Trên "Chuyến xe mùa xuân" hầu hết là sinh viên và người lao động khó khăn, nhiều năm chưa về quê đón Tết (Ảnh: Xuân Trường).
Vé xe Tết bằng cả tháng tiền trọ
Bà Nguyễn Thị Như Tuyết (53 tuổi, quê Quảng Ngãi) mừng tủi xách hành lý lên chuyến xe nghĩa tình về quê đón Tết Nguyên đán 2024 bên gia đình.
Sát ngày Tết ông Công, hôm nay bà Tuyết dậy từ 4h, khệ nệ kéo vali, đeo balo,... đến tập trung ở Nhà văn hóa Thanh niên trên địa bàn phường Bến Nghé, quận 1, TPHCM để lên xe về quê đón Tết.
"Đợt Tết, tiền vé xe về quê đắt đỏ, bằng cả tháng tiền ở trọ nên tôi tính không về quê dịp này. Nhưng may mắn xin được vé xe về quê miễn phí, tôi mừng rơi nước mắt", bà Tuyết xúc động.
Bà Nguyễn Thị Như Tuyết vui mừng khi xin được vé xe về quê miễn phí (Ảnh: Xuân Trường).
Bà Tuyết kể về gia cảnh, gia đình bà có 4 người, thuộc diện khó khăn, không có công việc, thu nhập ổn định nên khi 2 con trai vào TPHCM học đại học, người mẹ đánh liều vào thành phố tìm việc làm, kiếm tiền lo cho con ăn học.
Tuy nhiên, vì đã lớn tuổi, sức khỏe yếu nên bà Tuyết đã tìm việc nhiều nơi nhưng không ai nhận. Để bám trụ lại thành phố, hàng ngày bà đạp xe đi khắp các ngõ phố để thu gom ve chai.
Ngày cao nhất, bà kiếm được 150.000-200.000 đồng. Những ngày mưa gió, ít hàng thì chỉ từ 50.000-100.000 đồng. Khoản thu nhập ít ỏi không đủ để trang trải cuộc sống của 3 mẹ con, bà Tuyết đã phải vay mượn khắp nơi.
Ông Kha về quê với túi hành lý mang theo toàn gạo, dầu ăn được hỗ trợ cùng mấy bộ áo quần cũ (Ảnh: Xuân Trường).
Tương tự bà Tuyết, ông Kha (60 tuổi, quê Phú Yên), hôm nay cũng dậy từ 3h để ra xe về quê đón Tết với con cháu. Ông Kha chia sẻ: "Xa quê đã lâu, tôi chỉ mong ngày Tết được về với gia đình nhưng cảnh nghèo quá, không dám nghĩ. Nay được bố trí đi xe miễn phí, tôi phấn khởi, xúc động lắm!".
Ông Kha cho biết vào TPHCM từ mấy năm trước, hàng ngày dậy sớm đi bán vé số ở quận 4, mỗi ngày cũng kiếm được khoảng 200.000 đồng. Đợt về quê này ông tính ở nhà luôn, không vào lại thành phố mưu sinh nữa vì đã có tuổi, sức khỏe ngày càng yếu.
Cũng như bà Tuyết, ông Kha, hầu hết những người nghèo trên "Chuyến xe mùa xuân" đều là sinh viên, công nhân khó khăn, người bán vé số... với mức thu nhập bấp bênh, sống tằn tiện để bám trụ lại thành phố.
Chuyến xe tình người
Nguyễn Thị Hương Sen, sinh viên trường Đại học Sư phạm TPHCM (quê Nghệ An) chia sẻ: "Khi nghe thông tin được duyệt nhận vé xe về quê miễn phí, tôi rất phấn khởi. Từ khi nhận vé tới giờ chỉ mong thời gian trôi thật nhanh để sớm về đến nhà, được gặp gỡ gia đình, sum vầy đón Tết.
Tôi chưa báo tin sẽ về nhà vào ngày nào, định tạo chút bất ngờ cho gia đình trong dịp đoàn tụ sau một năm xa nhà".
Gia đình Sen, bố mẹ làm nông ở quê. Nhà đông con nên bố mẹ nữ sinh năm nhất rất vất vả để nuôi 8 anh chị em cô ăn học.
Bà nội Sen đã hơn 80 tuổi và thường xuyên ốm đau. Vì khó khăn nên anh trai đầu và em gái kế của cô đã phải nghỉ học từ năm lớp 9 để đi làm, kiếm thêm kinh phí trang trải cuộc sống phụ giúp bố mẹ.
Sinh viên cùng người thân nôn nao khi sắp lên chuyến xe về quê đón Tết (Ảnh: Xuân Trường).
Hoàng Trọng Nguyên, sinh viên trường Đại học Y Dược TPHCM (quê Quảng Trị), cũng tự thấy may mắn khi nhận được vé xe.
"Chuyến xe hỗ trợ sinh viên nghèo chúng tôi được về quê đón Tết cùng gia đình. Đây là nguồn động viên để người trẻ chúng tôi vững tin, nỗ lực vượt lên khó khăn, làm được nhiều điều hơn trong tương lai", Nguyên tâm niệm.
Nguyên chia sẻ, sinh ra trong gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, cậu quyết tâm thay đổi số phận của mình bằng con đường học tập. Cậu hiện nuôi mơ ước trở thành một bác sĩ giỏi.
Các sinh viên được hỗ trợ vé chuẩn bị lên chuyến xe về quê đón Tết (Ảnh: Xuân Trường).
"Chuyến xe mùa xuân không những đưa tôi về với gia đình hưởng Tết đoàn viên mà còn nâng đỡ chúng tôi trên hành trình thay đổi số phận. Chuyến xe cho tôi cảm nhận hương vị ấm áp của sự tử tế và lòng nhân hậu giữa người với người", Nguyên chia sẻ thêm.
Không chỉ được tặng vé về quê, sinh viên và người lao động còn được tặng những phần quà ý nghĩa. Dọc đường đi, mọi người được hỗ trợ ăn uống miễn phí.
"Chuyến xe mùa xuân" là chương trình được Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên TPHCM khởi xướng và thực hiện thường niên từ năm 2002. Đến nay đã có 61.125 sinh viên khó khăn được hỗ trợ về quê đón Tết.
Chương trình trở thành giải pháp hay, mang nhiều giá trị nhân văn và lan tỏa đến nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị, trường học. Từ chương trình này, nhiều mô hình hỗ trợ học sinh, sinh viên, người lao động khó khăn về quê đón Tết đã ra đời.
Năm nay, chuyến xe mùa xuân đưa 2.200 sinh viên và người lao động khó khăn về các tỉnh khu vực Miền Trung và Tây Nguyên về quê đón Tết.
Nguồn: Báo điện tử Dân trí