Kiểm soát thu nhập cá nhân ở Việt Nam chúng ta là việc khó hơn mò kim đáy bể khi hệ thống pháp luật còn khập khiễng, khi ý thức pháp luật của người dân chưa cao, khi cơ quan thuế còn mang nặng phong cách xin - cho.
Luật thuế thu nhập cá nhân sắp có hiệu lực, thông tư 84 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành luật thuế này đã được hoàn tất. Có vẻ như cơ quan này đã trút được gánh nặng với nhân gian khi chữ ký đã lên mực và con dấu đỏ đã được đóng.
Nhớ lại luật thuế này từ khi "thụ thai" cho đến khi được ra đời, đặt tên đã trải qua nhiều bão tố, nghị trường tranh luận sục sôi, các chuyên gia phản biện gay gắt, nhân dân vừa ngao ngán vừa cười mỉm, cho dù còn nhiều ngổn ngang tranh cãi nhưng nó vẫn phải được ra đời. Để hội nhập với cuộc chơi toàn cầu, với sự ràng buộc của các định chế WTO, luật thuế này hình như Việt Nam không thể không có.
Chỉ còn 2 tháng nữa luật thuế thu nhập cá nhân được áp dụng, nhưng hiện nay nộp thuế vẫn là nỗi đoạn trường xem ra chưa có hồi kết.
Một công ty tư nhân thành lập ngay giữa Thủ đô Hà Nội, kể từ khi có được giấy chứng nhận mã số thuế đến khi hoàn thành thủ tục được đóng thuế, mua được hóa đơn tại 1 chi cục thuế là cả một chặng đường gian nan, mà thời gian xin đừng tính bằng tuần mà phải bằng tháng.
Đến công đoạn hàng tháng nộp báo cáo thuế, nộp tiền thuế mới thật là cơ khổ. Nếu ai không tin, xin mời vào ngày từ 25 hàng tháng ghé qua các chi cục thuế để tường minh, người xếp hàng chen chúc chật như nêm cối.
Tiền thân của luật thuế thu nhập cá nhân là pháp lệnh thuế thu nhập cao mà qua thực tế áp dụng nhiều năm, pháp lệnh này đã đầy rẫy những bất cập khi thực thi. Rõ nét nhất là nó bỏ ngỏ một số lượng lớn các đối tượng có thu nhập cao thực sự, mà chủ yếu nhằm vào các đối tượng thu nhập tầm tầm bậc trung và cũng chỉ trông chờ vào sự tự giác của người trả lương nghiêm túc với pháp luật, đó chính là các tổ chức, các công ty nước ngoài.
Còn hầu hết các đối tượng nội địa khác với thu nhập “lèm nhèm” hàng trăm triệu, hàng tỷ đồng 1 tháng thì có thể nói chưa từng có mã số thuế cá nhân chứ đừng nói đóng thuế.
Chưa biết ngành thuế sẽ làm thế nào sắp tới khi mà thời gian đã cận kề, nhưng chỉ nhìn vào cung cách tổ chức, thái độ và nhân lực của ngành thuế hiện nay thì dù có lạc quan đến đâu cũng không thể tin rằng ngành thuế đủ năng lực làm một việc đơn giản là tiếp nhận được người đến nộp thuế khi mà hiện tại đã quá tải.
Còn vấn đề kiểm soát được các đối tượng chịu thuế sao cho bình đẳng, triệt để và minh bạch khi mà số lượng sẽ tăng lên nhiều lần mới thực sự là bài toán chưa có lời giải.
Kiểm soát thu nhập cá nhân ở Việt Nam chúng ta là việc khó hơn mò kim đáy bể khi hệ thống pháp luật còn khập khiễng, khi ý thức pháp luật của người dân chưa cao, khi cơ quan thuế còn mang nặng phong cách xin - cho.
Đơn cử như việc minh bạch tài sản, việc kiểm soát tiền mặt còn nhiều lỗ hổng như hiện nay thì chắc hẳn khó lòng minh bạch, công khai thu nhập.
Nghe đâu ngành thuế muốn dùng đòn bẩy là qui trách nhiệm cho người trả lương, trả công để dễ bề thu từ gốc. Đây là cách làm đã mang lại hiệu quả trước đây, nhưng nó không phải là cứu cánh cả về lý và tình, trách nhiệm quản lý và thu thuế là của Nhà nước, không cớ gì khoác lên vai người trả lương, hơn nữa các ông chủ “Tây” đến từ xứ sở văn minh trước ta, họ thượng tôn pháp luật, họ trọng danh dự, họ không giả dối nên họ trả lương đúng và đóng thuế đúng cho nhân viên của họ.
Còn đối với khu vực quốc nội, lấy gì đảm bảo rằng không gây nên hệ lụy và sự rối ren khi chủ doanh nghiệp và người lao động sẵn sàng thỏa hiệp để hạ bớt mức thu nhập, có lợi cho cả 2. Còn khu vực kinh doanh cá thể thì có thể nói chỉ trông chờ vào sự tự giác của người đóng thuế, mà đức tính này ở ta còn là quí hiếm. Kèm theo nữa là chiết trừ gia cảnh, là những hóa đơn học hành, chữa bệnh .v.v…sẽ vô cùng phức tạp.
Khi mà việc tổ chức thực thi pháp luật còn bối rối, còn quá nhiều lỗ hổng như vậy là cơ hội cho những cán bộ nhũng nhiễu nhân dân, bởi sự đúng sai không có công cụ kiểm soát thực sự hữu hiệu.
Hòa Minh Tân