Phụ nữ chưa kết hôn xuất ngoại lấy chồng đã đành, phụ nữ có gia đình cũng đùng đùng viết đơn ly hôn, bỏ chồng bỏ con để kiếm tìm hạnh phúc mới nơi đất khách. Đó là thực tế đang diễn ra ở làng Tiểu Bàng, xã Bàng La, Kiến Thụy, Hải Phòng.
Đến thời điểm này, làng Tiểu Bàng, xã Bàng La, Kiến Thụy, Hải Phòng đã có 84 cô gái ở mọi lứa tuổi lấy chồng ngoại, từ đầu năm đến nay đã có 21 cô xuất ngoại thành công, con số này đang có chiều hướng gia tăng. Đây cũng chính là nguồn gốc bi kịch của những cuộc hôn nhân như "đánh bạc" đó, họ cũng khổ và bi kịch không kém phần. Để rồi, người đàn ông đã khổ sở như thế nào khi làm chức trách người vợ nơi quê nhà.
Những cuộc ly hôn bất thường
Chợ làng Bàng La hiện lên không sầm uất như xưa nữa, nghèo nàn y như những người đi chợ vậy. Mức sống của người dân nơi đây càng cao, thì hàng quán càng nhiều, nhưng chợ lại thưa thớt đi vì làng đã dần vắng bóng đàn bà nên chợ cũng không còn nhộn nhịp. Cư dân đi chợ chủ yếu là đàn ông nhiều hơn.
Người đàn ông tên Nguyễn Văn Thuyết (xin đổi tên) ấy, buổi chợ nào cũng thế, anh dậy từ rất sớm, mua đồ ăn cho con cái ăn sáng, rồi ra chợ. Anh Thuyết vẫn đi lầm lũi, cò kè từ nắm rau con cá, làm sao cho tiết kiệm nhất để đảm bảo cuộc sống lâu dài. Trong nhà, đồ đạc không có gì đắt giá ngoài cái ti vi, tủ lạnh và đồ đạc trẻ con bày la liệt như một bãi chiến trường không được thu dọn. Anh lấy chai rượu trắng hớp một ngụm rồi bảo: "Thì đó, "nàm" chi có chuyện ngược đời như tôi đâu. Vợ đẹp con ngoan, đang yên lành thì đòi ly hôn và "giải quyết" cho cô ấy xuất ngoại".
Do mâu thuẫn nhỏ, nhưng họ ly hôn một cách chóng vánh, gần đây vợ anh được một công ty môi giới cô dâu Việt giới thiệu cho một ông chồng Đài Loan hơn chị tới 25 tuổi. Ông ấy đến và cho chị 50 triệu đồng coi như phần góp cho anh để nuôi con và chị đã "theo chồng" với văn bản pháp lý đúng quy định. Anh Thuyết bảo, chưa biết rồi cuộc sống của anh và gia đình, đặc biệt là người vợ chưa rõ tung tích nơi xứ lạ sẽ ra sao?
Bà M. có 3 cô con gái lớn, có đứa đang học dở đại học cũng bị gọi về để "xuất giá". Cô con gái về phản đối quyết liệt liền bị đuổi ra khỏi nhà và cắt đứt mọi nguồn tài trợ. Thế là cô phải nghe theo lời cha mẹ, nước mắt ngắn, nước mắt dài theo ông chồng ngoại bằng tuổi bố mình lên máy bay trước sự tiễn đưa của bạn bè thân thiết từ trên Hà Nội về.
Sau chuyện này nhiều người bất bình với bậc phụ huynh trên. Nhưng bản thân các bậc phụ huynh ấy thì cho rằng đó là cách an bài đẹp đẽ nhất. Họ đâu biết rằng, hạnh phúc của con mình sẽ ra sao?
Hay trường hợp đôi vợ chồng anh
Nhưng cũng có trường hợp nhiều cô vợ trẻ, con cái đề huề. Trước cuộc sống khốn khó của gia đình, lại thấy các chị em ăn sung mặc sướng trước viễn cảnh chồng ngoại thì nổi máu ghen. Tìm đủ nguyên nhân để bỏ chồng, bỏ con đi theo tiếng gọi tình và tiền bên kia biên giới. Để rồi, đằng sau những cuộc ly hôn với ông chồng nội đó, nước mắt của những đứa con cứ lăn mãi không cạn.
Hiện nay, một hiện tượng rất báo động là ở Hải Phòng, một số làng có khá nhiều chị em phụ nữ lấy chồng ngoại đang để lại nhiều vấn đề làm đau đầu chính quyền địa phương như tỷ lệ giới tính quá chênh lệch.
Thế nhưng, có một điều đau lòng đang đến. Đó là khi chị em xuất ngoại, kiếm lại một món tiền lớn cho gia đình. Cũng vì thế, kinh tế trong làng điển hình như Làng Cồn ở huyện Thủy Nguyên, làng Tiểu Bàng, Điện Biên… ở huyện Kiến Thụy lên cao, người dân nơi đây tỏ ra ăn chơi. Đặc biệt là tầng lớp thanh thiếu niên bị ảnh hưởng rất nặng.
Một xã có gần 60 phụ nữ lấy chồng ngoại?
Bản thân chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với bà Nguyễn Thị Vân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bàng La, một địa phương có nhiều phụ nữ lấy chồng là người nước ngoài xảy ra nhiều nhất trong thời gian qua. Và cũng là nơi duy nhất nhận ra điều hơn lẽ thiệt của việc gái làng săn tìm chồng ngoại.
Bà Vân cho biết: "Bàng La có số phụ nữ chiếm đến hơn 50%, tức là 2472 chị em ở độ tuổi trưởng thành trong số 4.307 nữ. Trong mấy tháng trở lại đây, xã Bàng La đã có gần 60 phụ nữ lấy chồng nước ngoài. Hơn nữa, tỷ lệ trên tiếp tục gia tăng trong những ngày tới".
Sở Tư pháp nhờ tư vấn và niêm yết danh sách để quản lý. Nhưng xem ra đó cũng là việc làm "cưỡi ngựa xem hoa", không có tác dụng gì mấy. Do trình độ dân trí thấp, cộng với người dân không có công ăn việc làm, thu nhập không đủ để trang trải nợ nần nên họ buộc phải xúi giục con cái ra đi...
Theo Thành Văn
CANDOL.