Ngày 10/9, Bộ Xây dựng đã có tờ trình đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung điều 126 của Luật Nhà ở về quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam của người Việt Nam định cư ở nước ngoài để bảo đảm sự thống nhất trong việc thực thi pháp luật.
Quyền sở hữu nhà ở như công dân trong nước
Những người còn quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam) hoặc những người gốc Việt Nam (không còn quốc tịch Việt Nam) nhưng thuộc các đối tượng:
Về đầu tư trực tiếp trong nước theo pháp luật đầu tư, đã kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước, người có công với đất nước, người có trình độ từ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội... thì có quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước (không hạn chế về số lượng).
Điều 126 của Luật Nhà ở sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng chia đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài thành 3 dạng khác nhau cho phù hợp với thực tế hiện nay, đồng thời quy định bổ sung đối tượng được sở hữu nhà ở trong nước.
Theo đó, những người còn quốc tịch Việt Nam (vẫn là công dân Việt Nam) hoặc những người gốc Việt Nam (không còn quốc tịch Việt Nam) nhưng thuộc các đối tượng: về đầu tư trực tiếp trong nước theo pháp luật đầu tư, đã kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước, người có công với đất nước, người có trình độ từ đại học trở lên đang làm việc trong lĩnh vực kinh tế-xã hội... thì có quyền sở hữu nhà ở như công dân Việt Nam ở trong nước (không hạn chế về số lượng).
Đối với những người gốc Việt Nam không thuộc đối tượng nêu trên mà được phép cư trú tại Việt Nam từ 6 tháng trở lên hoặc được cấp Giấy miễn thị thực thì có quyền sở hữu 1 nhà ở tại Việt Nam.
Như vậy, so với quy định tại điều 126 của Luật Nhà ở thì sửa đổi lần này đã mở rộng hơn diện được sở hữu nhiều nhà ở tại Việt Nam, đó là: những người là công dân Việt Nam không phân biệt đối tượng, những người kết hôn với công dân Việt Nam ở trong nước, những người có kỹ năng đặc biệt mà Việt Nam có nhu cầu, những người có trình độ đại học trở lên. Cùng đó, diện được sở hữu một nhà ở cũng được mở rộng thêm với đối tượng là người gốc Việt Nam được cấp Giấy miễn thị thực.
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Hồng Quân, việc quy định đối tượng như trên là để có sự bình đẳng về quyền được sở hữu nhà ở tại Việt Nam giữa công dân Việt Nam ở trong nước với công dân Việt Nam ở nước ngoài; đồng thời bảo đảm sự công bằng về quyền được sở hữu nhà ở giữa người Việt Nam định cư ở nước ngoài với người nước ngoài theo quy định của Nghị quyết số 19/2008/QH12 mà Quốc hội vừa thông qua tại kỳ họp tháng 6 năm 2008.
Trên cơ sở hướng sửa đổi này, Bộ Tư pháp cũng đã thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ ký Tờ trình số 111/TTr-CP của Chính phủ trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bổ sung Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2008, trong đó có đề nghị sửa đổi, bổ sung đối tượng người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam.
Theo Thu Hằng
TTXVN