Dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 317.000 tỉ đồng nhưng tổng chi tới hơn 370.000 tỉ đồng.

 

Ngày 9/5, tại bản báo cáo tình hình công tác tháng 4/2016 của Bộ Tài chính cho thấy, cân đối thu - chi ngân sách ngày càng khó khăn.

Dù tổng thu cân đối ngân sách nhà nước 4 tháng đầu năm ước đạt 317.000 tỉ đồng nhưng tổng chi tới hơn 370.000 tỉ đồng.

Lại tiêu nhiều hơn thu: Cái khó của Việt Nam - 0Cụ thể, về số thu gồm thu nội địa 4 tháng qua ước đạt gần 265.000 tỉ đồng, tăng 9,6% so với cùng kỳ năm 2015.

Tuy nhiên, số thu từ dầu thô và từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm đáng kể khi mức đạt lần lượt khoảng 13.000 tỉ đồng và 39.000 tỉ đồng.

Đáng quan tâm nhất là số thu từ hoạt động xuất nhập khẩu chỉ bằng 22,6% dự toán, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2015.

Trong khi đó, về tổng chi ngân sách trong 4 tháng đầu năm, các khoản chi đều tăng so với năm ngoái với tổng mức chi là hơn 370.000 tỉ đồng.

Số chi đầu tư phát triển khoảng 57.000 tỉ đồng, tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2015.

Số tiền chi trả nợ và viện trợ gần bằng với chi đầu tư phát triển khi đạt 52.000 tỉ đồng, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm 2015.

Còn chi phát triển các sự nghiệp kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính ước khoảng 261.000 tỉ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Cái khó của Việt Nam là

Trong khi đó, báo cáo về tình hình kinh tế vĩ mô trong quý I/2016 của Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) lại cho thấy, tăng trưởng kinh tế trong quý I dù thấp nhưng tỉ lệ thu ngân sách lại tăng nhanh.

Cụ thể, báo cáo cho biết, tăng trưởng Quý I/2016 chỉ đạt 5,46%, thấp hơn so với kỳ vọng và có xu hướng tăng trưởng chậm lại. Trong khi đó, thu ngân sách Nhà nước (NSNN) đạt 27,1% GDP bằng 22,7% dự toán cả năm 2016, cao hơn so với các quý của liền kề năm 2015 và cao hơn so với cùng kỳ các năm 2010 - 2014.

Mặc dù ngân sách thu cao nhưng giới chuyên môn vẫn nhận định khả năng cân đối thu - chi ngân sách ngày càng khó khăn.

Chỉ rõ nguyên nhân, TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) nói thẳng "vấn đề của Việt Nam là tinh giản bộ máy".

Theo ông Thành, vấn đề thu chi ngân sách, dẫn tới tăng nợ lên, đó là vòng xoáy mà lõi của vấn đề, không phải chỉ vừa diễn ra, mà trong vài năm gần đây rồi. Nguyên nhân nằm ở mô hình quản lý, cách quản lý trách nhiệm của địa phương và trung ương trong các khoản chi tiêu. Đây là gánh nặng thực sự lớn và để làm được thì phải tiết chế chi tiêu thường xuyên.

"Vì hai khoản chi là đầu tư xây dựng cơ bản, đầu tư công, cho trung ương và khoản chi cho lương bình thường, chạy cho bộ máy, thì việc cắt giảm chi tiêu thường xuyên vẫn còn khó khăn, bởi liên quan đến hoạt động con người liên quan đến bộ máy.

Bản thân tự Chính phủ cũng cảm thấy là khó, hay nói chính xác là phải "đau đớn" khi cắt giảm cái này. Thế nhưng, chính vì chúng ta dễ dãi quá trong quá khứ nên ta phải cắt giảm trong hiện tại thôi. Tất nhiên không cắt giảm đột ngột mà phải có khuynh hướng, chất lượng và cương quyết.

Nếu không làm được điều này thì ta sẽ liên tục thâm hụt và không chỉ thâm hụt ngân sách mà nó còn đâm thủng toàn bộ chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Hy vọng thời gian tới, nền kinh tế sẽ phục hồi không chỉ trong năm nay mà cả trong những năm tiếp theo, từ đó giúp ta cải thiện nguồn thu, giúp hỗ trợ và cứu ngân sách tốt hơn. Song điều này sẽ chưa đến ngay trong năm nay", ông Thành nói

An An (tổng hợp)/ Baodatviet




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC