Lương hưu tăng của tháng 7 trả vào tháng 8; Bộ Tài chính đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ... là những thông tin đáng chú ý tuần qua.
Công bố vi phạm, đề nghị kiểm điểm lãnh đạo EVN, PVN, TKV về việc cấp điện
Sáng 12/7, Bộ Công Thương đã chính thức công bố kết luận thanh tra chuyên ngành về cung ứng điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các đơn vị có liên quan như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp than - khoáng sản Việt Nam, cùng các đơn vị của Bộ Công Thương liên quan đến cung cấp điện.
Theo kết luận thanh tra của Bộ Công Thương, đã có nhiều vi phạm liên quan đến việc cung ứng điện của EVN và các đơn vị liên quan. |
Cụ thể, EVN đã chậm đầu tư, hoàn thành nguồn và lưới điện; chậm khắc phục sự cố tổ máy của một số nhà máy nhiệt điện làm giảm khả năng cung cấp điện; không chấp hành nghiêm Chỉ thị số 29/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các quyết định, chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về kế hoạch cung ứng điện, biểu đồ cung cấp nhiên liệu cho sản xuất điện làm bị động trong việc chuẩn bị nguồn điện, giảm dự phòng an ninh năng lượng.
Cùng với đó, việc điều độ, vận hành hệ thống điện mất cân đối trong huy động các loại hình nguồn điện trong nhiều thời điểm và có vi phạm trong chỉ đạo, điều hành, lập lịch, điều độ vận hành hệ thống điện quốc gia mùa khô năm 2023.
Đặc biệt, EVN đã để gián đoạn cung ứng điện trên diện rộng, đặc biệt khu vực miền Bắc từ nửa cuối tháng 5 đến trung tuần tháng 6 năm 2023, cắt điện đột ngột, không báo trước, gây bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, hoạt động sản xuất - kinh doanh và môi trường thu hút đầu tư.
Liên quan đến việc cung ứng điện, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) căn cứ kết luận thanh tra, chỉ đạo Tổng Công ty Điện lực - TKV, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power) tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm và xử lý hoặc kiến nghị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với tập thể, cá nhân vi phạm có liên quan.
Chuyển công an điều tra hồ sơ có dấu hiệu trốn thuế khi bán cổ phần
Cục Thuế TPHCM vừa có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an TPHCM chuyển vụ việc có dấu hiệu trốn thuế để xác minh, điều tra theo thẩm quyền. Cụ thể, qua công tác giải quyết đơn tố cáo của công dân, Cục Thuế TPHCM thấy có dấu hiệu của hành vi trốn thuế với số tiền lớn.
Trước đó, Cục Thuế TPHCM nhận được văn bản tố cáo và đơn tự thú ông P.T.C. (ngụ TP.Thủ Đức, TPHCM) chuyển đến từ Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TPHCM, tố cáo 5 thành viên góp vốn tại Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường (trong đó có ông C.) đã góp khống số vốn điều lệ đăng ký tăng thêm 150 tỷ đồng theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đăng ký thay đổi lần thứ 18, ngày 8/3/2017. Từ đó, khai tăng khống chi phí giá vốn của phần vốn chuyển nhượng cho Công ty CP Rạng Đông và Công ty TNHH Xây dựng Cơ bản Rạng Đông vào tháng 7/2017 để trốn thuế thu nhập cá nhân.
Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường là một trong hàng chục doanh nghiệp nằm trong hệ sinh thái của Tập đoàn Rạng Đông. |
Cục Thuế TPHCM xác minh, theo bản sao kê tài khoản số 0181002124580 của Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường mở tại Vietcombank thì trong tháng 3/2017, Tân Quang Cường đã nhận được 150 tỷ đồng tiền góp tăng vốn điều lệ theo 7 phiếu báo có của ngân hàng. Tuy nhiên, sau khi nhận được tiền góp vốn tăng thêm 150 tỷ đồng thì Tân Quang Cường đã rút ra bằng tiền mặt.
Theo bản sao kê tài khoản số 0181002120627 của cá nhân bà Nguyễn Thị Hồng Dung mở tại Vietcombank thì tài khoản này có nhận được khoản tiền 150 tỷ đồng, phát sinh cùng thời điểm Công ty TNHH Thương mại Tân Quang Cường rút tiền mặt từ tài khoản số 0181002124580.
Lương hưu tăng của tháng 7 trả vào tháng 8
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) vừa có văn bản trả lời Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam liên quan tới điều chỉnh kỳ chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng của tháng 8 để phù hợp với ngày quy định về tăng lương có hiệu lực.
Có thể lùi ngày trả lương hưu, trợ cấp hằng tháng của tháng 8 để trả cả phần lương tăng thêm từ tháng 7 (Ảnh minh họa). |
Cụ thể, BHXH Việt Nam đề xuất Bộ LĐ-TB&XH thống nhất với việc lùi ngày chi trả lương hưu, trợ cấp của tháng 8/2023. Theo phương án này, kỳ trả lương hưu tháng 8 sẽ thực hiện vào ngày 14/8 (ngày Nghị định 42/2023 về tăng lương hưu có hiệu lực); đồng thời trả cả phần lương hưu tăng thêm của tháng 7 vào cùng kỳ chi trả này mà người hưởng chế độ chưa được nhận.
Việc chi trả lương hưu tháng 8 phải điều chỉnh, do theo thông lệ, việc trả lương hưu được thực hiện vào ngày mùng 5 hằng tháng. Tuy nhiên, Nghị định 42 về tăng lương hưu và trợ cấp hằng tháng phải tới ngày 14/8 mới có hiệu lực, dù việc tăng lương hưu được áp dụng tính từ ngày 1/7. Do chờ quy định có hiệu lực và văn bản hướng dẫn, tại kỳ trả lương tháng 7, phần lương hưu tăng thêm vẫn chưa được chi. Nếu vẫn áp dụng thông lệ trên, phần lương hưu tăng thêm của tháng 7, 8 phải tháng 9 mới được nhận.
Bộ Tài chính đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ
Ngày 13/7, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị sơ kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm.
Tại hội nghị, Bộ Tài chính cho biết, tổng doanh thu phí bảo hiểm 6 tháng ước đạt 117.000 tỷ đồng, giảm 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp bảo hiểm có tổng tài sản 868.700 tỷ đồng, đầu tư trở lại nền kinh tế đạt 725.100 tỷ đồng, chi trả quyền lợi bảo hiểm ước đạt 35.700 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đang thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. (Ảnh: Mộc Liên). |
Trao đổi với Tiền Phong, đại diện Bộ Tài chính cho biết, từ tháng 7 đã bắt đầu thanh tra 10 doanh nghiệp bảo hiểm. Được biết, với doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, nội dung thanh tra tương tự với 4 doanh nghiệp công bố kết luận thanh tra trước đó.
“Quan điểm của Bộ Tài chính sẽ kiên quyết xử lý trường hợp sai phạm trong lĩnh vực bảo hiểm. Theo quy định, quá trình thanh tra chưa công bố tên của doanh nghiệp thanh tra. Sau khi có kết luận thanh tra, Bộ Tài chính sẽ công bố cụ thể”, đại diện Bộ Tài chính nói.
Vụ hủy gói thầu hơn 220 tỷ áp tiêu chí 'tào lao': Chủ đầu tư nóng vội, nhà thầu trượt oan?
Ban Quản lý dự án phát triển cơ sở hạ tầng du lịch hỗ trợ tăng trưởng toàn diện khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, giai đoạn 2 - Tiểu dự án tỉnh Quảng Bình mở Gói thầu số 15 (TIIGP2-VIE-W04) Cải thiện tiếp cận đường bộ và đường sông Nhật Lệ - Long Đại với sự tham gia của 3 nhà thầu.
Gói thầu có giá hơn 220 tỷ đồng, sử dụng vốn tài trợ của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Trong đó, giá dự thầu của Liên danh Tổng công ty 319 - Công ty CP Xây lắp và Thương mại An Bảo là hơn 199 tỷ đồng; Công ty CP 471 là hơn 200 tỷ đồng; Liên danh Công ty CP Giao thông xây dựng số 1 - Công ty CP Đầu tư xây dựng thương mại Miseco là 220 tỷ đồng.
Gói thầu nhằm cải thiện hạ tầng du lịch sông Nhật Lệ - Long Đại |
Ngày 5/7, Chủ đầu tư là Sở Du lịch Quảng Bình ra Quyết định hủy thầu với lý do: Hồ sơ dự thầu của tất cả các nhà thầu không đáp ứng yêu cầu của Hồ sơ mời thầu (theo quy định tại Khoản 1 Điều 17 Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 ngày 26/11/2013 và Điều 92 Quy chế đấu thầu ADB 2017).
Lý do cụ thể được nêu tại Thư không phản đối ngày 30/6 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) do “không có nhà thầu nào trong ba nhà thầu đáp ứng yêu cầu tại tiêu chí EQC 2.5.2: Kinh nghiệm xây dựng trong các hoạt động chính”: “Thi công tu bổ, phục hồi công trình đường bậc cấp đi bộ lên núi cao lớn hơn hoặc bằng 250m, mặt đường lát đá tự nhiên diện tích lớn hơn hoặc bằng 2.000m2”.
Biến động nhân sự cấp cao tại Novaland và DIG Group
Tập đoàn Novaland (mã chứng khoán: NVL) vừa công bố ứng viên thành viên Hội đồng quản trị độc lập nhiệm kỳ 2021 - 2026 là ông Hoàng Đức Hùng. Hiện tại, ông Hùng không nắm giữ chức vụ tại Tập đoàn Novaland.
Theo giới thiệu, ông Hoàng Đức Hùng (50 tuổi) là thạc sĩ tài chính quốc tế.
Tổng công ty CP Đầu tư Phát triển Xây dựng (DIC Group - mã chứng khoán: DIG) vừa công bố thông tin về việc nhận được đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên Hội đồng quản trị của ông Hoàng Văn Tăng.
Ông Hoàng Văn Tăng. |
Theo tài liệu đại hội cổ đông lần 1 ngày 28/6 của DIC Group, ông Tăng cũng không có tên trong danh sách ứng cử viên Hội đồng quản trị công ty nhiệm kỳ 2023-2027.
Ngân hàng 4 lần điều chỉnh lãi suất, người vay 'nhẹ gánh' trả nợ
Tại Hội nghị sơ kết hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm, ngày 15/7, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngành ngân hàng nửa đầu năm nay đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động ngân hàng cũng tồn tại những khó khăn, do nguyên nhân cả chủ quan lẫn khách quan, như nợ xấu gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.
Đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,49 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022.
Về kết quả điều hành chính sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất với mức giảm 0,5-2%/năm. Đến cuối tháng 6/2023, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của các giao dịch phát sinh mới bằng Việt Nam đồng của các ngân hàng thương mại giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022. Các ngân hàng thương mại điều chỉnh và triển khai chương trình, gói tín dụng ưu đãi để giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-3%/năm tùy đối tượng khách hàng với các khoản vay mới.
Nắng nóng gay gắt, tiêu thụ điện tăng chóng mặt
Theo Cục Điều tiết điện lực, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng tiêu thụ trung bình ngày của miền Bắc những ngày qua tăng 104%, công suất đỉnh lớn nhất là 103%. Nắng nóng kéo dài cũng khiến điện sử dụng trên toàn quốc lên tới 920,7 triệu kWh, tăng 39,9 triệu kWh/ngày so với tuần trước đó.
“Công suất cực đại của hệ thống điện trong tuần đạt 45.474 MW, cao nhất từ đầu năm đến nay. Các kỷ lục trong năm về sản lượng và công suất cực đại liên tục bị xô đổ và thiết lập các kỷ lục mới”, Cục Điều tiết điện lực cho hay.
Để đảm bảo cho việc cấp điện, cơ quan quản lý đã huy động tối đa các nguồn khả dụng, bao gồm cả điện nhập khẩu với mức tăng 3,59%, trung bình ngày đạt 875,6 triệu kWh.
Phạm Duy
báo điện tử Tiền Phong