Trong 6 tháng đầu năm, Thế Giới Di Động trả hơn 15.015 tỷ đồng vay ngắn hạn từ ngân hàng nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động.

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II vừa được Công ty cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động (mã CK: MWG) công bố cho thấy, tổng nợ phải trả của doanh nghiệp này là 9.971 tỷ đồng, giảm mạnh so với thời điểm đầu năm. Nợ ngắn hạn chiếm tỷ lệ tuyệt đối trong cơ cấu nợ phải trả của công ty, trong đó phần lớn là khoản phải trả trước người bán và vay ngắn hạn.

Trong 6 tháng đầu năm, công ty đã thanh toán 15.015 tỷ đồng vay ngắn hạn từ ngân hàng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Ước tính bình quân mỗi ngày doanh nghiệp dẫn đầu thị phần chuỗi bán lẻ điện thoại dành gần 83 tỷ đồng để xử lý các khoản vay nhằm mục đích bổ sung nhu cầu vốn lưu động.

Dù dành ngân sách “khủng” trả nợ ngân hàng, nhưng giá trị khoản vay ngắn hạn của Thế Giới Di Động chỉ giảm hơn 810 tỷ đồng so với đầu năm do phát sinh 14.204 tỷ đồng tiền vay mới trong kỳ.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy trong quý III năm nay, công ty có 11 khoản vay tín chấp ngân hàng với lãi suất thả nổi đến hạn thanh toán. Tổng dư nợ đúng bằng giá trị khoản vay ngắn hạn tại thời điểm kết thúc kỳ báo cáo này là 3.978 tỷ đồng.

Hiện, ngân hàng Vietcombank và VietinBank là hai chủ nợ lớn nhất của công ty với dư nợ lần lượt xấp xỉ 800 tỷ và 772 tỷ đồng.

Tình hình tài chính lành mạnh của Thế Giới Di Động được duy trì qua nhiều kỳ liên tiếp và thể hiện đặc thù của một doanh nghiệp bán lẻ khi không sử dụng vay nợ dài hạn. Nguồn vốn chủ sở hữu tăng trưởng ổn định, đủ tài trợ tài sản dài hạn và một phần có thể bổ sung vốn lưu động.

Mỗi ngày Thế Giới Di Động chi gần 83 tỷ đồng trả nợ ngân hàng - 0

Sáu tháng đầu năm Thế Giới Di Động đã thanh toán 15.015 tỷ đồng vay ngắn hạn từ ngân hàng

Tuy nhiên, trong buổi họp báo kết quả kinh doanh 6 tháng mới đây, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT công ty cho biết, ban lãnh đạo có thể tính đến việc huy động vốn vay trung hạn hoặc phát hành trái phiếu, cổ phần mới nhằm hạn chế sử dụng khoản lợi nhuận chưa phân phối để tài trợ việc tăng ngân sách cho hoạt động mua bán sáp nhập.

Cũng theo báo cáo tài chính, doanh thu và lợi nhuận sau thuế nửa đầu năm nay của Thế Giới Di Động lần lượt đạt 31.243 tỷ và 1.070 tỷ đồng, tương ứng mức tăng 59% và 28% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, doanh thu bán hàng trực tuyến đạt 2.556 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi cùng kỳ.

Kết quả này giúp công ty hoàn thành phân nửa kế hoạch doanh thu 63.280 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 2.200 tỷ đồng được đại hội đồng cổ đông thông qua hồi đầu năm.

Công ty đã mở thêm 272 cửa hàng trong nửa đầu năm nay, trong đó chuỗi Điện máy xanh chiếm số lượng áp đảo hơn phân nửa. Hiện số lượng cửa hàng được nâng lên 1.527, phủ khắp tất cả tỉnh thành trên cả nước.

Đối với chuỗi điện máy, Thế Giới Di Động vẫn duy trì tốc độ mở rộng đúng như kế hoạch và tăng trưởng doanh thu bình quân mỗi cửa hàng cũng sát với kỳ vọng là 12% so với cùng kỳ.

Nhờ thị trường điện máy manh mún nên công ty vẫn còn nhiều dư địa để phát triển chuỗi tại các thành phố cấp 2 và giành thị phần từ cửa hàng bán lẻ nhỏ.

Chuỗi Bách hoá xanh cũng đang có mức tăng trưởng ấn tượng về doanh thu là 15%, số lượng cửa hàng mới là hơn 300% so với cùng kỳ.

Ở chiều ngược lại, chuỗi cửa hàng điện thoại di động đã xuất hiện dấu hiệu bão hoà khi giá trị đóng góp doanh thu vẫn lớn nhất nhưng tốc độ tăng trưởng đang tụt lại. Thị phần mảng này giữ nguyên ở mức 42%, trong khi trước đây công ty thường giành thêm 1-2% thị phần mỗi quý.

Theo phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán TP HCM, nguyên nhân có thể đến từ việc công ty đã tận dụng gần như toàn bộ các vị trí có lưu lượng khách hàng tốt tại các địa phương. Tốc độ mở cửa hàng mới nhanh hơn tốc độ tăng trưởng chung của thị trường là 7,5% khiến cửa hàng mới cạnh tranh trực tiếp với cửa hàng hiện tại, làm doanh thu gần như không tăng trưởng.

 

Nguồn: Phương Đông

VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC