Khu rừng sắp bị cưa hạ tồn tại từ lâu đời, gắn liền không gian sống của người dân tộc Rai (Raglai) hàng trăm năm qua.
Dự án hồ chứa nước Ka Pét dung tích hơn 51 triệu m3 đã được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tổng vốn 874 tỷ đồng nhằm cung cấp nước cho nông nghiệp; khu công nghiệp, sinh hoạt, cải tạo môi trường và điều tiết nước vùng hạ du Hàm Thuận Nam.
Dự án lấy mặt bằng từ việc phá khu rừng tự nhiên rộng hơn 619 ha ở xã Mỹ Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam.
Hồ sẽ được xây tại khu rừng sau khu dân cư hiện hữu của xã Mỹ Thạnh, cách chừng 2 km, kéo dài lên hướng núi rừng huyện Tánh Linh.
Hiện khu rừng được hai chủ rừng (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét) quản lý, có sự chung tay bảo vệ của cộng đồng địa phương thông qua chính sách nhận khoán.
Anh Nguyễn Văn Quang, Trưởng trạm quản lý rừng Đèo Nam (thuộc Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pét), có hơn 12 năm bảo vệ rừng tại Mỹ Thạnh, thấy rất tiếc khi cả khu rừng bị cưa hạ.
“Đây là chủ trương của trên, chúng tôi chỉ biết chấp hành, thật sự mất rừng anh em chúng tôi buồn lắm”, anh Quang cho hay.
Trưởng trạm Nguyễn Văn Quang cùng anh Bao - người địa phương đứng cạnh cây lim đá trên 100 năm tuổi ở tiểu khu 252. Theo anh Quang, khu rừng này có rất nhiều loại gỗ quý, như: lim, cẩm, hương, trắc, căm xe, mun, bằng lăng.
"Ở đây cây rừng xanh tốt, xếp thẳng như mía. Mật độ che phủ cao, trữ lượng gỗ trong rừng rất lớn. Chúng tôi khẳng định đây không phải là rừng nghèo", trưởng trạm nói.
Cây dầu lớn trong rừng Mỹ Thạnh. Xung quanh đó là các cây tán bụi và tre phủ tán ở tầng thấp hơn, tạo nên một hệ sinh thái rừng đa dạng.
Nhờ tán rừng che phủ, vào mùa mưa, độ ẩm cao, nhiều loại nấm sinh trưởng mạnh. Đây là hai cây nấm mối mọc trong khu láng cây dầu có nhiều gò mối.Trong rừng này còn có nhiều loại nấm khác, như: lim xanh, linh chi, nấm dầu, nấm nghệ có giá trị kinh tế. Dân làng Mỹ Thạnh thường vào hái về dùng hoặc bán vào mỗi mùa mưa.
Rùa núi kiếm ăn trong rừng. Rừng xanh tốt tạo không khí trong lành, hình thành nhiều chuỗi thức ăn, là nơi nhiều loài động vật trú ngụ.
Người dân địa phương cho biết họ từng gặp nhiều loài động vật trong rừng như nai đỏ, khỉ, voọc, heo rừng, chồn hương, nhím, kỳ đà.
Đại bàng núi đang lượn trên vạt rừng Mỹ Thạnh để tìm gà rừng, chim và các loài thú nhỏ làm thức ăn sinh tồn.
Dòng suối Đá Bàn Nhỏ chảy qua giữa khu rừng thơ mộng. Nơi đây người dân địa phương thường đi xe máy vào du lịch dã ngoại, vui chơi trong mỗi dịp lễ, Tết.
Ba dòng suối có nước thường xuyên khu rừng này là: Bà Bích, Đá Bàn Lớn và Đá Bàn nhỏ. Theo thiết kế, một đoạn suối Bà Bích sẽ được ngăn ngăn đập, chặn dòng, để tích nước cho hồ chứa Ka Pét trong tương lai.
Căm xe mọc dày đặc ở khu vực rừng đặc dụng Núi Ông kề suối Bà Bích. Khu này còn có các loại cây có giá trị khác như: lim, hương, sao, mun, bằng lăng...
Một cây bằng lăng nằm trong tiểu khu 262, có thân cao hơn 30 m, gốc đường kính hơn 2 m, bốn người ôm không hết, sẽ bị cưa hạ để làm lòng hồ Ka Pét.
“Cây này ước hơn 200 năm tuổi, nhìn chung rừng ở đây còn rất đẹp và trữ lượng hẳn hơn bên Tánh Linh”, anh Nguyễn Ngọc Chiến, Trưởng trạm bảo vệ rừng Mỹ Thạnh (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông) cho biết.
Hàng ngày, tổ cơ động cùng kiểm lâm và lực lượng bảo vệ rừng của Trạm Mỹ Thạnh (Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông) đều tổ chức tuần tra, bảo vệ khu rừng sắp bị cưa hạ trước thông tin có một số nhóm đối tượng lăm le vào phá trước.
Hôm 29/8, anh em đi tuần, kết hợp kiểm tra tọa độ các vị trí sơn đỏ chuẩn bị cắm mốc đường ranh khu vực khai thác gỗ thuộc trạm quản lý.
Trong số 600 ha rừng tự nhiên sắp bị phá có 137 ha rừng đặc dụng của Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông. Rừng ở đây nhờ được bảo vệ nghiêm ngặt, ít bị con người tác động, trữ lượng gỗ còn rất lớn.
Khu rừng sẽ được bán đấu giá cho đơn vị khai thác gỗ. Theo quy định của Luật Lâm nghiệp, tỉnh Bình Thuận phải trồng lại hơn 1.844 ha ở những nơi khác để thay thể diện tích rừng bị mất. Điều này thực hiện theo nguyên tắc rừng thay thế phải được trồng lại gấp ba lần diện tích rừng tự nhiên bị chuyển mục đích sử dụng. Dự kiến tổng kinh phí trồng rừng thay thế khoảng 177 tỷ đồng.
Khu vực rừng bị phá bỏ để làm hồ thuỷ lợi. Đồ hoạ: Khánh Hoàng
Việt Quốc
VnExpress.net