Những gì đang diễn ra ở BOT Cai Lậy đang trở thành điểm nóng của dư luận xã hội, tài xế nhét tiền lẻ vào chai nhựa, tài xế khiêng hàng bịch tiền lẻ nặng trĩu đi mua vé cũng trở thành chuyện khiến cư dân mạng bàn tán, một anh tài xế điển trai có nụ cười thân thiện đi mua vé đứng đếm tiền lẻ chậm rãi cũng trở thành “hotboy tiền lẻ” được dân mạng săn lùng.
Và hài hước hơn cả là khi trạm BOT Cai Lậy bị thất thủ phải xả trạm vì tắc nghẽn, người dân đã đứng xếp hàng hai bên đường hoan hô từng chiếc xe đi qua với vẻ vui sướng như vừa giành thắng lợi.
Một “sự cố” trên tuyến giao thông huyết mạch ở miền Tây gây ra phiền toái cho chính những người tham gia giao thông và cả cơ quan quản lý nhà nước, đó là Sở GTVT Tiền Giang, ấy thế nhưng những tài xế- tác giả làm nên sự cố ấy không hậm hực, không bực tức.
Trái lại họ luôn nở nụ cười thân thiện, hòa nhã, chậm rãi đếm từng đồng tiền lẻ bằng một thái độ “ngoan không chê vào đâu được”.
Tất cả những hình ảnh này nói lên điều gì? Nó phản chiếu những triết lý sống của dân gian, “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, “mạt cưa mướp đắng” mà thôi.
Bởi cái trạm BOT Cai Lậy đó không đặt ở đường tránh mà chọn một vị trí đắc địa, ngay yết hầu, để thu cả phí của những người không đi vào đường tránh. Và kết quả là những tài xế bị dồn nén, bị o ép đã phải “chơi chiêu” để đối phó lại mà thôi.
Nhiều tài xế còn nhét tiền lẻ vào trong chai nhựa để việc mua vé mất thời gian hơn
Họ không hề vi phạm pháp luật, bởi họ dùng đồng tiền được Nhà nước cho phép lưu hành, một sự tuân thủ nhún nhường, hòa nhã quá mức để bày tỏ chính kiến trước sự bất hợp lý của trạm BOT, vậy thì chẳng ai có quyền xử phạt họ hay gây khó dễ cho họ.
Nếu có trách, thì trạm BOT Cai Lậy và những người đã chọn vị trí để đặt cái trạm ấy nên trách mình trước tiên, bởi họ không thể dùng bất cứ quyền lực nào để ép người dân, nếu đặt ra một chính sách không hợp tình, hợp lý.
Khi người dân tìm được cách “hóa giải” bài toán mà các chính sách chưa hợp lý đặt ra trong một trạng thái tâm lý nhã nhặn, hòa bình và hợp pháp như kiểu “khiêng tiền lẻ đi mua vé” này, thì các cơ quan quản lý cần phải vào cuộc giải quyết thấu tình đạt lý.
Liên tiếp trong 2 ngày 13 và 14/8, trạm BOT Cai Lậy đã phải “xả trạm” vì không thể trụ được trước cảnh ách tắc kéo dài nhiều cây số, trong khi rất nhiều tài xế vẫn mỉm cười và kiên nhẫn xách hàng bịch tiền lẻ đứng mua vé qua trạm một cách nhẩn nha.
Thậm chí có nhiều tài xế ở các nơi khác còn rủ nhau đi sưu tầm tiền lẻ để đổi cho các tài xế đi qua trạm BOT Cai Lậy. Đã xác định một cuộc chơi hòa bình và sẵn lòng chơi lâu dài như thế, nghĩa là họ rất tin họ đúng: Không đi đường BOT làm sao phải trả tiền cho BOT?
Đã có nhiều cuộc họp được đưa ra để bàn giải pháp cho trạm BOT Cai Lậy, trong khi các nhà quản lý còn đang lúng túng chưa tìm ra cách để “hóa giải” chiêu “tiền lẻ đại pháp” của cánh tài xế thì chắc chắn ngày mai, ngày kia, cuộc đấu trí này vẫn còn tiếp diễn.
Bộ GTVT nên nhìn từ bài học của các trạm BOT như Bến Thủy, Cai Lậy mà điều chỉnh lại quy hoạch các điểm đặt trạm BOT sao cho hợp lý, đừng để các doanh nghiệp dựa thế vào các hợp đồng đã ký để đưa người dân vào “sự đã rồi”.
Ông bà ta có câu “nói phải củ cải cũng nghe”, người dân sẽ không bao giờ phải tìm cách đấu lý, đấu trí nếu họ không bị BOT o ép.
Mọi chính sách khi đi vào đời sống, được người dân chấp nhận đều phải trải qua những đợt “lửa thử vàng”. Điều chỉnh những chính sách chưa hợp lý để có được lòng dân, đó mới chính là điều mà người dân cần ở các nhà quản lý.
Nguồn: Mi An
Báo Đất Việt