Phía sau mục đích tạo sân chơi cho con trẻ trên truyền hình, các show thực tế cho trẻ em còn là chiếc bánh quá ngon mà các đài truyền hình và nhà sản xuất khó bỏ qua.
Trong dịp Tết Ất Mùi 2015, cậu bé tóc xù Hoàng Anh xuất hiện “trên mọi mặt trận” quảng cáo. Từ những thùng mỳ tôm tới chai nước ngọt, từ những tấm pa nô quảng cáo lớn tới thân xe buýt và tất nhiên là những slot quảng cáo trên truyền hình.
Có lẽ không cần con số nào cũng có thể hiểu được rằng sự “phủ sóng” của Hoàng Anh đã chứng minh một cách rõ ràng giá trị của các show truyền hình thực tế hướng tới đối tượng trẻ em.
Hoàng Anh chỉ là á quân của The Voice Kids mùa đầu tiên, nhưng sau cuộc thi, em không tham gia nhiều các show ca nhạc. Ngược lại, cậu bé rất đắt show quảng cáo.
Lợi thế của Hoàng Anh là vẻ ngoài dễ thương, nụ cười tươi, phong thái hồn nhiên, vui vẻ cùng khả năng ca hát, nhảy và tất nhiên là diễn tốt trước ống kính. Vậy là dù bước ra từ một cuộc thi ca hát, Hoàng Anh… không cần hát cũng vẫn nổi tiếng và thành công. Nói một cách khác, cậu bé “thắng lớn” về các hợp đồng quảng cáo.
“Chiến thắng” của Hoàng Anh không chỉ của riêng gia đình cậu.
Đó cũng là chiến thắng của một xu hướng kinh doanh giải trí thành công. Hay chiến thắng của sự chuyển hướng hợp lý của các nhà sản xuất và đài truyền hình.
Khi truyền hình thực tế cho người lớn bão hòa, truyền hình thực tế cho trẻ em là sự tiếp nối cần thiết.
Chỉ là á quân Giọng hát Việt nhí nhưng Hoàng Anh lại "thắng lớn" với các hợp đồng quảng cáo sau cuộc thi.
Các phiên bản nhí lên ngôi
Theo nguồn dữ liệu mà Zing.vn có được, so sánh con số rating của một số chương trình truyền hình thực tế nổi bật trong năm 2015 sẽ thấy sự thay đổi mạnh mẽ về xu hướng giải trí của khán giả truyền hình.
Chương trình Bước nhảy hoàn vũ phát sóng trên kênh VTV3 vào giờ vàng đạt con số rating toàn quốc là 4.7% thì con số này của phiên bản Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng phát trên cùng kênh, cùng khung giờ là 6.5%.
Hay với chương trình Giọng hát Việt mùa 3 cũng năm 2015, phát trên VTV3 khung giờ vàng, đạt rating 4.5% trong khi Giọng hát Việt nhí là 5.4%.
Truyền hình thực tế hướng tới trẻ em đang thu hút người xem.
Khi người xem quan tâm nhiều hơn thì đó đã trở thành xu hướng và tất nhiên, các nhà sản xuất và đài truyền hình không thể đứng ngoài xu hướng với lý do đơn giản: Khán giả thích gì phải phục vụ thứ đó.
Nhưng ngược lại, xu hướng mà khán giả thích cũng chính là cơ hội thu lợi nhuận tốt hơn.
Theo báo giá quảng cáo của Trung tâm Quảng cáo & Truyền hình thuộc Đài Truyền hình Việt Nam (TVAD), mùa đầu tiên của Giọng hát Việt nhí đã có giá quảng cáo lên tới 320 triệu đồng cho 30 giây trong một số lên sóng.
Con số này ngang bằng phiên bản cho người lớn mùa thứ ba lên sóng cùng thời gian.
Nguồn tin riêng của Zing.vn cho biết, lợi nhuận một tập của mùa đầu Giọng hát Việt nhí có lúc đạt tới 9 tỷ đồng, mức doanh thu không hề nhỏ so với bất cứ chương trình truyền hình thực tế nào tại Việt Nam.
Chỉ số rating các chương trình thực tế 'hot' của kênh VTV3
Nhìn nhận vấn đề qua lăng kính thương mại, có thể thấy truyền hình thực tế dành cho trẻ em có rất nhiều lợi ích khai thác.
Các chương trình này không chỉ thu hút trẻ em mà cả người lớn – phụ huynh. Nếu để ý sẽ thấy, sau khi xuất hiện quảng cáo tại các chương trình trẻ em, lượng hàng bán ra của một số hãng tăng mạnh.
Đây không phải là các nhãn hàng cao cấp, mà chủ yếu hướng đến khách hàng bình dân, chính là những khán giả trung thành của các chương trình này.
Do vậy, chi phí quảng cáo đổ vào các chương trình này càng tăng mạnh.
Nhãn hàng đổ tiền vào quảng cáo có nghĩa nhà đài và nhà sản xuất thu lợi. Ngược lại, các nhãn hàng cũng tiêu thụ sản phẩm tốt. Chẳng ai thua mà thực tế là đều thắng về kinh doanh!
Từ bài toán đầu tư giải trí tới cuộc đầu tư gia đình
Đã có không ít câu chuyện được kể về sự nhọc nhằn của các bậc phụ huynh khi đưa con đi thi Đồ Rê Mí hay Giọng hát Việt nhí.
Cha mẹ nào cũng thương con và luôn muốn tạo mọi điều kiện để năng khiếu và sự yêu thích của con trẻ được thỏa mãn. Nhưng không thể phủ nhận, với nhiều người việc đưa con đi thi là một cuộc đầu tư mang quy mô gia đình.
Phía sau câu chuyện về những lùm xùm của gia đình cậu bé Mai Chí Công và ca sĩ Thái Thùy Linh xảy ra cách đây 2 năm, có thể thấy tham vọng của nhiều bậc phụ huynh là không hề nhỏ.
Sự bùng nổ của các cuộc thi truyền hình cho trẻ em đang tác động đô mi nô tới sự phát triển của các lò đào tạo trẻ em trước khi tham gia thi thố.
Không khó nhận ra trong mấy mùa Đồ Rê Mí gần đây, thí sinh đều khá chững chạc vì đã có một quá trình được “cọ sát” trong các nhà văn hóa, trung tâm nghệ thuật.
Phía sau giọt nước mắt của con trẻ trên sân khấu khi bị loại cũng có cả giọt nước mắt thất vọng của các bậc phụ huynh.
Chị Mai Châu (43 tuổi), phụ huynh có con thi tuyển chương trình Thần tượng Việt Nam nhí chuẩn bị lên sóng vào ngày 24/4 tới đây chia sẻ với phóng viên:
“Chị cho cháu đi sinh hoạt ở nhà văn hóa ban đầu cho vui thôi.
Nhưng thấy cháu có năng khiếu hát lại thích lên sân khấu, chị hỏi ý kiến cô giáo có nên cho cháu tham dự thử một vài cuộc thi.
Cô tham vấn ngay rằng có thể và cô sẽ lên một giáo án riêng cho cháu nếu gia đình thực sự quyết tâm.”
Người mẹ làm công việc văn phòng cho biết sự quyết tâm của gia đình là một khoản học phí hàng tháng riêng cho môn thanh nhạc của con gái cũng như kế hoạch đưa đón con, chăm sóc chế độ dinh dưỡng theo yêu cầu của cô giáo,
Nhưng cuối cùng, con gái chị vẫn bị… loại từ vòng gửi xe! Thực tế là cô bé đã bị ngợp khi tham dự cuộc thi lần đầu tiên nên không thể có được chiếc vé vào sâu trong chương trình.
Khi thông tin Trung Quốc siết chặt các chương trình truyền hình thực tế có yếu tố trẻ em lan sang Việt Nam trong bối cảnh ở nước ta các chương trình này đang nở rộ, người ta bắt đầu đặt ra câu hỏi khi nào xu hướng này sẽ kết thúc?
Doanh thu mùa thứ hai của Giọng hát Việt nhí đã giảm so với mùa đầu chương trình lên sóng. Nhưng nhà sản xuất chương trình chưa hề có ý định ngừng triển khai cuộc thi.
Sức hấp dẫn của mảng chương trình này chắc chắn vẫn còn rất lớn. Vietnam Idol nhí chuẩn bị lên sóng nay mai, rồi mùa Đồ Rê Mí mới, cũng như thông tin về một số chương trình phiên bản nhí đang được xúc tiến mua bản quyền để lên sóng cho thấy xu hướng này sẽ còn chiếm sóng truyền hình trong một thời gian nữa. Khi chiếc bánh vẫn còn hấp dẫn, hẳn những người khai thác không thể gạt nó khỏi bàn tiệc giải trí.
Hiếu Vân / Zing.vn