Sạt lở đất do mưa lớn, nền đất yếu
Sáng ngày 31/7, sau khi kiểm tra thực tế công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường vụ sạt lở đèo Bảo Lộc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã đến thăm, chia buồn, động viên gia đình chiến sĩ công an Lê Ánh Sáng (một trong 4 người bị vùi lấp) và làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh Lâm Đồng tại TP.Bảo Lộc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kiểm tra trực tiếp tại hiện trường vụ sạt lở đèo Bảo Lộc. Ảnh: Văn Long.
Sau đó, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng về công tác phòng chống thiên tai và cứu hộ, cứu nạn. Tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết, trong 7 tháng đầu năm 2023, tại Lâm Đồng đã xảy ra mưa lớn liên tục kéo dài, kèm theo lốc xoáy, sạt lở đất. Trong đó, có 8 trận mưa lớn, 6 trận lốc xoáy, 4 vụ sạt lở đất gây hậu quả làm 9 người chết, 4 người bị thương, hư hỏng, thiệt hại 224 căn nhà và 176 ha cây trồng của người dân. Ước tính, tổng thiệt hại từ các vụ việc trên khoảng trên 18 tỷ đồng.
Trong 7 tháng đầu năm 2023, toàn tỉnh Lâm Đồng đã xảy ra 4 vụ sạt lở đất, làm 9 người thiệt mạng. Ảnh: Văn Long.
Cũng theo ông Hiệp, trong tháng 6 và tháng 7/2023, do lượng mưa nhiều, kéo dài làm nền đất yếu, gây ra vụ sạt lở đất tại TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc, đèo Bảo Lộc (thuộc địa phận huyện Đạ Huoai) đã khiến 9 người thiệt mạng, nhiều người bị thương.
"Tại Lâm Đồng, mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11, lượng mưa trung bình từ 1.750 -3.150mm/năm, là tỉnh có lượng mưa luôn cao hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, năm 2021 trong lượng mưa đạt 2.102mm, năm 2022 đạt 2.251mm và 7 tháng đầu năm 2023 đạt 1.219mm. Một số thời điểm lượng mưa tại TP.Đà Lạt, TP.Bảo Lộc rất cao, đạt từ 100mm-190mm/ngày làm nền đất bị yếu, gây sạt lở.
Tỉnh Lâm đồng có diện tích đất tự nhiên hơn 977.000ha, địa hình chủ yếu là đồi núi, độ cao từ 200-1500m so với mực nước biển, chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa, có độ dốc cao, kết cấu đất yếu nên gậy nguy cơ sạt lở rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài", ông Trần Văn Hiệp thông tin.
Lượng mưa lớn, liên tục cộng với nền đất bazan yếu là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở đất diễn ra thường xuyên tại Lâm Đồng. Ảnh: CTV.
Ngoài ra, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng cũng cho rằng, một số địa phương trên địa bàn chưa kịp thời rà soát toàn bộ các khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở đất, nhất là khu vực đồi dốc, khu vực có taluy âm/dương cao để chủ động cảnh báo, sơ tán người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở đến nơi an toàn.
Đảm bảo an toàn cho người dân
Theo lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, qua rà soát, toàn tỉnh Lâm Đồng có đến 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở đất. Tỉnh Lâm Đồng đã di dời được 94 hộ dân, còn 150 hộ dân cần tiếp tục di dời khi tình hình mưa lớn tiếp tục diễn ra. Hiện nay, tỉnh Lâm Đồng đã khẩn trương kiểm tra, rà soát, di dời các hộ dân ra khỏi các khu vực có nguy cơ sạt lở đất trong mùa mưa bão để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.
Ngập nặng sau trận mưa lớn kéo dài chiều ngày 30/7 trên Quốc lộ 55, đoạn qua huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: CTV.
Chỉ đạo tại buổi làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang yêu cầu địa phương thực hiện công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ phải cẩn trọng, đảm bảo yêu cầu tuyệt đối cho lượng lượng cứu hộ. Tránh trường hợp sự cố chồng sự cố như đã xảy ra ở các địa phương khác trước đó.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng cho biết, hiện nay Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan, ban ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để truy tặng danh hiệu liệt sĩ cho các chiến sĩ đã hy sinh trong vụ sạt lở trên đèo Bảo Lộc.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chỉ đạo tỉnh Lâm Đồng phải đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ khi thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, tránh trường hợp sự cố chồng sự cố. Ảnh: NX.
Cũng trong buổi làm việc, đại diện các bộ, ngành trung ương đã có ý kiến, đóng góp về công tác phòng chống thiên tai, mưa bão, sạt lở đất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Từ đó, đưa ra những đề xuất, kiến nghị để tỉnh Lâm Đồng rút kinh nghiệm, thực hiện tốt công tác phòng chống thiên tai trong thời gian tới.
Đến sáng ngày 31/7, Bộ Công an đã có quyết định truy thăng cấp bậc hàm 3 cán bộ CSGT Trạm Madagui hy sinh khi làm nhiệm vụ trên đèo Bảo Lộc. Theo đó, thăng cấp bậc hàm cho thiếu tá Nguyễn Khắc Thường (42 tuổi) lên trung tá; thăng cấp bậc hàm cho thượng úy Lê Quang Thành (46 tuổi) lên đại úy; thăng cấp bậc hàm cho thượng úy Lê Ánh Sáng (33 tuổi) lên đại úy.
Đám tang của chiến sĩ hy sinh trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc được tổ chức trang trọng, chu đáo. Ảnh: Văn Long.
Ghi nhận của phóng viên, đến hơn 12 giờ trưa ngày 31/7, lực lượng cứu hộ, cứu nạn tỉnh Lâm Đồng đã tìm thấy thi thể nạn nhân thứ 4 trong vụ sạt lở đèo Bảo Lộc. Hiện, các lực lượng chức năng liên quan đang tích cực, khẩn trương giải tỏa khối lượng lớn đất đá sạt lở tràn ra mặt đường để thông xe qua đèo Bảo Lộc trong thời gian sớm nhất.
Nguồn: Báo điện tử DÂN VIỆT