Làng Vối, làng Ngụ (xã Nhân Thắng, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh) cách nhau một dải ruộng mấy sải cò bay. Thế nhưng, lạ lùng, trai gái hai làng dù có yêu thương thắm thiết mấy cũng đành nuốt lệ chia tay chứ chẳng dám se duyên kết tóc. Họ sợ một lời nguyền chẳng rõ căn nguyên.

Theo những người có tuổi ở hai làng thì lời nguyền ấy, trước đây, đã làm bao cặp vợ chồng tan đàn xẻ nghé dù khi quyết tâm đến với nhau, tình nghĩa có mặn nồng đến mấy…  

Loan, thuý chia lìa

Nguyễn Xuân Dương, sinh năm 1978, là thuỷ thủ tàu viễn dương. Đã "có tuổi" nên mỗi khi tạm biệt trùng khơi, về lại đất liền, Dương luôn bị bố mẹ giục: Lấy vợ đi thôi! Trước "mệnh lệnh" khó cưỡng của song thân, Dương chỉ biết ậm ờ rồi tìm cách đánh trống lảng cho qua. Làm vậy không phải Dương chưa có ý trung nhân mà bởi chàng thuỷ thủ ấy không dám hé lộ rằng mình đã thầm thương trộm nhớ cô gái xinh đẹp ở ngay làng bên cạnh. Trai lớn lấy vợ, gái lớn gả chồng, đó cũng là chuyện thường tình và càng đáng mừng hơn khi cô gái ấy lại rất hợp với hoàn cảnh của Dương, người quanh năm biền biệt.

Thế nhưng, bởi là trai làng Vối yêu gái làng Ngụ nên "câu chuyện tình yêu" ấy Dương không dám công khai. Nhưng ở quê, chẳng chuyện gì giấu được lâu, bởi thế, chuyện tình của hai người đã nhanh chóng được… "đưa ra ánh sáng" và phải "còng lưng" hứng chịu "búa rìu" của dư luận hai làng. Đề tài "thằng Dương yêu cái Thuỷ" (tên bạn gái của Dương) nóng hôi hổi ở bất cứ đâu, từ đồng làng đến chợ phiên, từ quán nước đầu thôn đến mâm cơm của mỗi gia đình. Nóng! Nóng hơn cả chuyện dịch bệnh hiểm nghèo chợt đến chợt đi ở vùng quê lam lũ ấy. Trước sự dị nghị, đàm tiếu của dân làng, đặc biệt là sự phản đối của gia đình, đã nhiều lần đôi trẻ tính chuyện chia tay.

Thế nhưng, bởi tình sâu nghĩa nặng nên dường như sóng gió ấy chỉ làm cho con tàu tình yêu thêm vững vàng, bền chắc. Tháng 8 vừa rồi, vượt bao hải lý, Dương lại về với Thuỷ cùng lời ước hẹn, sẽ thuyết phục gia đình hai bên để "rước nàng về dinh". Thế nhưng, gặp nhau sau gần một năm xa cách, lệ mừng chưa ráo, sầu đau đã đầy. Bàn chuyện cưới xin, cả hai đã bị gia đình phản đối kịch liệt, dù đôi bạn trẻ đã cạn nước mắt năn nỉ, phân bua. Bố mẹ Dương bảo, cho Dương hai "con đường" để chọn: Một là bố mẹ, hai là người yêu. Trước thái độ kiên quyết của gia đình, bên tình bên hiếu, Dương không biết tính thế nào! Thuỷ cũng chẳng khá hơn. Bố mẹ cô bảo, cô lấy bất cứ ai ông bà cũng đều gật đầu ưng thuận, trừ trai làng Vối.

Nghi án một lời nguyền

Đường vào làng Vối

Vọng cùng tuổi với Dương. Ở làng Vối, họ thân thiết với nhau từ tấm bé. Đôi bạn con chấy cắn đôi ấy cũng cùng chung cảnh ngộ, cùng thiết tha yêu con gái làng bên. Thế nhưng, may mắn hơn Dương, cuối tháng này, Vọng và bạn gái mình chính thức se duyên kết tóc. Vọng kể, cũng như Dương, tình yêu của Vọng bị mọi người "lên án" nặng nề. Và, để đến được với nhau, hai người đã có không biết bao nhiêu đêm ngày sống trong nước mắt.

Vọng kể, đã có lúc, bởi quá chán nản với cảnh cấm đoán ngặt nghèo của gia đình, đôi lứa đã có những ý nghĩ tiêu cực là cùng… làm một liều thuốc chuột để ngàn thu trọn kiếp bên nhau. Rất may, họ chưa kịp làm điều dại dột ấy thì đã nghĩ ra cách để muôn đời không còn xa cách: Ăn cơm trước kẻng! Ở làng, đó là chuyện cấm kỵ. Thế nhưng, Vọng bảo, đó là nước cờ cuối để buộc hai nhà phải đứng ra giải quyết hậu quả của "chuyện đã rồi". Trước sự "chống trả" quyết liệt của đôi trẻ, bị đặt vào thế đã rồi, hai bên gia đình đành phải gặp nhau để đàm phán. Việc gia đình đã xong, nhưng việc làng thì giải quyết thế nào?

Trước sự soi mói của mọi người, gia đình Vọng đành lý giải chuyện bước qua lời nguyền của mình bằng cánh chống chế: Ông nội của con dâu tương lai không phải người làng Ngụ. Ông từ nơi khác đến ngụ cư tại đây. Không phải người làng thì đương nhiên không luỵ phiền, vướng bận gì đến lời nguyền mà các cụ để lại.

Lời giải thích của gia đình Vọng khiến nhiều cô cậu trai thanh nữ tú của hai làng như mở cờ trong bụng. Và, họ cũng nghĩ cách để "hợp thức hoá tình yêu" của mình. Bởi vậy mới có chuyện cậu trai Nguyễn Xuân Chinh (người làng Vối) nằng nặc đòi gia đình cắm đất ở trên làng Ngụ, quê người vợ tương lai, để mở cửa hàng, tính chuyện làm ăn lâu dài. Chinh bảo, lên đó mấy năm, Chinh sẽ "nhập tịch" làng Ngụ để được phép "đi lại" đàng hoàng với người con gái mà mình mấy năm thầm thương, trộm nhớ.

Lời nguyền hiển linh?

Lần về phép này, thấy Vọng bạn mình chuẩn bị tổ chức đám cưới, Dương mừng lắm. Anh nghĩ cách làm của Vọng cũng sẽ là lối thoát cho cuộc tình nhiều sóng gió của mình. Thế nhưng, hi vọng và "kế hoạch" của Dương đã nhanh chóng bị dội nước lạnh. Dường như đoán được suy nghĩ của con, bố mẹ Dương bảo, nếu cứ tiếp tục duy trì quan hệ để có… hậu quả, một giọt máu đào hơn ao nước lã, bố mẹ Dương chỉ nhận cháu, còn dâu thì vẫn "đừng hòng bước qua cửa!".

Nghi án một lời nguyền

Cụ Nguyễn Xuân Trì: "Lời nguyền ấy đã có từ lâu lắm!"

Không gặp, tưởng bố mẹ Dương cực đoan, cay nghiệt. Gặp thì mới biết, Dương khổ một bố mẹ anh khổ mười. Mong con về phép, nhưng về thì lại thấy con mặt mày ủ ê, héo hắt vì yêu, bà thấy ruột gan mình như có ai xát muối. Bà Thu kể, lần về phép trước, trước sự cấm đoán của gia đình, Dương đã đưa Thuỷ về nhà để… chất vấn mẹ mình. Nhìn hai đứa khổ sở, rả rích trong nước mắt, lúc như van lơn, lúc như trách móc, bà cũng thấy ngậm ngùi.

Nhưng nghĩ đến cảnh những cặp vợ chồng tan nát vì dám "vượt qua lời nguyền" bà đã cứng rắn để gạt nước mắt nói "không". Bà bảo, thương con, lo cho hạnh phúc của con nên bà mới cư xử vậy. Lời nguyền ấy căn nguyên từ đâu, như thế nào thì bà Thu không được rõ. Bà chỉ biết rằng, tuổi cập kê, bà và các anh chị em của mình đã được ông, cha dặn dò kỹ lưỡng: "Các con không bao giờ được kết duyên với thanh niên làng Ngụ!".

Hồi ấy, các anh em bà cũng thắc mắc bởi không hiểu tại sao lại có "luật lệ" lạ đời ấy thì các cụ bảo: "Thấy các cụ đời trước bảo vậy chứ không biết thế nào!". Lời dạy ấy như vòng cương toả mà thế hệ bà chẳng mấy ai dám bước qua. Sau này, tuổi tri thiên mệnh, ngẫm lại, bà thấy các cụ nói "cấm có sai bao giờ!".

Thì đấy, nhẩm tính, từ trước tới nay, hai làng chỉ có 10 cặp bạo gan quyết đến với nhau. Thế nhưng, đến giờ điểm lại, chẳng cặp nào được yên bề gia thất. Nếu không bỏ nhau thì cũng gặp vô số tai ương, hoạn nạn. Có duy nhất một cặp không thấy giông bão ầm ập kéo về tổ ấm nhưng lại sinh toàn "vịt giời". "Vịt giời" có cánh nó bay. Ở quê, chẳng có thất vọng nào bằng việc không có… thằng con trai chống gậy!

Gian nan đi tìm "thuốc giải"

Cụ Nguyễn Xuân Trì, cao niên làng Vối, tuổi bát tuần nhưng còn minh mẫn lắm! Cũng như bà Thu, cụ Trì bảo, đời cụ, khi đôi mắt bắt đầu thích nhìn cô gái đẹp thì cũng được cha mẹ "định hướng": "Muốn lấy ai thì lấy, trừ gái làng Ngụ". Cụ Trì cũng không biết lời nguyền ấy bắt nguồn từ đâu. Ngày trước, thấy có người bảo, thuở xa xưa lắm, ngày mà hai làng chỉ có lưa thưa mấy nóc nhà, có đôi yêu thương nhau tha thiết. Thế nhưng, mối tình ấy đã bị ngăn cản bởi so với nhà gái bên làng Ngụ, nhà chàng trai làng Vối không hộ đối môn đăng.

Không đến được với nhau, chàng trai làng Vối đã bực tức, tuyệt vọng mà cầm dao chém vào cột để thề: Muôn kiếp, trai gái hai làng sẽ không bao giờ thành vợ thành chồng của nhau được nữa! Cụ Trì bảo, câu chuyện ấy thì nhiều người được nghe thế nhưng thực hư thế nào thì chẳng ai dám chắc! Tuy nhiên, chiếu thực tế thì có vẻ như lời nguyền ấy đã quá đỗi hiển linh. Duyên phận phải chiều, từ đời cụ, hai làng đã có vài đôi đến với nhau nhưng lương duyên chẳng được mát mái, xuôi chèo!

Ông Lê Đăng Miền - Trưởng thôn Cầu Đào (tên gọi mới của làng Ngụ) bảo, chuyện "yêu nhau không đến được với nhau" giữa trai gái hai làng Vối, Ngụ là có thật. Và, sự thật ấy khiến chính quyền địa phương bối rối. Hôn nhân, ấy là tự do, là chuyện riêng của mỗi người, mỗi gia đình nên chính quyền không có cách nào can thiệp. Bởi thế, cách thức để hoá giải lời nguyền, đến giờ, chính quyền thôn cũng không biết tính làm sao!

Mấy năm trước, có đôi cũng đã quyết đến với nhau. Đó là cặp vợ chồng hình mẫu bởi họ đều có công ăn việc làm ổn định. Ông Miền kể, ông hi vọng cặp ấy sẽ hạnh phúc bên nhau và như vậy, lời nguyền sẽ mất thiêng phần nào. Thế nhưng, buồn thay, lấy nhau được ít bữa, đôi uyên ương ấy cũng "anh đường anh, em đường em" bởi suốt ngày cãi vã, ghen tuông...

Có cậu trai làng Vối đã đứng giữa làng mà tuyên bố rằng: "Hạnh phúc của mình là do mình tự quyết định chứ chẳng quỷ thần nào ràng buộc!". Lời "đanh thép" ấy luôn đúng nhưng hành trình để đến bến bờ hạnh phúc, với trai gái hai làng, xem ra còn nhiều lắm chông gai!

* Tên nhân vật đã được thay đổi

Theo Đào Thanh Tuy
Nông thôn ngày nay




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC