Trong khi người nước ngoài bị hớp hồn bởi trái cây Việt, thì người Việt lại chi ngàn tỷ đồng nhập trái cây ngoại về tiêu thụ.

Tâm lý sính hàng ngoại

Kim ngạch nhập khẩu mặt hàng rau quả của Việt Nam trong tháng 1/2017 đạt hơn 110 triệu USD, tăng gần 55% so với cùng kỳ năm 2016.

Không chỉ trái cây ôn đới mà Việt Nam không trồng được, nhiều loại trái cây quen thuộc như thanh long, mãng cầu, dưa vàng cũng được các doanh nghiệp nhập về với số lượng lớn, với giá bán cao gấp mấy lần.

Như mãng cầu Đài Loan được bày bán với giá gần 500.000 đồng/kg, mỗi trái từ 700 gam đến hơn cả ký nên tính ra giá gần cả triệu đồng/trái.

Trong khi, mãng cầu Việt đang được bán ở mức 40.000-60.000 đồng/kg, như vậy mãng cầu Đài Loan có giá đắt gần 10 lần.

Một loại trái cây khá gần gũi với người Việt là thanh long đã từng phải đổ đi hoặc cho bò ăn nhiều lần cũng đã được các nhà kinh doanh nhập khẩu từ Malaysia về nhiều.

Người Việt đổ tiền nhập trái cây nước mình cũng có - 0

Trong khi thanh long Việt Nam chỉ có giá từ 20.000-30.000 đồng/kg loại ruột trắng và khoảng 55.000 đồng/kg loại ruột đỏ, thanh long nhập khẩu từ Malaysia có giá cao gấp hơn 20 lần, gần 700.000 đồng/kg.

Vào các siêu thị, trái cây ngoại ngày càng lấn át với hàng chục chủng loại có xuất xứ từ nhiều nước, trong đó nhiều nhất là táo, lê và nho.

Trong những thời điểm khuyến mãi, giá các mặt hàng này còn khá rẻ. Như tại Big C, táo Gala Pháp chỉ còn 39.900 đồng/kg, cam Úc từ 79.999 đồng/kg giảm còn 59.900 đồng/kg, nho Mỹ đen không hạt 149.999 đồng/kg giảm còn 139.999 đồng/kg, lê Hàn Quốc 86.999 đồng/kg giảm còn 65.999 đồng/kg...

Ngoài ra, các chủng loại khác như táo Mỹ 89.999 đồng/kg, kiwi từ 60.000-80.000 đồng/kg... cũng được nhiều khách hàng lựa chọn

Trong khi đó, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Văn Thành - chủ tịch HĐQT Công ty An Phú APP (TP.HCM), trái cây ngoại được nhập về nhiều, nhất là trong dịp lễ tết là do nhu cầu biếu tặng tết tăng mạnh.

“Người dùng thường chọn các loại trái cây VN không có như kiwi, lựu, táo... ăn để biết và yên tâm bởi cho rằng trái cây nhập khẩu có chất lượng tốt. Ngoài ra, tư tưởng “chơi sang” để khẳng định địa vị cũng là lý do khiến nhiều người chọn trái cây ngoại để biếu tặng”, ông Thành nói.

Trong khi đó, theo ông Thành, thanh long vàng có xuất xứ từ Malaysia có giá lên tới 600.000 - 700.000 đồng/kg nhưng chất lượng không vượt trội hơn thanh long Việt.

Thậm chí, theo số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2016, giá trị nhập khẩu rau quả của Việt Nam đạt 351 triệu USD, tăng tới 40% so với cùng kỳ 2 năm trước đó. So với cùng kỳ 2013, con số này cũng tăng trưởng gấp đôi. Như vậy con số nhập khẩu hoa quả từ các thị trường tăng dần đều theo từng năm.

Trong khi ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội khuyến cáo: "Những loại trái cây nhập khẩu từ các nước cũng đều có mùa vụ nhất định. Cụ thể, cherry Mỹ có từ tháng 5 đến cuối tháng 8, cherry Úc khoảng từ tháng 11 đến 12, kiwi New Zealand vào mùa là từ tháng 6 đến tháng 9, nho Mỹ là tháng 10 và tháng 12".

Trái cây Việt được đánh giá cao, nhưng nguồn gốc còn chưa rõ ràng

Trong khi, khách Việt thì chuộng hoa quả ngoại, thì bản thân trái cây Việt đang hớp hồn khách ngoại, hay như người Thái, nơi Việt Nam nhập khẩu hoa quả nhiều nhất cũng đánh giá cao hoa quả của chúng ta.

Hồi tháng 7/2016, vải thiều, khoai lang, thanh long, mận, đào, bưởi... xuất hiện lần đầu trong “Tuần lễ hàng Việt” tại Trung tâm thương mại Central (Bangkok, Thái Lan) khiến nhiều người tiêu dùng Thái tò mò, thích thú với trái cây Việt.

Người Việt đổ tiền nhập trái cây nước mình cũng có - 1Du khách thích thú thưởng thức trái vải

Cho đến đại diện một tập đoàn tài chính lớn của Mỹ United Technologies, ông Eric Prieur, cho biết:

“Trái cây Việt rất phong phú và ngon miệng. Tôi mua nhiều loại mang về nước giới thiệu cho bạn bè, họ khá thích thú. Họ hỏi chúng tôi địa chỉ để mua những loại trái cây này và cách để kiểm tra được nguồn gốc”.

Thực tế, nguồn gốc đang cản bước rau quả trở thành một sản phẩm xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam.

Ông Kato Ryoji - đại diện chợ đầu mối OTA của Nhật Bản, cho biết thị trường Nhật rất khó tính trong việc lựa chọn sản phẩm nhập khẩu đặc biệt là nông sản, thực phẩm.

Để cạnh tranh tốt với các quốc gia cùng cung ứng mạnh nông sản như Thái Lan, Philippine,… ngoài chất lượng, giá cả cạnh tranh thì nguồn gốc của sản phẩm Việt luôn được các đối tác nước ngoài quan tâm.

Hiện nay, các loại trái cây và rau củ đặc biệt của Việt Nam xuất khẩu vẫn còn nhỏ lẻ.

Chất lượng rau củ vẫn bị xem nhẹ, mập mờ trong nguồn gốc cũng như chất lượng rau quả. Điều này khiến người Nhật lo ngại và dè chừng.

Cũng theo ông Ryoji, để trái cây xuất khẩu ra nước ngoài, khâu sơ chế là quan trọng nhất. Nó quyết định phần lớn việc một loại trái cây, hoặc nông sản có đủ tiêu chuẩn để ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là những thị trường khó tính.

“Hiện nhiều nơi của Việt Nam nông sản phải sử dụng nhà máy sơ chế của Trung Quốc, khiến chúng tôi quan ngại”, ông Ryoji nhấn mạnh.

Một chuyên gia người Nhật cho rằng Việt Nam cần phải tìm mọi biện pháp để tạo lòng tin cho khách hàng vì thực phẩm sạch rất quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của họ.

Tổng hợp TTO/ĐVO




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC