"Thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tăng từ 1.400 USD hai năm trước lên 3.400 USD đến năm 2020".

 

Đó là con số được Tập đoàn Tư vấn Boston (Mỹ) đưa ra, cùng với dự báo “tầng lớp trung lưu và giàu có” của Việt Nam sẽ tăng gấp đôi lên tới 33 triệu người, tương đương khoảng 1/3 dân số đất nước, trong khoảng thời gian từ năm 2014- 2020.

Đặc biệt, tầng lớp này đang phát triển nhanh hơn so với bất cứ nơi nào ở khu vực Đông Nam Á.

Bởi từ năm 2012, Việt Nam đã tăng sức hấp dẫn của mình bằng cách giải quyết tình trạng bất ổn lao động và những vấn đề về mất giá tiền tệ, gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và ký kết một thỏa thuận thương mại với châu Âu.

Năm 2020: Thu nhập bình quân đầu người Việt Nam là 3.400USD - 0

Với sự tăng trưởng của tầng lớp trung lưu Việt Nam sẽ thu hút sự chú ý của những nhà cung ứng nước ngoài, cạnh tranh quyết liệt trong lĩnh vực thức ăn nhanh, sản phẩm làm từ sữa, ôtô, sản phẩm vệ sinh và đồ điện tử tiêu dùng.

Những thương hiệu thường thấy ở TPHCM bao gồm Burger King, Starbucks, Family Mart, Nestlé và Sony.

Từ đó, Việt Nam thường xuyên tăng mức lương tối thiểu và người lao động thường sống với gia đình để tiết kiệm tiền thuê nhà.

Cùng với đó, sự đầu tư của chính phủ vào việc phát triển nông nghiệp đã tạo ra một tầng lớp trung lưu vùng nông thôn.

Vì thế, theo bà Aparna Bharadwaj, người phụ trách khu vực Đông Nam Á của Công ty Tư vấn Boston: “Điều này cho phép tầng lớp trung lưu không chỉ giới hạn ở những đô thị lớn, những thành phố lớn mà còn phân tán rất nhanh chóng tới những thành thị nhỏ hơn và những thị trường ở vùng nông thôn.

Việt Nam có sự phân tán tầng lớp trung lưu nhanh nhất mà tôi từng thấy khắp các thị trường ASEAN. Mức thu nhập của người dân đang tăng lên theo hướng dàn trải hơn thay vì chỉ tập trung vào một vài người giàu lại càng giàu hơn".

Trước đó, theo bà Victoria Kwakwa, Phó chủ tịch ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, đến năm 2035, Việt Nam đang phấn đấu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình ở ngưỡng 22.000 USD/người/năm (tính ngang giá sức mua).

Để đạt những khát vọng về thu nhập đến năm 2035, Việt Nam đã đề xuất 6 cải cách chủ yếu xoay quanh 3 trụ cột: tăng trưởng bền vững, công bằng và hòa nhập xã hội.

Hồi tháng 5, cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard&Poor’s (S&P), cũng đưa ra con số thống kê, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2016 ước tính là 2.200 USD.

Với mức thu nhập bình quân đầu người trên, S&P đánh giá Việt Nam là quốc gia có mức thu nhập trung bình thấp nhưng nền kinh tế tương đối đa dạng và có tính linh hoạt.

Để tăng được thu nhập bình quân đầu người, S&P khuyến cáo thời gian tới Việt Nam cần kiểm soát bội chi ngân sách, tốc độ gia tăng nợ công mặc dù mức độ nợ công của Việt Nam là không lớn.

Đồng thời, Việt Nam cần quan tâm đến vấn đề nợ xấu của khu vực ngân hàng.

Đây cũng chính là những vấn đề mà Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã nhìn nhận và có kế hoạch cải thiện trong giai đoạn từ nay đến 2020, trong đó đặt mục tiêu và có giải pháp để kiểm soát và đưa bội chi ngân sách nhà nước xuống dưới 4% GDP, kiểm soát tốc độ gia tăng nợ công để đảm bảo trong giới hạn trần 65% GDP.

Sơn Ca (Tổng hợp)

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC