Bị bắt cóc, bị bán như một món hàng sang Trung Quốc để làm vợ nhưng rồi lại rơi vào những hoàn cảnh thương tâm, hàng chục ngàn phụ nữ ở nhiều nước như Cam Bốt, Lào, Miến Điện và Việt Nam đang là nạn nhân của tệ buôn người.

AFP ghi nhận hiện trạng qua một vài trường hợp điển hình ở Cam Bốt và Việt Nam.

42 1 Nan Buon Phu Nu Sang Trung Quoc Lam Vo Lan Rong O Nhieu Nuoc Dong Nam A

Một gian hàng trong chợ Mèo Vạc, Hà Giang, chụp ngày 28/10/2018. Nhac NGUYEN / AFP

Tại Cam Bốt, hãng tin Pháp nêu ra trường hợp của cô Nary (tên đã thay đổi theo yêu cầu nhân chứng). Khi mới 17 tuổi cô bị chính anh trai mình đưa sang Trung Quốc bán làm vợ cho một người đàn ông nước này với giá 3.000 đô la. Một năm rưỡi sau, cuộc hôn nhân nhanh chóng đổ vỡ, cô phải trở về nước không một đồng tiền trong túi, để lại đứa con nhỏ không có cơ hội gặp lại.

Phụ nữ trẻ ở nhiều nước Đông Nam Á đang vô hình trở thành nạn nhân của tình trạng thiếu nữ thừa nam ở Trung Quốc. Do chính sách 1 con duy nhất được áp dụng từ năm 1979 đến năm 2015, dân số Trung Quốc giờ đây thừa ra 33 triệu đàn ông.

Những người đàn ông « bị dư », thường là những nông dân sống trong các vùng hẻo lánh xa xôi, những người có thu nhập thấp. Không có cơ hội kiếm được một người vợ nội địa, họ tìm cách nhập khẩu từ bên ngoài biên giới.

Trong khi đó ở các nước láng giềng của Trung Quốc, không ít phụ nữ sống trong cảnh túng quẫn, mơ ước thoát nghèo, bị gia đình thúc ép hoặc là nạn nhân của những kẻ buôn người đã phải rời quê hương đi làm vợ xứ người.

Theo điều tra của AFP, giá để mua một người vơ Cam Bốt khoảng từ 10 đến 15 nghìn đô la. Nhưng đa số khoản tiền này rơi vào túi của những kẻ môi giới Trung Quốc và Cam Bốt. Gia đình của cô dâu chỉ được nhận khoảng từ 1.000 đến 3.000 đô la. Tuy nhiên, đây cũng là một khoản tiền không nhỏ cho những gia đình cô dâu nghèo khó.

Trở lại với trường hợp của cô Nary kể trên. Người chồng của cô đã bỏ ra 10 nghìn đô la mua cô về làm vợ. Người anh trai của cô được nhận 3.000 đô la, tiền còn lại được chia cho những người môi giới. Nary thổ lộ : « Gia đình tôi nghèo lắm, tôi muốn giúp đỡ gia đình bằng cách lấy chồng Trung Quốc và thế là tôi nhắm mắt bước chân ra đi ».

Hành trình đi lấy chồng của Nary được bắt đầu bằng tấm visa du lịch đưa cô đến Thượng Hải cùng với nhiều cô gái trẻ khác. Cô kể lại : « Chúng tôi được đưa đến một ngôi nhà trong đó đã có nhiều phụ nữ Cam Bốt chở ở đó. Vài ngày sau, nhiều người đàn ông Trung Quốc đến để lựa chọn ».

Tiền mà người ta hứa trả cho cô không hề có. Ông chồng mà người môi giới nói là « một bác sĩ đẹp trai và giàu có » thực ra là một anh công nhân xây dựng.

Cuộc hôn nhân của Nary đổ vỡ chỉ một tháng sau khi cô sinh con. Bắt đầu là những mâu thuẫn với mẹ chồng. Gia đình chồng yêu cầu con trai ly dị. Nary ra khỏi nhà, tìm một công việc trong một xưởng thủy tinh gần đó.

Nhưng visa du lịch hết hạn nên cô bị bắt và đưa về một trại tập trung trong suốt một năm cùng hàng chục phụ nữ Việt Nam, Cam Bốt khác cũng rơi vào trường hợp tương tự. Được thả khỏi trại tạm giam, cô đã tìm đường trở về Cam Bốt, nhưng cô không bao giờ gặp lại đứa con.

Không hề có một con số thống kê chính thức nào về số phụ nữ Cam bốt sang lấy chồng bên Trung Quốc. Chỉ là những ước tính, theo đó tối thiểu cũng phải là con số hàng nghìn.

Trung Quốc có luật cấm hôn nhân cưỡng ép. Còn theo luật pháp Cam Bốt, những nhân viên môi giới hôn nhân theo kiểu mua bán như trên có thể bị kết án tù 15 năm. Thế nhưng, các vụ kiện vẫn thường khó xảy ra vì những kẻ môi giới sẵn sàng bỏ 5.000 đô la để mua sự im lặng của các cô gái.

Việt Nam : Những bà mẹ đi tìm con gái mất tích

Tình hình ở các nước láng giềng Trung Quốc cũng không khá hơn ở Cam Bốt. Thí dụ như Việt Nam, AFP ghi lại câu chuyện thương tâm về những người mẹ đi tìm con gái bị bán sang Trung Quốc.

Đó là trường hợp của bà Vu Thi Dinh ở huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang. Từ nhiều tuần qua, bà lặn lội đi tìm đứa con gái bị mất tích ở gần biên giới với Trung Quốc. Trong vùng biên giới núi non hiểm trở gần đây xuất hiện những đường dây tội phạm bắt cóc thiếu nữ để bán sang Trung Quốc làm vợ.

Con gái bà là Dua cùng với đứa bạn thân tên Di, đều 16 tuổi, đã bị mất tích từ hồi tháng Hai năm nay khi đang đi chơi gần nhà ở huyện Mèo Vạc, một huyện miền núi nằm sát biên giới Trung Quốc. Cũng như bà Dinh, bà Ly Thi My mẹ của em Di đều tin rằng con gái của họ đã bị bọn buôn người bắt cóc bán sang Trung Quốc làm vợ.

Những kẻ buôn người có thể tìm kiếm các cô gái ở những phiên chợ Chủ Nhật hay trên mạng xã hội. Có những cô gái chấp nhận sang Trung Quốc trước những lời hứa hẹn sẽ có được một gia đình hạnh phúc, công ăn việc làm tốt…

Ông Lê Quỳnh Lân, làm việc cho tổ chức phi chính phủ Plan International cho AFP biết : « Các cô gái qua bên kia biên giới cũng chỉ để kiếm sống, nhưng họ có thể dễ dàng rơi vào bẫy của bọn buôn người ».

Theo các con số chính thức, Việt Nam có thống kê có khoảng 3.000 trường hợp nạn nhân của tệ buôn người trong khoảng từ 2012-2017, đa số là các phụ nữ trẻ. Nhưng những con số thống kê như vậy mới chỉ dựa trên những trường hợp được giải thoát hoặc tự trở về quê. Nhiều trường hợp bị bắt cóc không thống kê được và con số những người bị mất tích còn cao hơn, theo ông Lê Quỳnh Lân.

Ông Triệu Phi Cương, một cán bộ cơ quan điều tra tội phạm của Mèo Vạc thì với chiều dài đường biên giới dài hơn 1.300 km, địa hình hiểm trở, việc kiểm soát nạn buôn người qua biên giới gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo nhiều phụ nữ được hỏi, các nạn nhân không nhận thức được khi nào thì họ trở thành con mồi của những kẻ buôn người.

Lấy chồng người Trung Quốc, bản chất của sự việc không phải là chuyện xấu xa gì, nhưng điều tồi tệ là những người phụ nữ trở thành món hàng kiếm lời của đường dây buôn người và vấn nạn đang lan sang các nước khác như Lào hay Miến Điện.

(Tổng hợp từ AFP)

Nguồn: RFI




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC