Không tổ chức HĐND quận, huyện, phường: Quyền lực giao cho ai?Ngày 9-10, ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nghe và cho ý kiến về đề án thực hiện thí điểm việc không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã. Các ủy viên UBTVQH đồng tình với việc thí điểm đề án song cũng nêu ra không ít băn khoăn.

Không để trống quyền lực

Theo ông Nguyễn Văn Thuận - Chủ nhiệm ủy ban Pháp luật của Quốc hội, chủ trương thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường là nhằm có kinh nghiệm thực tiễn để nghiên cứu tổ chức lại chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn bộ máy, khắc phục sự trùng lặp về chức năng, giảm cấp trung gian, góp phần phân định rõ trách nhiệm chính quyền các cấp trong hệ thống tổ chức bộ máy Nhà nước.

Việc tổ chức nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã là bước đi cần thiết, phù hợp với xu thế mở rộng dân chủ trực tiếp. Về cơ bản, UB Pháp luật tán thành với chủ trương này và nhất trí thí điểm ở một số địa phương.

Trưởng ban Công tác đại biểu của UBTVQH, ông Phạm Minh Tuyên cho rằng, mô hình hiện tại không còn phù hợp, thực tế phát sinh nhiều vướng mắc nên hoàn toàn có thể thí điểm trước khi áp dụng rộng rãi. Ông Phạm Minh Tuyên nói: “Tôi đi một số địa phương đều nhận được phản ánh là HĐND cấp huyện hoạt động mang tính hình thức và đúng là cần bỏ”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, ông Ksor Phước nhận định, không thể để trống quyền lực. “Không còn HĐND, UBND điều hành thế nào để đảm bảo quyền lợi của người dân? Phải có phương án thay thế hoàn hảo để giảm được tầng nấc trung gian song vẫn đưa chính quyền gần dân hơn, hoạt động hiệu quả hơn”.

Tuy nhiên, ông Phạm Minh Tuyên cho rằng, có thể bỏ HĐND quận, huyện, phường nhưng nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND không thể bỏ. Ông Phạm Minh Tuyên nói: “Không còn HĐND quận, huyện, phường, những vấn đề kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng... ở địa phương nên chuyển giao lại cho UBND cùng cấp, còn nhiệm vụ giám sát có thể giao cho cấp tỉnh”.

Về vấn đề này, ông Hà Văn Hiền - Chủ nhiệm ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại nêu ý kiến ngược lại: “Công việc thuộc chức trách của HĐND ở những nơi không còn HĐND sẽ phải có cấp quyết định song không nên chuyển giao cho UBND cùng cấp”.

Thí điểm bao lâu là đủ?

Nhiều ý kiến của các ủy viên UBTVQH tập trung quanh thời điểm và thời hạn thí điểm chủ trương không tổ chức HĐND quận, huyện, phường và người dân tự bầu Chủ tịch UBND cấp xã. Ông Phạm Minh Tuyên nêu câu hỏi: “Thí điểm tới 2011 có phù hợp không, bởi 5-2011 sẽ bầu lại HĐND các cấp”.

Ông Trần Thế Vượng - Trưởng ban Dân nguyện của UBTVQH cũng tỏ ra lo lắng với thời hạn năm 2011: “Sẽ có rất nhiều sự kiện chính trị lớn trong năm 2011, liệu chúng ta có đủ thời gian để chuẩn bị các văn bản pháp luật liên quan để định hướng tiếp tục cho vấn đề này?”.

Về thời gian thí điểm, ông Ksor Phước nói: “Thí điểm ngay từ năm 2009, nếu làm tốt thì hay song không biết có làm nổi không vì cập rập quá”. Trong khi đó, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, thời hạn thí điểm 2009-2011 là phù hợp và hoàn toàn có thể tổng kết, báo cáo với Quốc hội kết quả của việc thí điểm vào năm 2011.

Dân bầu Chủ tịch xã: Không đơn giản!

Theo ủy ban Pháp luật, một số ý kiến cho rằng phạm vi tổ chức thí điểm như dự thảo đề án là quá rộng (không tổ chức HĐND cấp quận, huyện, phường ở tất cả quận, huyện, phường của 10/63 tỉnh, thành, thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch UBND xã ở 39 tỉnh, thành/63 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương với 385/9.106 xã) nên có thể sẽ dẫn đến tình trạng cùng một lúc tồn tại nhiều mô hình chính quyền giữa các cấp chính quyền gây khó khăn trong triển khai chính sách trong đề án chưa đánh giá hết khó khăn gặp phải khi triển khai. Ông Hà Văn Hiền đề nghị, phạm vi thí điểm nên thu hẹp lại, chưa nên làm với tỷ lệ quá lớn.

Về vấn đề dân bầu Chủ tịch UBND xã, ông Phạm Minh Tuyên nhận định, không hề đơn giản. Theo ông Phạm Minh Tuyên, tình trạng cục bộ thôn ấp, yếu tố dòng họ ở các xã rất phức tạp. Hiện nay, bí thư, chủ tịch xã thường “rơi” vào thôn đông người. Một số thành viên UBTVQH còn đặt vấn đề, có nên giao quyền lực tuyệt đối ở địa phương cho Chủ tịch UBND xã hay vẫn phải đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ xã.

Ông Hà Văn Hiền cũng nhấn mạnh, đây là vấn đề khó: “Xã chỉ có 1 thôn còn dễ chứ từ 2 thôn trở lên là phức tạp bởi tính cục bộ làng xã hiện đang có xu hướng tăng lên. Sẽ khó khăn vì Chủ tịch xã ở trong thôn nào, dòng họ nào là nơi đó được nhờ. Muốn bầu trực tiếp có hiệu quả, phải thiết kế quy trình, thủ tục bầu để hạn chế bớt tình trạng này. Hợp lý nhất là nên bố trí MTTQ hiệp thương chọn ra người uy tín để người dân bầu”.

Theo Chính Trung
ANTD




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC