuyển đi lại năm 2019 là 184 USD so với năm 2017 là 179 USD; chi phí tham quan năm 2019 là 103 USD so với năm 2017 là 99 USD; mua sắm hàng hóa năm 2019 là 142 USD so với năm 2017 là 135 USD; dịch vụ y tế năm 2019 là 13 USD so với năm 2017 là 10 USD.
Khách nước ngoài trải nghiệm một phiên chợ tết ở Việt Nam (Ảnh: Công Bính).
Năm 2023, Việt Nam đặt mục tiêu đón 8 triệu khách quốc tế. Theo số liệu từ Tổng cục Du lịch Việt Nam, trong 6 tháng đầu năm nay, nước ta hiện đã đón khoảng 5,6 triệu lượt khách nước ngoài.
Trong đó, các thị trường khách nước ngoài lớn nhất gồm Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Mỹ, Malaysia, Nhật Bản, Singapore, Campuchia, Thái Lan và Australia.
Hàn Quốc hiện vẫn là thị trường đưa khách quốc tế vào Việt Nam nhiều nhất. Trong tháng 6/2023, khách Hàn Quốc tăng 15% so với cùng kỳ tháng trước, bằng gần 90% so với năm 2019 - thời điểm trước đại dịch Covid-19. Nếu tính 6 tháng đầu năm, số lượng du khách nước này đến Việt Nam cũng đứng ở vị trí đầu tiên, đạt 1,6 triệu lượt.
Hiện, khách quốc tế đến Việt Nam chủ yếu bằng đường hàng không, chiếm 86%; tiếp đó là đường bộ (hơn 13%).
Nguồn: Báo điện tử Dân trí