Formosa đánh giá mức thiệt hại do xô xát của công nhân sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 lên đến 5.533 tỉ đồng, trong khi các công ty bảo hiểm và cơ quan chức năng đánh giá mức thiệt hại này là 4,77 tỉ đồng.
Như vậy sự "tự đánh giá thiệt hại" nhiều gấp hàng nghìn lần?
Nhà máy Formosa Hà Tĩnh - ảnh: Đức Ngọc
Tổng cục Thuế vừa hoàn tất bản báo cáo đánh giá tổng kết các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp (DN) thiệt hại do sự kiện 13-5-2014 (xô xát của người dân, công nhân một số khu công nghiệp tại một số địa phương sau việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trên vùng biển của Việt Nam).
Rà soát của ngành thuế cho thấy trên cả nước có 778 DN bị ảnh hưởng.
Mức độ thiệt hại nặng nhất ở tỉnh Bình Dương, có 537 DN bị ảnh hưởng; Đồng Nai có 171 DN; TP HCM có 33 DN và Hà Tĩnh có 1 DN.
Trong số DN chịu ảnh hưởng, Formosa được cho chịu thiệt hại nhiều nhất.
DN này đánh giá mức thiệt hại lên đến 5.533 tỉ đồng (do tính cả mức thiệt hại trong tương lai) trong khi các công ty bảo hiểm và cơ quan chức năng đánh giá mức thiệt hại của DN này là 4,77 tỉ đồng.
Ngoài ra, thiệt hại của các nhà thầu làm cho Formosa là 68,32 tỉ đồng.
Đối với dự án Formosa, ngoài nhà máy của Formosa chịu ảnh hưởng trực tiếp còn có 16 nhà thầu chính đang thi công các hạng mục cho dự án Formosa cũng bị ảnh hưởng với mức độ thiệt hại được đánh giá là 68,32 tỉ đồng.
Các nhà thầu này đều là DN đến từ Trung Quốc.
Ngoài các đề xuất miễn thuế, hoàn thuế và không truy thu thuế đối với Formosa, qua quá trình kiểm tra, cơ quan thuế, hải quan đã phát hiện nhiều sai phạm của Formosa và đề nghị Bộ Tài chính truy thu và thu nhiều số tiền vi phạm như truy thu 5,5 tỉ đồng vì:
- kê khai, áp mã HS chưa đúng với quy định hiện hành,
- dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp đối với mặt hàng kết cấu thép tiền chế dạng tháp và các bộ phận rời kèm theo dùng để lắp ghép nhà xưởng.
Phạt vi phạm hành chính số tiền 225 tỉ đồng vì Formosa lập hợp đồng xây dựng bổ sung không đúng quy định và kê khai bổ sung khấu trừ, hoàn thuế VAT của 19.497 hóa đơn, chứng từ sau khi cơ quan thuế đã thực hiện công bố quyết định thanh tra, kiểm tra tại DN với số tiền 1.500 tỉ đồng.
Trước đó, Formosa đã gửi hồ sơ yêu cầu Chi cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh hoàn cho họ 1.554 tỷ đồng từ gần 19.500 hoá đơn, chứng từ hoàn thuế.
Tuy nhiên, sau khi kiểm tra hồ sơ hoàn thuế của doanh nghiệp, cơ quan thuế đã phát hiện doanh nghiệp sử dụng hóa đơn hoàn thuế không đúng quy định, và do vậy không thể hoàn thuế cho doanh nghiệp.
Trước thực trạng này, Tổng cục Thuế đề nghị Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ kết thúc hỗ trợ Formosa Hà Tĩnh trước ngày 1/9/2016.
Phạm Bình - TINTUCVIETDUC.DE
Theo các báo Lao động và Tiền phong