Người dân trên nhiều tỉnh, thành vẫn đang ồ ạt, đổ xô vào các khu rừng để tìm nhiều cây dược liệu quý bán cho thương lái Trung Quốc.
Dân ồ ạt vào rừng lấy dược liệu
A Lịch, một tay chuyên săn lùng dược liệu ở thôn Long Nang, TT.Đắk Glei cho hay, loài cây này có ở rừng sâu xã Ngọc Linh. Hằng ngày, A Lịch đi khoảng 40 km vào rừng, đào xong chở ra TT.Đắk Lei bán được 250.000 - 300.000 đồng.
Cơ sở thu mua thảo dược ở TT.Đắk Glei
Theo anh Lịch, từ sáng sớm mờ sương, người từ các xã Đắk Pék, Đắk Man, Đắk Choong, Đắk Nhoong, Mường Hoong, Ngọc Linh và TT.Đắk Glei cùng rủ nhau đi vào rừng để tìm thảo dược.
Trong các loại cây dược liệu ở rừng Ngọc Linh thì cây máu chó dễ tìm hơn cả. Khi hỏi công dụng của cây máu chó, hầu như những người đi rừng ở đây không ai biết, mà nói là nghe mấy thương lái bảo loại cây bổ máu, chữa khỏi các loại ung thư, làm sạch máu…
Hiện nay, việc tìm cây dược liệu vẫn cứ tiếp diễn hằng ngày tại các rừng già thuộc H.Đắk Glei.
Điểm thu mua các loại dược liệu được đặt ở làng Đắk Boi (TT.Đắk Glei), tại đây, các loại dược liệu như cây lông cu ly, rễ na rừng, máu chó được chất thành kho rộng hàng trăm mét vuông. Toàn bộ số dược liệu thu gom được ở đây sẽ chở đến các đầu mối lớn ở cửa khẩu Móng Cái (Quảng Ninh) để xuất sang Trung Quốc.
Về phía lãnh đạo địa phương, ông Hoàng Trung Thông, Chủ tịch UBND H.Đắk Glei, xác nhận tình trạng người dân địa phương đổ xô vào rừng tìm thảo dược bán cho các thương lái là có thật.
Xuất khẩu dược liệu quý, nhập 90% dược liệu "rác" từ Trung Quốc
Trước đó, việc tìm các loài dược liệu quý trong rừng để đem bán cho thương lái Trung Quốc, diễn ra tại rất nhiều tỉnh trên cả nước.
Tại Lạng Sơn, tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua các cây dược liệu như hoàng đằng là thực vật quý hiếm thuộc nhóm IIA, cần phải bảo vệ hay các loại nấm lim, nấm chẹo ... đều có tác dụng chữa bệnh khiến người dân đổ xô đi tìm để bán.
Thương lái tại H.Quỳ Hợp (Nghệ An) phơi cây dược liệu trước khi xuất sang Trung Quốc
Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Nghệ An khi người dân tại huyện Kỳ Sơn kéo nhau vào rừng thuộc Khu dữ trữ sinh quyển Tây Nghệ An tìm chặt thân cây kim mao cẩu tích (còn gọi là cây cu li, cây lông khỉ) để bán cho các thương lái xuất sang Trung Quốc. Cây này được xem là vị thuốc chuyên trị đau lưng, gân xương nhức mỏi…
Còn tại các huyện Anh Sơn, Con Cuông, Tương Dương, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong (Nghệ An) thời gian vừa qua cũng “sốt” trước tình trạng thương lái Trung Quốc thu gom dược liệu chủ yếu lá chua ke - một loại cây chứa dược liệu lại có khả năng che chắn, chống xói mòn, sạt lở đất.
Cùng với đó là các loại cây dược liệu như cu li, cây ba gạc, cây huyết đằng, củ ba mươi mang về bán cho các thương lái ở địa phương để xuất sang Trung Quốc. Các thương lái thu mua cây dược liệu khô từ người dân khai thác trong rừng với giá 1.500 - 30.000 đồng/kg…
Tại Quảng Ngãi, người dân cũng đổ xô vào rừng phòng hộ ở các huyện Sơn Hà, Tây Trà và Sơn Tây cưa chặt cả cây cổ thụ, thu hoạch quả ươi non bán cho thương lái Trung Quốc. Theo đó, có ít nhất 13 cây ươi cổ thụ hơn 40 năm tuổi ở các khu rừng đầu nguồn của Quảng Ngãi bị triệt hạ.
Thế nhưng, ông Trương Văn Hiền, Tổng giám đốc Tổng công ty CP Vật tư nông nghiệp Nghệ An đã chỉ ra một nghịch lý, 90% nguồn dược liệu ở Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc qua con đường tiểu ngạch nhưng lâu nay các thương lái Trung Quốc lại đổ xô đến nhiều vùng rừng núi nước ta để thu gom thảo dược đem về nước.
“Người Trung Quốc mua dược liệu thô với giá rẻ nhưng sau khi chế biến, họ lại nhập lại Việt Nam với giá cắt cổ.
Trong khi đó, chất lượng dược liệu mua từ Trung Quốc lại không được cam kết, đảm bảo một cách chắc chắn an toàn cho sức khoẻ người sử dụng vì chúng ta không trực tiếp kiểm tra, giám sát quá trình khai thác, sơ, chế biến”, ông Hiền nói.
Bác sĩ Lê Hùng- Phó Chủ tịch Hội Đông y TPHCM đã từng rất bức xúc trước tình trạng chất lượng của dược liệu: “Rất nhiều dược liệu bị thả nổi chất lượng, giới lương y đang đau đầu không biết đâu là dược liệu sạch và đâu là rác. Nhiều trường hợp suy thận do uống thuốc đông y có độc chất”.
Theo Đất Việt