Chưa hết khốn đốn vì kẹt xe, người Sài Gòn lại ngao ngán trước thông tin Sở Giao thông sẽ đào tiếp gần 20 km đường nữa nâng tổng số đường cô lập rào chắn từ 56,7 km lên thành 75,4 km trong năm nay.
“Để đẩy tiến độ, chúng tôi buộc phải tăng tốc độ đào đường lên nữa. Nếu cứ đào tà tà như hiện nay thì không thể đáp ứng được nhiệm vụ chống ngập cho thành phố”, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết.
Phát biểu trong cuộc tọa đàm Nói và Làm do Đài truyền hình TP HCM tổ chức sáng nay, người đứng đầu Sở Giao thông không lảng tránh khi biết rằng việc đào đường trên diện rộng, với mật độ dày đặc chắc chắn sẽ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt người dân thành phố.
Ngay lập tức, thông tin về việc Sài Gòn sẽ đầy rẫy lô cốt trong năm nay khiến nhiều người ngao ngán. "Chủ đề chương trình là Nói và Làm nhưng chúng tôi thấy nói thì hay nhưng làm thì rất là chậm. Công trình Rạch Hàng Bàng làm từ lâu đến giờ gây ô nhiễm môi trường ghê gớm làm nhân dân phường 3 quận 5 rất bất bình", cử tri quận 5 bức xúc.
Không riêng gì một người tại một nơi mà hiện nay trên toàn thành phố ai ai cũng thấm nỗi khổ kẹt xe, ô nhiễm môi trường... do các lô cốt gây ra. Và ngay trong những tháng đầu năm - năm được dự báo tình trạng kẹt xe tăng cao do đào đường nhiều hơn (năm 2008: đào 49,6 km, năm nay 56,7 km), ùn tắc giao thông đang gây ra sự ngột ngạt trên nhiều tuyến đường.
“Để nhanh chóng thoát khỏi nạn ngập nước và cải thiện môi trường, người dân nên thông cảm với việc đào đường”, ông Phượng nói.
Không ai không hiểu việc đào đường là cần thiết nhưng vấn đề lại nằm ở chỗ thi công như thế nào?.
"Qua thống kê trong năm vừa qua và cho đến 2 tháng đầu năm, toàn TP HCM có 57 vụ ùn tắc giao thông, trong đó 26 vụ do lô cốt. Công an còn bức xúc chứ đừng nói đến người dân", ông Võ Văn Vân, Phó trưởng phòng cảnh sát giao thông đường bộ Công an TP HCM cho biết.
Theo ông Vân, qua kiểm tra nhiều chỗ không có lực lượng điều tiết giao thông, việc tái lập mặt đường cũng vô cùng cẩu thả khi có nơi phui đào cũ và tái lập mới chênh nhau đến 10 cm khiến người đi đường rất dễ bị té ngã. Thậm chí có những con đường không thèm tái lập, chỉ đổ đá, bụi gây ô nhiễm rất nhiều.
Cùng quan điểm, Chủ tịch Hội đồng nhân dân TP HCM, bà Phạm Phương Thảo chất vấn: "Tại sao thời gian qua chúng ta không thực hiện được những biện pháp để hạn chế những việc này".
Và sau gần 3 năm đào đường (từ năm 2006 đào dọc kênh Nhiêu Lộc Thị Nghè, 2007 rầm rộ), cho đến hôm nay các cơ quan chức năng vẫn tiếp tục bàn giải pháp khắc phục tồn tại của rào chắn.
Công an TP HCM đề xuất 5 giải pháp: thông báo đoạn đường có rào chắn phải được giăng cách khu vục công trường 2 giao lộ; ban đêm rào chắn phải có đèn chiếu sáng; trước khi thi công 10 ngày phải thông báo đến người dân; phải bố trí người điều tiết giao thông; đảm bảo tái lập mặt đường an toàn.
Liên quan đến việc vô trách nhiệm của các nhà thầu khi để ra tai nạn gây chết người tại khu vực công trường, quan điểm Sở Giao thông phải xử lý đúng mức kể cả việc truy tố hình sự.
"Chúng tôi luôn nói nhà thầu phải đặt mình vào vị trí người dân để đẩy nhanh tiến độ thi công. Để việc giám sát được kỹ hơn, ngoài số điện thoại thanh tra, tôi xin cung cấp thêm đường dây nóng của Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước: 08 39300530", ông Lương Minh Phúc, Phó giám đốc Ban quản lý dự án đại lộ Đông Tây và Môi trường nước thông tin thêm.
Việc giảm thuế cho những hộ dân bị ảnh hưởng kinh doanh bởi lô cốt cũng được tính đến. Việc phân luồng cũng phải hợp lý hơn, chuyện vướng công trình ngầm sẽ tiếp tục nghiên cứu để tìm giải pháp thích hợp.
Theo Vnexpress.