Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi, ai dám đảm bảo nếu di dời Ga Hà Nội sẽ không còn cảnh ách tắc? Di dời ga sẽ làm gì trên đó?

Người trong nghề nói về đề xuất di dời Ga Hà Nội - 0

Ga Hà Nội là nơi ghi nhiều ký ức với người dân Thủ đô và du khách mỗi khi có việc đi lại bằng tàu hỏa. Ảnh: Cao Tuân

Di dời ga sẽ làm gì trên đó?

Những ngày qua, dư luận đặc biệt quan tâm đến đề xuất di dời Ga Hà Nội ra khỏi khu vực nội đô nhằm loại bỏ xung đột giao thông, giảm tải áp lực cho khu vực trung tâm.

Cụ thể, tại Hội nghị sơ kết công tác an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội nửa đầu năm 2017, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc Công an TP cho hay, hiện Hà Nội có hơn 10km đường sắt liên tỉnh đi xuyên tâm, với rất nhiều đường ngang giao cắt, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, an toàn giao thông.

Ông Bình cho rằng, việc di dời Ga Hà Nội sẽ hạn chế được tai nạn giao thông đường sắt trên địa bàn Thủ đô.

Dòng giới thiệu lịch sử nhà ga trong “Bách khoa mở” nêu rõ, Ga Hà Nội có quy mô lớn nhất xứ Đông Dương với chiều dài gần 200m, có kiến trúc giống như công sở hơn là kiến trúc công cộng.

Ga Hà Nội ngày nay (thời Pháp thuộc và trước đây được gọi là Ga Hàng Cỏ) là công trình hơn 100 tuổi, một trong những biểu tượng gắn bó với người Thủ đô. Mỗi ngày ở Ga Hà Nội có hàng trăm chuyến tàu đi và đến của các tuyến Hà Nội – TP.HCM (đường sắt Thống Nhất), Hà Nội – Lào Cai, Hà Nội – Hải Phòng, Hà Nội – Lạng Sơn…

Với hành khách, Ga Hà Nội là nhà ga trung tâm nhất có thể kết nối giao thông, tạo thuận lợi cho họ trong việc đi lại…

Người trong nghề nói về đề xuất di dời Ga Hà Nội - 1

Theo GS Trần Lâm Biền, Ga Hà Nội là di sản, bỏ ga là chống lại văn hóa.

Trong ký ức của cụ Bùi Liên, người sinh ra và lớn lên cạnh Ga Hà Nội, từ xa xưa, cụ đã chứng kiến bao cuộc chia xa trong nỗi buồn.

Nhà ga gắn với đoàn quân đi, thư gửi lại trắng sân ga. Bao lớp trai Thủ đô cũng ra đi theo con tàu lăn bánh gợi nỗi nhớ cho cô gái đứng bên sân ga vẫy khăn từ biệt. Đã bao lần, những người vợ lặng lẽ đến ga nghe miền ký ức tiễn chồng đi xa.

Và rồi, có lần cuối người vợ ấy ở lại cả đêm chờ đợi mà người chồng không thể về.

Sau bao năm, mỗi lần nhớ cha, nhớ chồng, người mẹ lại dắt dúi đàn con thơ ra nhà ga dõi theo con tàu…

“Hãy hỏi ý kiến người dân, hãy quan tâm đến phản biện của các nhà lịch sử, các nhà văn hóa trước khi quyết định đụng chạm đến những công trình hơn trăm năm tuổi của Thủ đô.

Các cơ quan đừng vì sự “tiện quản lý” mà vội vàng quyết định đụng chạm đến những nơi đã thành tâm hồn người Hà Nội”, cụ Liên bày tỏ.

GS Trần Lâm Biền, nhà nghiên cứu di sản văn hóa cũng cho rằng:

“Phát triển của Thủ đô cần tính đến bài toán giao thông thống nhất và chuyện di dời Ga Hà Nội cũng là một ý tưởng cần bàn tính cụ thể. Tuy nhiên, Ga Hà Nội là kỷ niệm, dấu ấn, khi nói đến chuyện di dời sẽ có nhiều ý kiến trái chiều”.

“Di dời Ga Hà Nội thì sẽ làm gì trên đó?”,

ông Biền đặt câu hỏi và đưa ra quan điểm, để hài hòa giữa giao thông và lịch sử, nếu có di dời Ga Hà Nội ra ngoại thành thì nơi đây nên xây dựng bảo tàng đường sắt.

“Di dời ga không có nghĩa triệt tiêu luôn hình ảnh Ga Hà Nội đã tồn tại hàng trăm năm qua. Nếu di dời để sử dụng khu “đất vàng” đó vào mục đích khác thì khó được người dân chấp nhận.

Phát triển đô thị và bảo tồn giá trị văn hóa phải rành mạch. Ga Hà Nội cũng là di sản, bỏ ga là chống lại văn hóa. Quy hoạch xây dựng bảo tàng chẳng hạn, ở phần đất thừa làm sao không ảnh hưởng đến cảnh quan, không gian của Bảo tàng đường sắt.

Theo tôi, nên lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học về vấn đề này”, GS.TS Trần Lâm Biền chia sẻ.

Có đảm bảo không còn ách tắc?

Người trong nghề nói về đề xuất di dời Ga Hà Nội - 2

Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Nếu di dời Ga Hà Nội là sai lầm hết sức”.

Theo lãnh đạo ngành đường sắt, trong phê duyệt quy hoạch phát triển giao thông đường sắt cũng như phê duyệt quy hoạch giao thông Hà Nội đến năm 2030 của Thủ tướng Chính phủ đều xác định Ga Hà Nội là ga trung tâm, đầu mối trung chuyển hành khách cho tuyến đường sắt nội đô và đường sắt liên tỉnh.

Một đoàn tàu có thể chuyên chở được từ 700 - 1.000 hành khách, thay vì vận chuyển (đoàn tàu) như hiện nay thì vài trăm phương tiện khác đi vào sẽ vẫn gây áp lực lên giao thông nội đô.

Các bản quy hoạch đã được tính toán kỹ lưỡng, xem xét nhiều yếu tố và lấy ý kiến của nhiều cơ quan, chuyên gia trong và ngoài nước. Chính vì vậy, nếu di dời Ga Hà Nội sẽ phá vỡ các quy hoạch này.

Trong khi đó, ông Phạm Thế Minh, nguyên Thứ trưởng bộ GTVT cho rằng:

"Bản thân chúng ta không có nhiều quỹ đất cho giao thông nhưng giờ lại có ý tưởng chuyển hóa cầu Long Biên để làm du lịch, vui chơi giải trí, làm mất đi không gian, đất phục vụ cho giao thông. Điều dễ nhận thấy, khi chuyển cầu Long Biên thành khu du lịch, lượng khách đổ về lớn, kéo theo các phương tiện giao thông gia tăng, giao thông sẽ “rối như canh hẹ”.

Người ta chỉ nhìn cái lợi trước mắt, khó làm được thì dẹp, không làm được thì cấm.

“Tôi đơn cử một ví dụ, trước đây Pháp xây dựng cầu Long Biên và có thiết kế hầm chui ở hai bên đầu cầu để người dân thuận tiện tham gia giao thông và không có chuyện tắc đường. Sau này do hầm yếu, thiếu kinh phí sửa chữa, chúng ta lại lấp đi và gây ra ách tắc, ùn ứ giao thông.

Việc di dời Ga Hà Nội ai dám đảm bảo không còn cảnh ách tắc?

Theo quan điểm của tôi giao thông phải có sự kết nối giữa đường sắt với đường bộ và các dạng mới tạo ra mạng lưới thông suốt. Nếu chúng ta không muốn sử dụng Ga Hà Nội cho tuyến đường sắt Thống Nhất thì cũng phải sử dụng cho đường sắt nội đô”, vị chuyên gia chia sẻ.

Nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT cũng cho rằng, với lực lượng công an, mục tiêu của họ là giữ gìn trật tự chứ chưa chắc đã tính đến bài toán giao thông.

Ở nước ta đang tồn tại thực trạng, mỗi anh quản lý với mục tiêu khác nhau nên mới xảy ra những câu chuyện “lủng củng” như vậy, mạnh ai người ấy đề xuất.

 

Nguồn: Cao Tuân - giadinh.net.vn




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC