Tình trạng giả gái để "mua vui", gây cười một cách dễ dãi ngày càng bị lạm dụng trong môi trường nghệ thuật. Vậy đây có phải là chiêu trò lố bịch của nhiều diễn viên?

42 1 Nghe Si Dua Nhau Gia Gai Ngheo Nan Y Tuong Hay Chieu Tro Lo Bich

Nghệ sĩ giả gái: "Chuyện như cơm bữa"

Những năm gần đây, trong một liveshow kịch hay gameshow truyền hình, công chúng cũng dễ dàng bắt gặp hình ảnh các nghệ sĩ nam "mua vui" cho khán giả bằng chiêu trò giả gái. Trong hình ảnh người phụ nữ, cảnh tượng các diễn viên nam uốn éo, lả lướt, õng ẹo khiến công chúng ngày càng "bội thực", đồng thời có cái nhìn không mấy thiện cảm với giới nghệ sĩ.

Nhiều khán giả nhận xét rằng: Chí Tài - diễn viên hài gạo cội là một trong những nghệ sĩ giả gái "sống sượng" nhất vì ngoại hình không phù hợp. Nhưng bất luận cảm xúc của khán giả ra sao, sự xuất hiện của anh trong diện mạo phụ nữ trên các sân khấu ngày càng dày đặc.

Cuối năm 2017, Chí Tài có màn giả gái trong tiết mục hài ở liveshow Chờ người của Tố My. Liên tiếp sau đó là các màn giả gái ở Ơn giời cậu đây rồi, các liveshow kịch hải ngoại.

42 2 Nghe Si Dua Nhau Gia Gai Ngheo Nan Y Tuong Hay Chieu Tro Lo Bich

Chí Tài giả gái trong một chương trình.

Minh Quân cũng bị xem là một trường hợp giả gái thất bại khác của làng giải trí. Sau một tiết mục trong chương trình Cặp đôi hoàn hảo 2011 được khán giả quan tâm, đón nhận, Minh Quân cho rằng đây chính là "thế mạnh" của bản thân nên tiếp tục sử dụng "chiêu" này để câu kéo khán giả. Các vai diễn sau đó hóa thân thành dì ghẻ, đặc biệt là nữ hoàng tuyết trong đêm Dạ tiệc đỏ, vô tình để lộ nội y của Minh Quân khiến khán giả lắc đầu ngán ngẩm.

Không chỉ có Chí Tài, Minh Quân, việc Hoài Linh liên tục giả gái dù từng lên tiếng khẳng định bản thân sẽ không bao giờ đóng vai nữ giới nữa cũng khiến anh trở thành tâm điểm, bị dư luận "ném đá" không tiếc tay. Người hâm mộ danh hài thất vọng vì sau màn giả gái ở Ơn giời, cậu đây rồi, Hoài Linh tiếp tục giả gái trong liveshow của nam ca sĩ Quang Hà. Nhiều người đặt câu hỏi, "bao giờ Hoài Linh mới hết giả gái"?

Thêm vào đó, danh sách nghệ sĩ nam thích giả gái không thể thiếu Trấn Thành, BB Trần, Huỳnh Lập, Hải Triều... Dù được khen sở hữu vẻ ngoài xinh đẹp, nuột nà cùng nét diễn vui nhộn, gây cười song không ít lần, những nghệ sĩ này bị cộng đồng mạng chỉ trích vì "diễn quá lố", có nhiều động tác hình thể phản cảm, xúc phạm nữ giới và những người thuộc cộng đồng LGBT.

Vai diễn của Trấn Thành trong vở kịch Tô Ánh Nguyệt chính là "giọt nước tràn ly", cho thấy sự hóa thân quá đà, không tiết chế được bản thân của ông xã Hari Won. Không chỉ chịu phạt, nam danh hài còn rơi vào vòng vây bàn tán của dư luận suốt một thời gian dài.

Nghèo nàn ý tưởng hay chiêu trò lố bịch?

Công chúng nhận định, đa phần những màn giả gái trong thời gian gần đây trên bất kỳ phương tiện truyền thông đại chúng nào đều có một khung hình chung: "nam không ra nam, nữ chẳng ra nữ".

Việc nghệ sĩ nam trang điểm lòe loẹt, ăn mặc lố lăng, đi đứng dưỡn dẹo, phát ngôn đanh đá... khiến cho việc giả gái ngày càng trở nên phản cảm.

Nhiều nghệ sĩ bất chấp tên tuổi, hình ảnh xây dựng bấy lâu để thực hiện chiêu trò giả gái như cách để lấy tiếng cười, mua vui cho khán giả. Thế nhưng họ không biết rằng việc bản thân giả gái càng khiến cho loại hình này trở nên dị hợm.

42 3 Nghe Si Dua Nhau Gia Gai Ngheo Nan Y Tuong Hay Chieu Tro Lo Bich

Trấn Thành giả gái trong vở kịch Tô Ánh Nguyệt.

NSƯT Công Ninh từng nêu quan điểm tình trạng giả gái lố bịch, tràn lan là một hành động làm méo mó nghệ thuật. Bởi những điều trái khoáy bao giờ cũng gây cười. Vì vậy nhiều người nhào vào địa hạt này nhằm tạo tiếng cười song không phải ai giả gái cũng thành công. "Có những trường hợp giả gái thô thiển, dung tục đến mức nhìn muốn ói" – anh nói.

Diễn viên Thu Hương cho hay: "Nếu giả gái mà duyên dáng thì không nói làm gì, nhưng một số nghệ sĩ giả gái nhìn rất "giả", tạo sự lố bịch trên sân khấu nên bị khán giả chê. Nếu đó chỉ là chiêu trò thì nghệ sĩ đó đi sai hướng rồi. Trên sân khấu, diễn viên nam giả nữ, nữ giả nam là không thiếu. Chỉ có điều, mọi thứ đều phải làm hài hòa, ra tính chất nghệ thuật là được".

Đứng trên góc độ một nhà nghiên cứu về văn hóa, nghệ thuật, chia sẻ với PV báo Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái cho biết, việc một nghệ sĩ nam giả nữ cũng có thể do yêu cầu của vở diễn, cũng có thể do yêu cầu thưởng lãm tréo ngoe của người xem. Tuy nhiên, xét dưới góc độ mỹ học sân khấu, việc nghệ sĩ nam giả gái "rất chướng".

42 4 Nghe Si Dua Nhau Gia Gai Ngheo Nan Y Tuong Hay Chieu Tro Lo Bich

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái.

"Thời kỳ phong kiến, nữ giới không được lên sân khấu diễn. Vì vậy, các nam nhân phải thay nữ nhân hóa trang, đảm nhận những vai diễn như vậy. Thế nhưng ngày nay, có ràng buộc gì để họ phải giả gái đâu?

Ở góc độ mỹ học sân khấu, tôi nghĩ việc nghệ sĩ nam suốt ngày uốn éo, đeo phụ tùng đàn bà, giả gái... là một hành động méo mó, lố bịch, giễu cợt giới tính, thậm chí giễu cợt mỹ học sân khấu. Việc nghệ sĩ đua nhau giả gái không ngoài mục đích gì khác ngoài chiêu trò để thu hút, thỏa mãn thị hiếu tầm thường, không lành mạnh của khán giả" - PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ.

Một tiến sĩ Mỹ học xin phép giấu tên, chia sẻ, ông cũng đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái. Người này nói thêm:

"Giả gái theo tôi là sự cạn kiệt về chất xám, ý tưởng của các diễn viên hài. Vì cạn kiệt, họ chấp nhận dùng những mảnh miếng tầm thường, lố lăng để gây cười nhạt nhẽo, dễ dãi".

 

 

Bảo Quyên

nguoiduatin.vn

 




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC