Thiếu tá Nguyễn Văn Chương (38 tuổi, công tác tại Lữ đoàn 21, Bộ Tư lệnh Biên phòng) là người bị thương nặng nhất tại vụ cháy chung cư mini ngõ 29 Khương Hạ, Thanh Xuân, Hà Nội vào tháng 9/2023. Vụ cháy đi qua gần nửa năm, căn nhà hạnh phúc của gia đình anh Chương không còn. Trải qua nỗi mất mát quá lớn, Thiếu tá Chương vẫn đang từng ngày cố gắng vượt qua nỗi đau, nỗ lực trở lại cuộc sống bình thường.
"Khi về nhà, con tôi như một đứa trẻ"
Sau 2 tháng cấp cứu tích cực, phục hồi chức năng tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), anh Chương được bố mẹ đón về thôn Long Châu, xã Tiên Dược, Sóc Sơn để tiện chăm sóc, tiếp tục thăm khám và phục hồi chức năng. Ông Nguyễn Văn Chức (bố của anh Chương) phấn khởi khoe tờ giấy luyện chữ mà con trai tập từ ngày ra viện. Những con chữ còn ngả nghiêng, xiêu vẹo nhưng đủ để người đọc hiểu được.
Anh Chương cùng với cha mẹ. Ảnh: P.Thúy.
“Như thế này là tiến bộ lắm đấy, chứ những ngày đầu mới ra viện, tay Chương run, các nét chữ nghệch ngoạc, không theo hàng, theo lối, thậm chí còn không luận được nghĩa. Khi về nhà, con tôi như một đứa trẻ, lúc nhớ, lúc quên. Vợ chồng tôi đều thấy may mắn vì con giữ được sinh mệnh nên cố gắng dành hết tất cả cho con”, người cha chia sẻ.
Với bà Trần Thị Nhiên (mẹ của anh Chương), khi còn trẻ, chồng công tác ở miền Nam, bà phải gửi con cho cha mẹ, thời gian bên con không nhiều. Khi anh Chương gần 40 tuổi, bà lại bắt đầu chăm con từ miếng ăn, giấc ngủ. Mỗi buổi sáng, bà giúp con đánh răng, rửa mặt, lo đồ ăn sáng.
Anh Chương cùng bố đạp xe quanh làng. Ảnh: P.Thúy.
Khoảng sân rộng trước cửa nhà là nơi anh Chương tập đạp xe như khi còn bé. “Cảm xúc như con mới tập đi vậy. Chương đạp được vòng xe nào vợ chồng tôi lại mừng. Thời gian đó, Chương hay chóng mặt nên đạp một lúc lại dừng. Mỗi ngày đoạn đường đạp xe dài hơn, niềm vui lại nhân lên. Ngoài thuốc theo đơn điều trị của bác sĩ, gia đình cho Chương đi châm cứu, bấm huyệt. Bác sĩ nói cần thời gian để Chương có thể phục hồi”, ông Chức nói.
Từ tháng 1/2024, gia đình đưa anh Chương đi châm cứu tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương, một tuần năm buổi. Hằng ngày, ông Chức lần lượt chở hai mẹ con anh Chương ra điểm đón xe bus để sang nội thành chữa bệnh. Bà Nhiên khoe sức khỏe của con trai "cải thiện trông thấy".
“Mẹ chữa mắt cho con đi”
Sau vụ hỏa hoạn, sức khỏe anh Chương dần hồi phục nhưng mắt vẫn bị mờ, đeo kính không có tác dụng. Anh nhìn vào chiếc điện thoại thông minh cũng khó khăn. Thi thoảng anh nhìn xa xăm rồi bảo “mẹ chữa mắt cho con đi, con khỏe rồi”. Bà Nhiên lại đưa con sang Bệnh viện Mắt trung ương. Hai mẹ con đến khám nhiều lần nhưng đều không cải thiện kể cả khi đeo kính.
Anh Chương tập viết lại sau tai nạn hỏa hoạn. Ảnh: P.Thúy.
Hằng ngày, ông Chức cùng con trai đạp xe trên con đường vắng. Gặp người quen, họ dừng lại trò chuyện cho khuây khỏa. Nhiều hàng xóm, bạn bè cùng đơn vị thường xuyên ghé nhà thăm. Gặp mọi người, anh Chương đều nhớ hết.
Ngồi trong ngôi nhà khang trang vừa mới xây, bà Nhiên lại thoáng buồn. Gia đình mong muốn có có chỗ ngủ nghỉ rộng rãi khi con cháu về quây quần nhưng nhà còn chưa kịp hoàn thiện thì biến cố xảy ra.
Vào các dịp Tết trước kia, cả gia đình anh Chương đều về đón Tết cùng ông bà rồi sắm sửa, trang trí nhà cửa đón Tết bằng chậu quất, cành đào. Chỉ ra phần giữa sân, ông Chức nói: “Hồi đó, nếu không có quất thì sẽ mua đào, rực rỡ, đẹp lắm, nhà rộn tiếng cười đùa của lũ trẻ”. Nhưng năm nay với gia đình ông sẽ là một mùa Tết lặng lẽ nhất. Mỗi lần anh Chương nói nhớ vợ và các con, hai vợ chồng ông thắt ruột gan chỉ biết động viên con “chấp nhận số phận".
Anh Chương khi nằm viện và lúc bình phục (chụp cùng bố). Ảnh: BVCC
Hơn 4 tháng sát cánh bên con, chứng kiến sự hồi sinh của Thiếu tá Chương, ông Chức cho biết giai đoạn khó khăn nhất là giữ lại mạng sống đã được các bác sĩ nỗ lực cứu giúp. Anh cũng được sự bao bọc, quan tâm của Nhà nước, anh em, bạn bè cũng nhiều đoàn thể xã hội. "Gia đình xúc động và cảm tạ những ân tình đó. Giờ đây mong mỏi lớn nhất của gia đình là con hồi phục hoàn toàn được sức khỏe", ông bày tỏ.
Năm nay, không đào, không quất nhưng mảnh vườn nhỏ trước cửa nhà bà Nhiên trồng vài khóm thược dược, giờ cũng bắt đầu nảy lộc, chớm nụ, chắc kịp bung hoa đón Tết. Bà Nhiên nói: “Mọi chuyện đã qua không thể lấy lại được, cần sống tốt cho hiện tại và tương lai. Với vợ chồng già chúng tôi, giờ Chương là hy vọng, là động lực sống”.
Theo Vietnamnet