Theo hợp đồng, công ty Tetra Tech của Mỹ sẽ tiếp nối việc thiết kế kỹ thuật và thi công, quản lý xây dựng và giám sát môi trường đối với hoạt động xây dựng và xử lý đất, trầm tích ô nhiễm dioxin khu vực sân bay Biên Hòa, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cho biết trong thông cáo hôm nay.
"Mục tiêu của dự án là hoàn trả an toàn toàn bộ diện tích đất để phục vụ các mục đích sử dụng khác nhau", thông cáo của Đại sứ quán Mỹ có đoạn, thêm rằng nỗ lực này nhằm giảm nguy cơ phơi nhiễm cho người dân trong và xung quanh sân bay Biên Hòa.
Xử lý đất ô nhiễm tại sân bay Biên Hòa hồi tháng 12/2022. Ảnh: USAID
Từ tháng 4/2019, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã hợp tác với Bộ Quốc phòng Việt Nam nhằm xử lý 500.000 m3 đất và trầm tích ô nhiễm dioxin tại khu vực sân bay Biên Hòa.
Năm 2022, USAID cùng Bộ Quốc phòng hoàn thành xử lý dioxin khu đất nằm phía ngoài sân bay, bàn giao cho địa phương để làm nơi vui chơi giải trí cho cộng đồng, hoàn thành làm sạch khu vực đầu tiên trong sân bay, đồng thời hoàn thành xây dựng khu lưu trữ lâu dài đối với đất nhiễm dioxin nồng độ thấp đã đào xúc.
Dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa dự kiến mất 10 năm để hoàn thành với tổng chi phí lên tới 450 triệu USD. Chính phủ Mỹ đã đóng góp hơn 218 triệu USD trong tổng số 300 triệu USD dự kiến chi cho dự án này.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền Nam Việt Nam. Từ cuối năm 1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam bị rò rỉ.
Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. Dự án xử lý dioxin khu vực sân bay Biên Hòa dự kiến được chi làm hai giai đoạn, trong đó 150.000 m3 đất sẽ được xử lý trong giai đoạn 1 (đến năm 2025) với kinh phí 390 triệu USD.
Vũ Anh
Nguồn: VNEXPRESS.NET